Thứ Sáu tuần 23 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 6:39-42

 

Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!  (Lu-ca 6:42)

 

          Người ta thích xét đoán và khuyên bảo người khác, ngay cả khi họ chẳng có gì để mà khuyên.  Thật là vui khi thấy trẻ con cãi nhau về những đề tài mà chúng chẳng biết gì, nhưng khi chúng lớn lên thì việc ấy lại hơi đáng lo sợ.  Tùy theo đề tài có tầm quan trọng như thế nào, việc tranh luận có thể trở thành rất nguy hiểm, giống như “kẻ mù giắt người mù” vậy.

          Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, như Chúa Giê-su cho thấy, chúng ta rất hay có khuynh hướng đưa ra cho người khác lời khuyên không cần thiết, không chín chắn, trong lãnh vực thiêng liêng hoặc luân lý.  Đối với chúng ta, dường như rõ ràng điều cần xảy ra trong cuộc sống người khác thì khó mà ngăn cản được.  Nhưng khi điều ấy xảy ra cho cuộc sống chính mình, thì chúng ta cẩn thận hơn bởi chúng ta nhìn thấy rõ vấn đề hơn và chúng ta biết không dễ dàng và mau chóng sửa chữa được.

          Nhưng chỉ có Chúa mới thấy tất cả sự thực, rồi vì Người nhìn thấu suốt tâm hồn chúng ta nên Người mới đối xử với chúng ta với lòng kiên nhẫn, dịu dàng và từ bi.  Thật là một chân lý đầy an ủi!  Bạn có thể nghỉ ngơi bình an, yên ổn trong khi tin rằng Cha trên trời của bạn đặt bạn trong lòng bàn tay của Người.  Và đây đích thực là một thử thách:  Thiên Chúa nhìn thấy “toàn bộ bức tranh to lớn” của mọi người và Người đặt từng người chúng ta trong lòng bàn tay của Người.  Như thế, điều ấy có nghĩa là chúng ta cứ để cho Chúa chăm sóc mọi người.  Nếu Chúa kiên nhẫn và từ bi đối với mọi người như Chúa cũng làm như thế đối với chúng ta, thì chúng ta không cần phải lo lắng muốn thay đổi họ nữa!

          Dĩ nhiên chúng ta phải yêu thương những người chung quanh và quan tâm đến đời sống của họ.  Nhưng có lẽ chúng ta phải cố gắng thực hiện việc này bằng cách bắt chước Cha chúng ta mà đối xử với họ với lòng thương xót, với cách thức yêu thương của Người, một cách thức hiểu và cảm thông chứ không phải lên án và lên mặt dạy dỗ.

          Bạn hãy nghĩ tới một người bạn mà bạn cứ muốn kết án hoặc sửa đổi họ.  Giờ đây bạn hãy cố gắng xét lại một cuộc chuyện trò với họ một hai ngày vừa qua, mà bạn thấy mình bị cám dỗ muốn kết án họ.  Bạn có thể đối xử với họ bằng sự dịu dàng và yêu thương như thế nào, thay vì kết án và sửa đổi?  Sau cùng, bạn hãy để ý trong cuộc chuyện trò sắp tới, rồi hãy nói bằng yêu thương hơn là muốn sửa sai họ.

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con phản ánh sự dịu dàng và yêu thương của Chúa đối với những người chung quanh con”.