Thứ Ba tuần 33 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 19:1-10

 

Ông Da-kêu… tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai.  (Lu-ca 19:2, 3)

 

          Có nhiều cuộc tìm kiếm xảy ra trong câu chuyện này.  Thứ nhất, ông Da-kêu leo lên cây sung vì ông “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai” (Lu-ca 19:3).  Rồi đến Chúa Giê-su nhìn lên ông Da-kêu và mời ông đưa Người về nhà ông.  Tiếp đến, khi nghe ông Da-kêu tuyên bố ý định thay đổi đời sống, Chúa Giê-su tuyên bố Người “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lu-ca 19:3, 10). 

          Cả Chúa Giê-su lẫn ông Da-kêu đều đi tìm nhau, nhưng với ý định khác nhau.  Ông Da-kêu không muốn tiếp xúc với Chúa Giê-su.  Ông chỉ muốn nhìn thấy Chúa, nhưng người ông lại quá thấp.  Trong sách Tin Mừng Lu-ca, có biết bao người kêu xin Chúa Giê-su hoặc làm gián đoạn bữa tiệc đãi Người, hoặc đến gần Người và nắm lấy áo choàng của Người (Lu-ca 17:11-19; 7:36-38; 8:43-44).  Nhưng ông Da-kêu chẳng làm được cách nào trong những cách kể trên.  Cho nên ông mới chọn một nơi để ẩn mặt và có thể nhìn rõ Chúa mà vẫn an toàn.  Chúng ta không biết có phải chỉ vì ông hiếu kỳ, hay ông thấy mình quá tội lỗi nên không thể gặp Chúa Giê-su, hoặc ông chỉ là kẻ thích được nhìn thấy những người nổi tiếng.

          Tuy nhiên, nơi ông Da-kêu “tìm cách để xem cho biết” thì chính Chúa Giê-su lại đến đó “để tìm và cứu những gì đã mất” (Luu-ca 19:3, 10).  Ông Da-kêu muốn giữ một khoảng cách an toàn, thì Chúa Giê-su lại muốn ở gần ông.  Ông Da-kêu muốn biến đi giữa đám đông, thì Chúa Giê-su lại muốn đem ông riêng ra và dành thì giờ ở với ông.

          Rồi bạn hãy xem những gì đã xảy ra!  Chỉ cần đứng trước sự hiện diện của Chúa Giê-su là ông Da-kêu đã bị thúc đẩy từ muốn xem thấy Chúa đến muốn theo Chúa.  Ông đã thay đổi đến mức độ “mừng rỡ đón rước Người” (Lu-ca 19:6).

          Ông Da-kêu cho chúng ta thấy những gì xảy ra khi chúng ta mở cửa tâm hồn chỉ một chút thôi để đón tiếp Chúa Giê-su.  Người mời gọi chúng ta xin Người hãy bước vào và làm cho tâm hồn chúng ta ấm áp.  Người xoa dịu những sợ hãi của chúng ta.  Người thúc giục chúng ta xưng thú tội lỗi và cảm nhận sự tự do của tình yêu Người.  Người không gọi chúng ta là “kẻ tội lỗi”, nhưng là “con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Lu-ca19:7, 9).

          Chúa Giê-su có quyền năng biến đổi đời sống chúng ta.  Người muốn thay đổi đời sống chúng ta.  Người hăng say muốn thay đổi đời sống chúng ta.  Thậm chí chúng ta chỉ thoáng nhìn thấy Người thôi cũng đủ để Người đến và chạm tới tâm hồn chúng ta.  Vậy đó chẳng phải là một sứ điệp đầy an ủi sao?

 

          “Lạy Chúa, này con đây!”