Thứ Năm tuần 32 Thường niên

Suy niệm Khôn Ngoan 7:22-8:1

 

Đức khôn ngoan tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa.  (Khôn Ngoan 7:25)

 

          Theo truyền thống, bài đọc thứ nhất hôm nay được coi như ám chỉ về Chúa Giê-su hoặc về Chúa Thánh Thần.  Đúng vậy, đức khôn ngoan được diễn tả ở đây như là “hình ảnh” lòng nhân hậu của Thiên Chúa (Khôn Ngoan 7:26), và bài đọc bảo chúng ta rằng đức khôn ngoan “ngự vào những tâm hồn thánh thiện từ thế hệ này qua thế hệ khác” (7:27).  Nhưng chúng ta hãy nhìn vào đoạn Kinh Thánh này dưới một góc cạnh khác.  Chúng ta thử xem những câu này được áp dụng để diễn tả Giáo Hội như thế nào.

          Kinh Thánh dạy chúng ta rằng kế hoạch của Thiên Chúa luôn luôn là “để nhờ Hội Thánh, được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (Ê-phê-xô 3:10).  Chúng ta cũng có thể thấy Thiên Chúa muốn cho Giáo Hội trở thành “tấm gương không tì vết chiếu tỏa quyền năng Thiên Chúa” và phải nên “tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền…, lanh lợi và chuộng điều lành, bất khuất, từ bi và nhân ái” (Khôn Ngoan 7:22).  Chắc chắn chúng ta được kêu gọi để biểu lộ đức khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa cho mọi người chung quanh chúng ta!

          Lại nữa, chỉ cần thoáng nhìn vào Giáo Hội hôm nay, chúng ta cũng thấy được một hình ảnh khác.  Chúng ta thấy có chia rẽ, sử dụng tài chánh sai lạc, thậm chí có những lạm dụng và che lấp.  Trên thế giới, Giáo Hội thường bị người ta nhìn bằng con mắt nghi ngờ hơn là kính trọng.  Rồi bất kể chúng ta có quy lỗi cho truyền thông hoặc lo lắng về thái độ chống đối Giáo Hội thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng phải nhận rằng một phần sự khinh thường này cũng hiểu được vì những hành động tội lỗi của một số phần tử trong Giáo Hội.

          Thực ra không ai trong chúng ta hoàn toàn sống theo hình ảnh được phác họa trong bài đọc thứ nhất hôm nay.  Nhưng cũng thực sự là mỗi khi chúng ta họp nhau cử hành phụng vụ, mỗi khi nắm tay nhau mà đến với người nghèo, hoặc mỗi khi chúng ta hành động để phá bỏ những bức tường chia rẽ giữa chúng ta, thì Giáo Hội thực sự chiếu sáng.

          Phải, chính công việc của Chúa Thánh Thần là làm cho Giáo Hội nên thánh thiện.  Nhưng đó cũng là công việc của chúng ta nữa.  Như linh mục Bertrand Weaver viết trong cuốn Joy:  “Công việc của Nhiệm thể trên thế giới tùy thuộc vào lòng nhiệt thành của các phần tử.  Đóng góp của chúng ta vào sự thánh thiện của toàn thể Giáo Hội sẽ tùy thuộc vào mức độ rộng lớn chúng ta để cho Thánh Thần hành động qua cuộc sống chúng ta”.

 

          “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến giúp chúng con tuân theo sự thúc đẩy của Chúa, để chúng con có thể cùng nhau suy nghĩ về đức khôn ngoan của Chúa đối với thế giới”.