Thứ Hai tuần IV Phục Sinh

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 11:1-18

 

Bấy giờ ông Phê-rô bắt đầu trình bày cho họ đầu đuôi sự việc.  (Công Vụ Tông Đồ 11:4)

 

          Đây là một bài đọc hay dành cho Thánh lễ!  Thay vì đọc chính câu chuyện về cuộc trở lại của ông Cô-nê-li-ô, người Dân ngoại đầu tiên (một câu chuyện hết sức sống động trong Công Vụ Tông Đồ chương 10), Giáo Hội lại muốn chúng ta suy niệm về việc ông Phê-rô thuật lại câu chuyện ấy cho các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem.  Tại sao chúng ta chỉ suy niệm câu chuyện được kể lại về một trong những biến cố tính cách lịch sử nhất trong đời sống Giáo Hội?

          Có lẽ câu trả lời là vì bài đọc này cho chúng ta hai bài học sống động.  Bài học thứ nhất là chính biến cố:  mọi người đều được hoan nghênh gia nhập NướcThiên Chúa.  Nếu ngay cả những người Dân ngoại là những kẻ người Do-thái coi là tội lỗi và ô uế cũng có thể nhận lãnh Thánh Thần, thì không có ai sẽ bị loại trừ cả.  Sứ điệp này phải đem lại cho tất cả chúng ta niềm hy vọng lớn lao:  Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta đầy đủ và trọn vẹn;  Người muốn hết thảy chúng ta được ở với Người trên trời.

          Nhưng bài học thứ hai cũng quan trọng như vậy.  Bạn hãy nhớ rằng các Ki-tô hữu tiên khởi đều là người Do-thái, nhiều người trong số họ còn là những người Do-thái sùng đạo.  Tin tức cho biết không những ông Phê-rô đã vào nhà một người Dân ngoại, mà ông còn rửa tội cho người ấy, điều đó quả là gây gương xấu.  Chẳng lạ gì khi thấy những người tín hữu này đã bực mình!

          Đó là một thời điểm căng thẳng, rất có khả năng phát sinh những cãi vã gay gắt, tố cáo lẫn nhau và chia rẽ trầm trọng.  Nhưng ông Phê-rô đã trả lời ra sao?  Xin thưa, trả lời với giải thích rõ ràng đầu đuôi sự việc.  Ông biết việc mình làm sẽ gây xáo trộn, nhưng ông cũng biết rõ Thiên Chúa đứng đằng sau công việc ấy.  Cho nên ông vẫn bình tĩnh và dẫn người ta qua tình hình biến cố một cách khách quan và kiên nhẫn.  Về phần ông, không có gì là bào chữa, sợ sệt hoặc cảm thấy có tội cả.  Ông cũng chẳng lấy quyền hành đẳng cấp của mình mà lấn át:  “Tôi đứng đầu các Tông Đồ, nhưng điều gì xảy ra thì tôi nói!”  Ông chỉ để cho chính câu chuyện nói lên thôi.

          Việc trả lời dung hòa của thánh Phê-rô cho chúng ta thấy ngài đã tín thác vào công việc của Chúa Thánh Thần như thế nào.  Ngài biết Thiên Chúa chẳng cần ai phải bênh vực Người.  Ngài biết ngài không nên cư cử với anh chị em tín hữu như kẻ thù.  Điều duy nhất ngài làm, đó là làm chứng cho những gì ngài đã thấy và đã nghe;  Chúa sẽ lo liệu mọi sự còn lại.  Đó chẳng phải là đường lối chúng ta phải theo để đối phó với mọi hoàn cảnh căng thẳng và mâu thuẫn hay sao?

 

          “Lạy Chúa, xin hãy làm cho con thành khí cụ bình an và hiệp nhất của Chúa!”