Thứ Bảy tuần 9 Thường niên

Suy niệm Tô-bi-a 12:1, 5-15, 20

 

Thiên Chúa cũng sai tôi chữa lành cho ông.  (Tô-bi-a 12:14)

 

          Có một chân lý xuyên suốt sách Tô-bi-a:  Thiên Chúa yêu thích việc chữa lành.  Khởi đầu cuốn sách, ông Tô-bít kêu van Chúa chữa lành sự mù lòa của ông.  Cuối sách, thiên thần Ra-pha-en, đấng giả dạng làm người thanh niên đồng hành với Tô-bi-a, cho biết rõ mình là ai và sứ mệnh của ngài là gì:  “Thiên Chúa cũng sai tôi chữa lành cho ông” (Tô-bi-a 12:14).

          Sách Tô-bi-a không phải là sách duy nhất nói về quyền năng chữa lành của Thiên Chúa.  Các sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ cũng đầy những câu chuyện chữa lành.  Chúng ta chỉ cần nhớ lại nào là Chúa Giê-su đã làm cho em bé gái sống lại khi cha em nài xin Chúa (Mát-thêu 9:24-25), nào là Người “chạnh lòng thương” trước đám đông dân chúng đi theo Người để nghe giảng dạy, rồi Người “đã chữa lành những kẻ bệnh tật yếu đau” (14:14).  Thế rồi khi Giáo Hội sơ khai có mặt, các tông đồ được tràn đầy Thánh Thần và được ban quyền năng chữa lành.

          Đó là trở lại quá khứ trong thời Kinh Thánh.  Nhưng sau đó thì sao?  Phải, các giáo phụ “đã coi là việc bình thường khi các tín hữu không chỉ cầu xin Chúa ban cho sức khỏe phần hồn, mà cả sức khỏe phần xác nữa” (Thánh bộ Đức tin, Hướng dẫn về những Lời nguyện xin ơn chữa lành, 4).  Quả thực, các vị thánh trong mọi thời đã là dụng cụ quyền năng chữa lành của Thiên Chúa.  Và ngày nay, chúng ta cũng đang thấy sống dậy hồng ân chữa lành, không chỉ giữa các linh mục và những vị lãnh đạo, mà ngay nơi những giáo dân bình thường nữa.

          Ngoài ra, chúng ta có thể nghĩ tới bao lần Thiên Chúa đã không chữa lành những người chúng ta cầu nguyện cho họ, và chúng ta không biết tại sao.  Dù biết hay không biết, chúng ta vẫn không hiểu được tại sao Chúa chữa lành người này mà không chữa lành người kia.  Nhưng điều chúng ta biết chắc chắn, đó là Chúa chữa lành!

          Vậy chúng ta phải làm gì khi cảm thấy thất vọng?  Mặc cho thất vọng ấy thế nào, chúng ta cứ tiếp tục xin Chúa cho chúng ta được an lành.  Chúng ta cứ tiếp tục cầu nguyện cho những người thân yêu.  Có lẽ chúng ta không thấy một thiên thần hiện ra làm sứ giả chữa lành của Chúa như trong trường hợp ông Tô-bi-a.  Có thể lời cầu xin của chúng ta cũng chẳng được chấp nhận ngay hoặc như ý chúng ta muốn.  Nhưng chúng ta vẫn có thể tín thác nơi Chúa, chấp nhận mầu nhiệm công việc Người làm trong cuộc đời chúng ta và biết rằng Người yêu thương chúng ta.

          Cuối cùng, đó chính là việc chữa lành vĩ đại nhất.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin chữa lành con!  Con tín thác nơi Chúa”.