Chúa Nhật tuần 3 Thường niên

Suy niệm 1 Cô-rin-tô 1:10-13, 17

 

Tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau.  (1 Cô-rin-tô 1:10)

 

          Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã cầu xin cho dân Người được hiệp nhất (Gio-an 17:21).  Người cũng cầu xin để tình thương yêu lẫn nhau như dấu hiệu nói lên ai là môn đệ Người (13:34-35).  Rồi trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phao-lô khấn xin cho sự hiệp nhất trong giáo hội Cô-rin-tô.

          Đâu là điều thúc đẩy người ta mạnh nhất để giúp họ tin vào Chúa Giê-su?  Là sự hiệp nhất của chúng ta.  Là tình yêu thương nhau của chúng ta.

          Chúng ta không sống tại Cô-rin-tô hai ngàn năm trước đây.  Chúng ta cũng không ở Nam Phi châu một trăm năm trước đây khi Mahatma Gandhi tuyên bố:  “Tôi mến Đức Ki-tô của các ông;  còn chính các ông là Ki-tô hữu thì tôi không thích chút nào cả.  Các ông là Ki-tô hữu nhưng sao chẳng giống như Đức Ki-tô của các ông”.  Vậy mà tình trạng họ đã thấy trước kia bây giờ vẫn thế.  Có quá nhiều chia rẽ trong Giáo Hội và trong gia đình chúng ta.

          Bạn thử tưởng tượng Giáo Hội sẽ chiếu sáng như thế nào nếu mỗi gia đình dấn thân cho sự hiệp nhất.  Thử tưởng tượng Giáo Hội sẽ lôi cuốn biết bao nếu chúng ta biết dẹp bỏ đi lối sống vị lề luật và lấy việc yêu thương nhau như anh chị em làm điều ưu tiên trong cuộc sống.  Thử tưởng tượng xem Giáo Hội sẽ thu hút như thế nào nếu chúng ta xếp lại những phán đoán và coi nhau như những người con cái Chúa đang hết sức cố gắng sống giới luật mến Chúa yêu người.

          Sự hiệp nhất không có nghĩa là phải tán đồng trong mọi vấn đề.  Nhưng hiệp nhất là tôn trọng mọi người, kể cả những người chúng ta không tán đồng.  Đó là như sách Giáo lý dạy, vì phẩm giá của mỗi con người không tùy thuộc vào lý do chúng ta yêu thích lẫn nhau, nhưng tùy thuộc vào sự kiện hết thảy chúng ta đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (GLCG, 1700-1701).

          Quả thực, ý tưởng hiệp nhất trong các giáo xứ xem ra gần như không thể.  Nhưng đó không phải là điều khó khăn đối với Chúa;  đối với Người không có gì là không thể thực hiện.  Vậy hôm nay chúng ta hãy nhận lấy lời của thánh Phao-lô làm những lời riêng cho mình.  Chúng ta hãy lấy việc sống trong sự hiệp nhất làm mục đích cho mình, đặc biệt là hiệp nhất trong gia đình chúng ta.

 

          “Lạy Chúa, xin Chúa đến và chữa lành mọi sự chia rẽ.  Xin Chúa cho các giáo xứ và các gia đình trở nên những ngọn hải đăng chiếu tỏa tình yêu Chúa”.