Thứ Sáu tuần 2 Thường niên

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 22:3-16

 

Lễ thánh Phao-lô Tông Đồ trở lại

 

Tại sao ngươi bắt bớ Ta?  (Công Vụ Tông Đồ 22:7)

 

          Điều gì đã xảy ra khiến cho Phao-lô hết sức run sợ?  Chúng ta biết đó không phải là sự trừng phạt hay dọa nạt, mặc dù Sao-lô “vẫn còn hằm hằm những đe dọa và giết chóc đối với các môn đệ Chúa” (Công Vụ Tông Đồ 9:1).  Đó cũng không phải là một yêu sách đầy giận dữ muốn Sao-lô phải ngừng phạm tội ngay hoặc phải chấm dứt bạo lực lập tức.  Cũng không phải là một lằn sét cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đập Sao-lô lăn xuống đất.

          Nhưng đó chỉ là một câu hỏi:  “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Công Vụ Tông Đồ 9:4).  Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến với Sao-lô, đặt một tấm gương trước mặt ông, rồi hỏi ông một câu hỏi với lòng đầy buồn rầu, cảm thông và hiểu biết.  Sao-lô, anh là ai?  Anh đang trở thành cái gì đây?  Người không nói trong giận dữ, nhưng trong dịu dàng.  Người để cho Sao-lô nhìn vào chính ông, dưới ánh sáng vinh quang Thiên Chúa của Người.  Tiếp theo đó là lịch sử.

          Đây là tâm điểm của trở lại:  một lúc nào đó, đôi khi là một lúc thật vắn vỏi, nhưng nhiều khi cũng là khoảng thời gian rất dài lâu, Chúa Giê-su đã chiếu tỏa ánh sáng Người trên chúng ta.  Việc trở lại xảy ra khi Chúa Thánh Thần thúc giục chúng ta tra xét những ưu tiên, ước muốn và chính con người của chúng ta.  Việc trở lại xảy ra khi ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rõ hơn, chiếu đi chiếu lại, trong tâm hồn chúng ta, rồi chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Chúa mạnh mẽ hơn trước đây.  Sự hiện diện ấy làm cho chúng ta không được yên, thậm chí nó còn đem chúng ta lên cao nữa.

          Nhưng sự trở lại không phải chỉ về con người chúng ta.  Sự trở lại chính ra là về Chúa Giê-su.  Chúng ta không những nhìn về bản thân mình dưới một ánh sáng mới, nhưng cũng nhìn thấy Chúa, rực rỡ trong vinh quang, sáng láng trong tình yêu và đầy tràn lòng thương xót cứu độ.  Nhìn thấy Người là Đấng nào, chúng ta thoáng nhận ra được chúng ta sẽ trở nên như thế nào.  Rồi cái nhìn ấy, cảm nhận hy vọng ấy về tương lai chúng ta sẽ thúc đẩy chúng ta hãy tự ý xa rời tội lỗi mà ôm chặt lấy Chúa.

          Việc thánh Phao-lô trở lại là một ngã rẽ quan trọng của cuộc đời ngài.  Vào ngày đó, ngài đã quyết định theo Chúa Giê-su và không quay đầu lại.  Đây là lối trở về mà Chúa muốn mọi người chúng ta phải thực hiện, tức là quyết định dứt khoát với lối sống cũ và cam kết theo Chúa Giê-su.  Việc trở lại này có thể không xảy ra cách ngoạn mục như trường hợp của thánh Phao-lô.  Nhưng chúng ta hết thảy đều phải đối diện với câu hỏi là chúng chúng ta có quay về với Chúa Giê-su và gắn bó với Người qua mọi tình huống cuộc đời hay không.  Vậy bạn đang là ai?  Bạn muốn trở thành người như thế nào?

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con quay cuộc sống con về với Chúa hôm nay”.