Thứ Bảy tuần 11 Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 6:24-34

 

Đừng lo lắng cho mạng sống.  (Mát-thêu 6:25)

 

          Làm sao chúng ta đừng lo lắng cho mạng sống?  Lo lắng thuộc về bản chất con người rồi.  Chúng ta lo lắng cho tương lai, về tài chánh, về các mối tương quan, về sức khỏe.  Lo lắng là điều tất cả chúng ta đều phải làm, cho dù chúng ta cảm thấy lo lắng là điều không tốt cho chúng ta.

          Các chuyên gia chia lo lắng thành hai loại:  quan tâm, tức là những gì chúng ta kiểm soát được;  còn lo âu, tức là những gì ở ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.  Một mối quan tâm có thể như “Tại sao cái xe của tôi lại có tiếng động bật cười như thế này?”  Thứ lo lắng như vậy không nhất thiết là xấu.  Nó có thể giúp chúng ta nhận ra khó khăn và tìm cách để giải quyết khó khăn ấy.  Còn khi chúng ta quá lo âu về những điều ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta, thí dụ như “Lỡ rớt máy bay thì sao?” thì khi ấy chúng ta có vấn đề rồi!  Những lo âu này làm chúng ta tê liệt.

          Đó là những gì Chúa Giê-su muốn chúng ta phải lưu ý.  Người biết không thể nào ngăn chúng ta đừng lo âu gì cả.  Nhưng Người muốn dạy chúng ta đừng để cho lo âu làm chúng ta bị tê liệt.

          Làm thế nào chúng ta đừng để lo âu khiến chúng ta bị tê liệt?  Một số chuyên gia đề nghị chúng ta hãy giữ một bản “danh sách các lo âu” và mỗi ngày để ra ba mươi phút cho bản danh sách ấy.  Mỗi lần một âu lo bắt đầu thống trị tư tưởng bạn, thì bạn hãy dừng lại và viết nó xuống.  Rồi bạn hãy để bản danh sách sang một bên cho đến khi lo âu đó hết.  Đó là lúc bạn hãy chú ý đến lo âu ấy.  Nếu đó là điều bạn có thể sửa chữa được, thí dụ như sửa xe chẳng hạn, thì bạn hãy đặt kế hoạch sửa chữa.  Hãy lo gọi một thợ máy sửa xe để lấy hẹn xem xe của bạn có tiếng động gì.  Nhưng nếu lo âu là điều bạn không thể kiểm soát được, thí dụ chuyến bay sắp tới của bạn, thì bạn hãy nhận rõ lo âu ấy là ngoài tầm tay của bạn, cố gắng phó thác cho Chúa.

          Lo lắng thực sự là một đề tài lớn của chúng ta.  Nhưng nếu bạn cố gắng bắt đầu đặt kế hoạch đối phó với lo lắng là bạn đang đi đúng đường rồi.  Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn làm những gì có thể.  Rồi nếu có một lo lắng nào bạn không sao bỏ đi được, hãy làm điều thánh Phao-lô dạy trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê 4:6-7:  Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su”.

          Làm như vậy, bạn sẽ thấy những lo lắng của bạn trở nên ít đi và không thường xuyên nữa.

 

          “Lạy Cha trên trời, con xin dâng Cha mọi lo lắng của con”.