Thứ Tư tuần 7 Thường niên

Suy niệm Huấn ca 4:11-19

 

Khôn ngoan làm cho con cái mình nên cao trọng.  (Huấn ca 4:11)

 

          Trong một bức hí họa, vất vả lắm một thanh niên mới leo lên được tới đỉnh núi.  Trên đó một vị đạo sĩ râu dài đang ngồi vắt chéo chân, đợi trả lời những câu hỏi của anh ta.

          Chẳng phải là thú vị vì ngay một bức hí họa cũng diễn tả được niềm mong ước tự nhiên của chúng ta là đi tìm sự khôn ngoan hay sao?  Bài đọc trích sách Huấn ca hôm nay trình bày việc tìm kiếm ấy bằng cách mô tả đức khôn ngoan như một nhân vật.  Kẻ tìm kiếm phải đi theo Bà Khôn Ngoan như con cái theo mẹ.  Trước hết kẻ ấy phải thực sự mong muốn đón nhận từ nơi Bà sự chỉ dẫn và kỷ luật, trước khi có thể tìm được hạnh phúc nhờ học biết những bí quyết của Bà.

          Đối với ông Si-rắc và những tác giả khác trong Kinh Thánh, hình ảnh đức khôn ngoan như là một nhân vật không phải chỉ đơn thuần là một hình ảnh văn chương.  Họ đều biết rằng đức khôn ngoan thực sự bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Cho nên họ hình dung đức khôn ngoan là một trong những người thân yêu của Thiên Chúa, một đấng gần gũi Thiên Chúa như là hơi thở của Người (Huấn ca 24:3).  Vậy thì ai gần gũi Thiên Chúa hơn Con Một Người là Chúa Giê-su, Đấng không những ban sự khôn ngoan cho các môn đệ Người, mà chính Người là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cô-rin-tô 1:24)?

          Bạn hãy dành một vài phút suy nghĩ về cách bạn nhìn đức khôn ngoan.  Bạn sẽ định nghĩa đức khôn ngoan là gì?  Tại sao bạn phải theo đuổi đức khôn ngoan?  Quan trọng hơn, bạn có tìm kiếm đức khôn ngoan nơi Thiên Chúa không?  Kể cả những liên quan tới tài chánh, phát triển nghề nghiệp hoặc sống bổn phận làm cha mẹ?  Bạn có nghĩ về Chúa Giê-su như đức khôn ngoan nhập thể, áp dụng ngay cho cả những điều thực tiễn trên hay không?  Có chứ, Người thực sự muốn chia sẻ sự khôn ngoan của Người với chúng ta.

          Bạn hãy cố gắng đi từng câu một trong đoạn Kinh Thánh này và hãy tự hỏi mình có thấy được sự khôn ngoan giống như sách Huấn ca mô tả không.  Thí dụ câu 11 dạy rằng “Đức khôn ngoan làm cho con cái mình nên cao trọng”.  Bạn hãy tự hỏi:  Tôi đã tìm kiếm đức khôn ngoan của Chúa khi nào?  Kết quả tôi đã nhận được “sự giúp đỡ” nào?

          Khi mối tương quan giữa bạn với Chúa Cha phát triển, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, bạn sẽ cảm nếm được cuộc sống khôn ngoan là lẽ sống của bạn.  Bạn sẽ quen thuộc với những điều các tác giả Kinh Thánh trình bày về đức khôn ngoan.  Chính Chúa Giê-su là đức khôn ngoan.  Càng biết Người, đời sống bạn càng đậm nét những đường lối và suy nghĩ của Người.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn những gì con mắt thế gian cho là điên rồ, nhưng lại là khôn ngoan trước mặt Chúa.  Nhờ ân sủng Chúa, xin cho con được lớn lên trong đức khôn ngoan của Chúa.  Lạy Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, xin hãy đến và soi sáng cuộc đời con”.