Thứ Năm tuần 34 Thường niên

Suy niệm Đa-ni-en 6:12-28

 

Bấy giờ vua đành hạ lệnh, và người ta đưa ông Đa-ni-en đi quăng vào hầm sư tử.  (Đa-ni-en 6:17)

 

         Tất cả chúng ta đều biết câu chuyện Đa-ni-en và hầm sư tử.  Nhưng một khía cạnh quan trọng của câu chuyện này thường bị bỏ qua, đó là lòng kiêu căng.  Kiêu căng là tên giết người.  Nó hủy hoại các mối tương quan nhiều hơn bất cứ tội nào khác.  Bài đọc thứ nhất hôm nay bảo chúng ta rằng các đại thần của nhà vua đã tìm cách tiêu diệt Đa-ni-en.  Chắc chắn sự kiêu căng của họ là một động lực.  Chắc chắn sự kiêu căng của vua Đa-ri-ô đã khiến nhà vua ký sắc lệnh không cho phép người ta cầu nguyện dưới bất cứ hình thức nào với bất cứ thần nào ngoại trừ nhà vua, vì vua là thần.  Cuối cùng vua vẫn là vua.  Ông ta có thể bãi bỏ án chết cho Đa-ni-en vì rõ ràng ông ta ngưỡng mộ vị ngôn sứ.  Nhưng điều gì đã không cho ông ta làm như thế nếu không phải là vì kiêu căng?

         Câu chuyện này giống như câu chuyện bà Hê-rô-đi-a âm mưu với con gái là Sa-lô-mê để xin vua Hê-rốt cho bà cái đầu của Gio-an Tẩy Giả (Mác-cô 6:17-29).  Cũng như Đa-ri-ô, Hê-rốt có quyền bỏ qua lời hứa ban cho Sa-lô-mê một nửa nước của ông, nhưng sự kiêu căng không cho phép ông bỏ qua việc ấy.

         Sự kiêu căng khiến chúng ta phải nghe điều chúng ta muốn nghe, nhìn điều chúng ta muốn nhìn.  Nó làm mờ tối khả năng xét đoán và hiểu biết thực tại  Kiêu căng bắt chúng ta suy nghĩ, nói năng và làm điều gây tổn thương và chia rẽ.  Kiêu căng đã can dự vào việc hành quyết Gio-an Tẩy Giả và nó có thể đã giết Đa-ni-en nếu ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa không can thiệp.

         Trong khi kiêu hãnh có chiều kích tốt, thí dụ kiêu hãnh về gia đình và về công việc mình đang làm tốt đẹp, thì ở đây chúng ta đang nói đến chiều kích xấu của kiêu hãnh.  Trong chiều kích này, kiêu hãnh là bận tâm về chính bản thân mình.

         Chúng ta có thể xác định liệu mình có quá bận tâm về chính bản thân bằng cách xét lại những động lực hành động của chúng ta.  Thí dụ việc học hành.  Để thâu thập điều gì ích lợi cho sự phát triển cá nhân, để mình hội đủ điều kiện một công việc đòi hỏi, hoặc để giúp đỡ người khác, tất cả những động lực này đều là điều tốt.  Nhưng học hành vì bạn muốn khoe khoang trước người khác hay để chứng tỏ bạn thông minh hơn người khác, thì đó là dấu hiệu của kiêu căng.

         Hôm nay bạn hãy nhớ là “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Phê-rô 5:5).  Chúng ta hãy xin Chúa Giê-su chấm dứt bất cứ hình thức kiêu căng nào ở trong cuộc sống chúng ta.

 

         “Lạy Chúa, xin giúp con biết khiêm nhường và chăm sóc trong mọi mối tương quan của con với người khác”.