Thứ Ba tuần II Phục Sinh

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 4:32-37

Lễ thánh Catarina Siena, đồng trinh và tiến sĩ Hội Thánh

 

Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn.  (Công Vụ Tông Đồ 4:34)

 

         Chẳng phải là cảm động khi thấy các Ki-tô tiên khởi đã biết chăm sóc lo lắng cho nhau hay sao?  Cảm động do lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em, những phần tử giàu có hơn trong cộng đoàn, những người như ông Ba-na-ba, đã tự ý chia sẻ của cải họ có với những kẻ kém may mắn hơn.  Họ coi sự sung túc của mình như là một ơn lành Chúa ban, một điều họ cần phải chia sẻ với nhau hơn là khư khư giữ lấy cho riêng mình (Công Vụ Tông Đồ 4:34-37).

         Chân phước Frederic Ozaman là một thí dụ đương thời nói lên con người biết nhìn xa hơn tới những thiếu thốn của những người chung quanh, giống như các Ki-tô hữu tiên khởi đã làm.  Khi hằng ngàn người tử vong vì bệnh dịch tả tại Paris năm 1832, rất nhiều người đã bị bỏ rơi trong tuyệt vọng.  Ozaman, một sinh viên trẻ đại học, đã cảm động trước tình trạng vô vọng của các gia đình mất đi sự nâng đỡ của những người lo cơm áo cho họ.  Rồi anh đã bị khích động do nhận xét của một sinh viên khác:  “Thời xưa Ki-tô giáo đã thực hiện những phép lạ, nhưng giờ đây họ làm được gì cho nhân loại?  Còn anh, kẻ tự hào về gốc gác Công giáo của mình, anh sẽ làm gì cho những người nghèo?”

         Đáp lại, Ozaman đã tụ tập một số bạn bè và bắt đầu làm bất cứ việc gì có thể xoa dịu được khổ đau anh đã nhìn thấy nơi những kẻ khốn cùng của thành phố.  Dần dần một tổ chức mới, hội Bác ái Vinh-sơn đệ Phao-lô, đã phát triển từ công việc của Ozaman và lớn mạnh.  Cùng với hội, các người thiện nguyện đang phục vụ hằng triệu người đau khổ thiếu thốn khắp thế giới.  Họ đến thăm các gia đình, huấn nghệ, giúp làm nhà cửa, quyên góp thực phẩm, thuốc men cho người già.  Họ cùng cầu nguyện với người khác, chăm sóc cho nhu cầu của người ta và biểu lộ tình yêu của Chúa Ki-tô qua những phương thức cụ thể.

         Hầu hết chúng ta không sống trong một cộng đồng liên kết chặt chẽ giống như các Ki-tô hữu tiên khởi, ở đó mọi sự được lấy làm của chung.  Cũng không có nhiều người trong chúng ta có thể bán đi tài sản giống như ông Ba-na-ba, đem tặng cho giáo xứ địa phương, mà vẫn có khả năng chăm sóc cho mình và những người thân.  Nhưng Chúa vẫn kêu gọi chúng ta hãy làm chứng cho Chúa Giê-su bằng những hành vi quảng đại và việc phục vụ trong yêu thương tùy theo hoàn cảnh của chúng ta.  Vậy bạn hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mở mắt cho bạn nhận ra những cùng khổ chung quanh.  Thậm chí chia sẻ chỉ một chút của cải, hoặc ngay cả một chút thì giờ và quan tâm của bạn, cũng có thể tạo ra một sự khác biệt lớn lao!

 

         “Lạy Chúa, xin cho con thấy con có thể chia sẻ những ơn lành Chúa đã ban cho con”.