Thứ Hai tuần 11 Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 5:38-42

 

Mắt đền mắt, răng đền răng.  (Mát-thêu 5:38)

 

          Năm 1972, một nhà khí tượng học tên là Edward Lorenz đã viết một bài về việc dự đoán thời tiết, trong đó ông ta kể câu chuyện này.  Ông ta đang cho chạy một màn hình điện toán mô tả thời tiết, vô tình nhấn một nút để thay đổi khác đi một chút với sự thay đổi đã dự liệu.  Kết quả là một bản thời tiết hoàn toàn khác hẳn.  Từ kết quả này, Lorenz đưa ra một lý thuyết là những hệ thống lớn như là những mẫu thời tiết đều có thể trở nên rất khác biệt do những biến cố dường như không ai ngờ.  Ông đưa ra câu hỏi:  “Một cánh bướm đập ở Ba-tây có làm tan đi một trận cuồng phong ở Texas không?”  Và thế là lý thuyết mang tên “Hệ quả cánh bướm” ra đời.

          Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc này cho giáo huấn của Chúa Giê-su hôm nay về lòng quảng đại và tha thứ.  Bản năng trả thù rất là mạnh mẽ.  Chúng ta coi là lẽ thường nếu đem áp dụng vào cuộc sống phương thức mắt đền mắt.  Nhưng Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy lấy bác ái mà đáp lại thù nghịch, không phải vì Người muốn chúng ta trở thành kẻ yếu đuối, nhưng vì Người biết rằng một hành vi nhân từ nhỏ bé cũng có thể mang lại những hiệu quả lớn lao.

          Tất cả chúng ta đều biết những hành động tiêu cực của chúng ta chắc chắn có thể có những hậu quả không lường trước được.  Nếu một ông chồng cằn nhằn bà vợ vào buổi sáng, bà sẽ có thể trút giận trên những bạn đồng nghiệp cả ngày hôm ấy, rồi những người bạn này lại trút giận trên gia đình họ, rồi cứ tiếp tục đi xa hơn nữa.  Vậy tại sao lại chẳng giống như vậy mỗi khi chúng ta tỏ ra ưu ái đối với những người không ưu ái đối với chúng ta?  Tựa như nước lạnh làm tắt đi ngọn lửa điên rồ, sự đáp trả kiên nhẫn và trầm tĩnh của chúng ta đối với cơn giận của một người cũng có thể tạo nên hiệu quả lớn lao, thí dụ người ấy đã bắt đầu đối xử ưu ái với mọi người!

          Tất nhiên không bảo đảm là chúng ta sẽ thấy được những kết quả tích cực.  Nhưng điều ấy không ngăn cản được Maria Goretti tha thứ cho kẻ sát hại cô.  Cô đã chết trước khi thấy lòng nhân từ của cô làm cho người đàn ông kia hối hận và trở về với Chúa.  Rồi điều ấy cũng không ngăn cản được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đến nhà tù để thăm kẻ mưu sát ngài.  Những hành vi bác ái này và rất nhiều hành vi giống như vậy vẫn còn làm chứng cho chúng ta thấy hôm nay.  Giống như các vị thánh này, bạn cũng có thể là một “tác nhân thay đổi”.  Chúa Ki-tô đang ở trong bạn và Người có thể dạy bạn đưa má kia cho người ta vả, giống như Người đã làm vậy.

 

          “Lạy Chúa, con thật ngỡ ngàng về tình yêu của Chúa.  Lạy Chúa, xin hãy đến và làm cho con được tràn đầy Thánh Thần Chúa, để con có thể cho mọi người thấy được lòng nhân từ Chúa đã tỏ ra đối với con!”