Thứ Ba trong tuần Bát nhật Phục Sinh

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 2:36-41

 

Vậy chúng tôi phải làm gì?  (Công Vụ Tông Đồ 2:36-41)

 

          Điều gì xảy ra cho bạn khi nghe một bài giảng điển hình trong Thánh lễ? 

          Một đàng, bạn có thể cảm thấy tâm hồn bừng cháy.  Trong lúc hứng khởi, bạn làm một nghĩa cử lớn lao, thí dụ ghi tên vào một chương trình mới tại giáo xứ, hoặc hứa bạn sẽ cầu nguyện một giờ mỗi ngày.  Nhưng bạn không thể chu toàn được cam kết.  Lòng nhiệt thành của bạn phai nhạt dần.

          Đàng khác, có thể bạn vừa bước đi vừa suy nghĩ:  “Đó là một bài giảng hay” hoặc “Đó là một điểm thích thú”, nhưng rồi bạn quên ngay trước khi chấm dứt ngày hôm ấy.  Cái lối phản ứng này có thể chắc chắn làm nguội đi mọi hứng khởi bạn đã cảm nghiệm trước.

          Làm sao bạn vượt qua được những phản ứng “quá nóng” hoặc “quá lạnh” này để đáp lại theo một đường lối “đúng đắn”?  Bạn hãy bắt đầu từ bước nhỏ thôi.  Hãy chú ý đến một điểm thôi.  Bạn không cần phải tiêu hóa mọi bài đọc trong Thánh lễ cùng với bài giảng.  Cứ chọn lấy một câu, hoặc thậm chí một lời, vang vọng trong tâm trí bạn và cứ giữ chặt lấy nó.

          Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy nguyên tắc này được thể hiện.  Có rất nhiều điều diễn ra buổi sáng hôm ấy.  Không những hôm ấy là lễ Ngũ tuần của người Do-thái, nhưng Chúa Thánh Thần cũng làm nhiều điềm kỳ dấu lạ nhờ các tông đồ nữa.  Rồi tiếp đến là lời Phê-rô công bố Tin Mừng thật cảm động.  Đó là một sứ điệp làm phấn khởi, chắc chắn như vậy, nhưng cũng là sứ điệp có rất nhiều điều khiến ta phải suy nghĩ.

          Sau hết khi dân chúng đã có cơ hội lắng đọng rồi thì họ hỏi  “Chúng tôi phải làm gì” với tất cả những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe (Công Vụ Tông Đồ 2:37)?  Ông Phê-rô trả lời bằng cách cho họ thấy bước đầu tiên phải làm là:  “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa” (2:38).  Đó là tất cả những gì họ cần phải làm.  Họ không cần phải hiểu mọi quan điểm thần học ngài nêu lên.  Họ không cần phải dò xét từng dòng lý luận của ngài.  Họ không cần phải phân tích luồng gió mạnh và những lưỡi lửa.  Họ chỉ cần nhận lời Thiên Chúa mời gọi.

          Cùng một Thánh Thần đã hoạt động hôm đó thì hôm nay đang sống động và hoạt động trong đời sống chúng ta.  Vậy khi lắng nghe Kinh Thánh hoặc nghe bài giảng, bạn cũng hãy chờ đợi Chúa Thánh Thần lay động bạn nữa.  Đừng rời Thánh lễ hoặc lúc cầu nguyện mà không đi tới bước hành động.  Hãy nhớ giữ lấy một điểm thôi để đem vào đời sống bạn và hãy xem Chúa sử dụng điểm ấy để nói với tâm hồn bạn như thế nào.

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con tìm được ‘đúng cách’ để đáp lại Chúa hôm nay”.