Thứ Tư tuần 30 Thường niên

Suy niệm Ê-phê-xô 6:1-9

 

Đừng dọa nạt nữa:  anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.  (Ê-phê-xô 6:1-9)

 

          Thư gửi tín hữu Ê-phê-xô được viết trong một giai đoạn cứ ba người trong đế quốc Rô-ma thì ít nhất có một người là nô lệ.  Nô lệ là một chế độ đã được chấp nhận vì nó hỗ trợ cho những cơ cấu xã hội và kinh tế của nền văn hóa.  Đáng buồn là những người nô lệ lại bị coi như dụng cụ của chủ nhân họ và có rất ít quyền nhân bản.  Vì các chủ nhân thi hành quyền làm chủ tuyệt đối trên những con người họ sở hữu, nên một số chủ nhân đã đối xử với nô lệ vô cùng tàn ác dã man.

          Khi làm việc với giáo hội Ê-phê-xô, thánh Phao-lô không khi nào cổ võ chế độ nô lệ, cũng không lên tiếng đả phá chế độ ấy.  Ngài đã có một mục tiêu khác:  soi sáng cho mọi người hiểu rõ phẩm giá căn bản của con người.  Vì cả nô lệ lẫn chủ nhân đều “có một Chúa trên trời”, nên cả hai bình đẳng trước mặt Người (Ê-phê-xô 6:9).  Vậy thánh Phao-lô đã dạy các nô lệ hãy coi mình là con cái và những người thừa kế của Thiên Chúa, vì thế họ hãy làm việc như là làm cho Chúa.  Vì điều ấy được công bố cho cả chủ nhân lẫn nô lệ, nên cái nhìn mới này đã cho thấy cách thức họ cần suy nghĩ lại về chế độ nô lệ, thậm chí nó còn giúp cho những người nô lệ bị áp bức ý thức ngay được phẩm giá và mục đích cuộc đời họ nữa.

          Một khẳng định rất cách mạng của thánh Phao-lô là trong gia đình Ki-tô hữu, người nô lệ có những quyền lợi và chủ nhân cũng có những trách nhiệm trước mặt Chúa là họ phải đối xử công bằng và nhân ái với các nô lệ của họ.  Trong bức thư gửi ông Phi-lê-môn, với tình yêu thương, thánh Phao-lô còn xin chủ nhân là một Ki-tô hữu hãy coi một người nô lệ của ông trước đây đã bỏ trốn “không phải như một người nô lệ nữa, mà là một người anh em” (Phi-lê-môn 16).

          Mặc dù sự bành trướng của Ki-tô giáo trong những thế kỷ đầu không đưa ngay đến việc bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng nó đã chuẩn bị sức mạnh dần dần tiến tới việc trả tự do cho những người nô lệ rộng rãi hơn.  Khi suy niệm Tin Mừng, Ki-tô hữu hiểu được chế độ nô lệ là một bất công trầm trọng.  Ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới, chế độ nô lệ vẫn còn tiếp tục làm đau lòng Thiên Chúa.  Tất cả chúng ta hãy làm tất cả để chống lại sự bất công này.  Chúng ta cũng hãy cầu nguyện xin cho có thêm nhiều người mang lấy não trạng của Chúa Ki-tô, để thay đổi thế giới bằng cách thay đổi tâm hồn.

 

          “Lạy Chúa, xin cứu vớt mọi người đang bị làm nô lệ.  Xin Chúa sai những sứ giả Tin Mừng đến thay đổi tâm hồn mọi người can dự vào chế độ nô lệ”.