Thứ Tư tuần 23 Thường niên

Suy niệm 1 Cô-rin-tô 7:25-31

 

Thời gian chẳng còn bao lâu.  (1 Cô-rin-tô 7:29)

 

          Vì tin rằng cuộc Tái Lâm của Chúa Giê-su đã đến gần, thánh Phao-lô sống trong một ý thức khẩn trương.  Người xác tín rằng “thời gian chẳng còn bao lâu nữa” (1 Cô-rin-tô 7:29).  Nhưng thái độ khẩn trương của thánh Phao-lô không chỉ chú trọng đến thời điểm không ai biết được, đó là Ngày Phán xét, mà còn hướng dẫn chúng ta biết phương thức sử dụng thì giờ mỗi ngày nữa.

          Cũng như ngày nay, hầu hết dân chúng thời thánh Phao-lô đều là những người kết hôn.  Thánh Phao-lô biết rằng các cặp vợ chồng đều dành phần lớn thì giờ để lo cho gia đình họ.  Ngài hoàn toàn ý thức điều này khi ngài xin người ta hãy ở độc thân để có nhiều thì giờ hơn mà sống cho Chúa (1 Cô-rin-tô 7:27).  Ngài cũng ý thức những đòi hỏi của hôn nhân khi ngài nói:  “Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có” (7:29).

          Thật hữu ích khi biết rằng thánh Phao-lô không chống đối hôn nhân.  Ngài quan tâm đến việc mọi người phải được lên thiên đàng;  đó là nơi ngài chú ý đến.  Cho nên ngài đã khích lệ mọi người dù kết hôn hay độc thân hãy luôn sẵn sàng gặp Chúa Giê-su.  Như Chúa Giê-su đã dạy, Người muốn chắc chắn là không ai vì lo lắng sự đời mà để thần chết như chiếc lưới “bất thần” chụp xuống trên đầu (Lu-ca 21:34).

          Chúng ta biết thánh Phao-lô hoàn toàn sai về việc tiên đoán này.  Thế giới đã không kết thúc đang khi ngài còn sống.  Nhưng đồng thời thánh Phao-lo cũng tuyệt đối đúng.  Tất cả chúng ta đều phải cố gắng sống cho thận trọng.  Chúng ta đều phải tự hỏi:  Giả như Chúa Giê-su đến hôm nay, tôi đã sẵn sàng để gặp Người chưa?

          Truyền thuyết kể rằng khi người ta hỏi thánh Phanxicô Átxixi câu hỏi trên, ngài trả lời rằng ngài sẽ cứ tiếp tục làm việc trong vườn.  Phanxicô thấy mình đã sẵn sàng đón Chúa Giê-su;  chẳng cần phải hoảng sợ.

          Bạn sẽ làm gì nếu biết Chúa đến với bạn hôm nay?  Bạn có tiếp tục với những chương trình hiện tại không?  Hay bạn vội vàng đi xưng tội, hoặc cố gắng làm hòa với một người, hoặc cố gắng chạy đi cầu nguyện vào giờ thứ mười một?

          Trong một bức thư khác, thánh Phao-lô đã gọi cuộc Tái Lâm của Chúa là một “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Ti-tô 2:13). Tất cả chúng ta hãy có cùng một cái nhìn như vậy.  Chúng ta hãy bắt chước thánh Phao-lô ý thức sự phấn khởi cấp thiết khi chờ đợi trong niềm hy vọng vui mừng ngày Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu độ chúng ta sẽ tới!

 

          “A-men!  Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến!”