Thứ Ba tuần 8 Thường niên

Suy niệm Huấn ca 35:1-12

 

Hy lễ của người công chính được chấp nhận.  (Huấn ca 35:6)

 

          Ngày nay nói đến hy lễ, người ta sẽ nghĩ ngay tới đó chẳng là gì cả.  Nhưng nếu bạn hỏi một người Do-thái thời Cựu Ước, họ sẽ nghĩ tới những con vật được dâng hiến trong Đền Thờ theo như Lề Luật đòi hỏi.  Như thế, “hy lễ” và “như Lề Luật đòi hỏi” là hai điều đi đôi với nhau trong tâm trí chúng ta.

          Nhưng theo tinh thần của Chúa, một hy lễ ám chỉ một tặng phẩm.  Hy lễ là một cái gì được tiến dâng tự do và quảng đại, thậm chí còn là tự phát nữa.  Đó có thể là một hy lễ truyền thống như của bố thí hoặc ăn chay.  Hoặc cũng có thể là những lời ưu ái và ca tụng hoặc một nụ cười dễ thương dành cho người trong tình huống căng thẳng.

          Trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô cám ơn tín hữu tại đó, vì những tặng phẩm họ dâng để giúp đỡ giáo hội Giê-ru-sa-lem đang cơn khốn quẫn.  Ngài viết:  “Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận” (Phi-líp-phê 4:18).  Anh chị em tín hữu Phi-líp-phê đã không phải đến tận nơi để giúp đỡ những người họ chưa bao giờ gặp.  Thánh Phao-lô chũng chẳng bao giờ đòi họ làm điều ấy.  Những vị lãnh đạo giáo hội Giê-ru-sa-lem không lên tiếng tự hào và nói họ đáng được các giáo hội khác giúp đỡ vì họ là “giáo hội mẹ”.  Nhưng tín hữu Phi-líp-phê cảm động vì những nhu cầu của anh chị em nên họ đã cho những gì họ có thể.

          Đó là những gì làm cho hy lễ của chúng ta “rất đẹp lòng” Chúa (Huấn ca 35:6).  Không cần biết hy lễ lớn hay nhỏ, là tiền bạc, thì giờ hoặc điều gì khác, vấn đề đích thực là chúng ta có cho đi bằng tấm lòng hay không.  Mỗi khi chúng ta hy sinh trong tinh thần yêu thương và quảng đại là chúng ta mở cánh cửa cho Chúa Thánh Thần đổ đầy ân sủng và sức mạnh Thiên Chúa trên hy sinh của chúng ta.  Cũng như hy lễ bánh và rượu được biến đổi trên bàn thờ trong Thánh lễ, hy lễ tình yêu của chúng ta cũng có thể trở nên những quà tặng ân sủng cho những người chung quanh chúng ta.

          Như thế chẳng tuyệt vời hay sao?  Những quà tặng của chúng ta dâng lên Chúa hoặc gửi cho những người chung quanh đều có thể trở thành phương tiện gặp gỡ, chữa lành và biến đổi.  Tất cả chỉ vì chúng ta cho đi với tấm lòng yêu thương và biết ơn.  Vậy bạn đừng bỏ lỡ những cơ hội quảng đại khi người ta đến với bạn.  Bạn chẳng bao giờ biết được điều tốt lành nào có thể đến từ nơi họ đâu!

 

          “Lạy Chúa, Chúa thật tốt lành và quảng đại!  Hôm nay xin Chúa khuấy động trái tim con để con có thể dâng những hy lễ ngợi khen và tình yêu lên Chúa và cho những người thân yêu của con”.