Thứ Bảy sau lễ Tro

Suy niệm I-sai-a 58:9-14

 

Bấy giờ ngươi sẽ được Đức Chúa làm niềm vui.  (I-sai-a 58:14)

 

          Bạn không thích bảng liệt kê những việc phải thực hiện sao?  Quả thực là một cảm nghĩ phấn khởi khi bạn đánh dấu những việc đã làm xong, hết việc này tới việc khác.  Thoạt nghe đoạn sách thánh, dường như ngôn sứ cho chúng ta một bảng liệt kê – một danh sách những điều chúng ta có thể làm để mang lại cho chúng ta những phúc lành của Chúa.  Nhưng thực ra đó không phải là cách hành động của Thiên Chúa.

          Người ta nói rằng các giới răn của Chúa giống như một tấm gương.  Khi nhìn vào những giới răn ấy và tiêu chuẩn cao mà chúng đòi ta phải đạt được, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ đến sự yếu đuối và thái độ không luôn gắn bó của mình với chúng.  Điều ấy hẳn không làm cho chúng ta cảm thấy được khích lệ phải không?

          Có lẽ Thánh Vịnh Đáp ca hôm nay có thể giúp chúng ta.  Thú nhận rằng mình “nghèo hèn túng quẫn”, tác giả Thánh Vịnh kêu van “lòng thương xót… suốt ngày” (Thánh Vịnh 86:1,3).  Ngài khiêm nhường đến trước mặt Thiên Chúa, xin Người nghe lời cầu xin và cứu thoát ngài.  Đó chính là cách chúng ta có thể đáp lại lời vị ngôn sứ kêu gọi trong bài đọc thứ nhất hôm nay.  Bằng cách chạy đến kêu xin Chúa tỏ lòng thương xót, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để “loại bỏ… mọi đe dọa”, không những đe dọa nội tâm chúng ta, mà cả những hình thức đe dọa ảnh hưởng đến rất nhiều anh chị em chung quanh chúng ta nữa (I-sai-a 58:9).  Được cất đi những gánh nặng của mình và được tiếp xúc với Thiên Chúa đầy ân sủng, chúng ta sẽ tự do hơn để chăm sóc cho những người thiếu thốn.

          Khi chúng ta thú nhận mình cần đến Chúa thì đó không phải là một dấu hiệu nói lên sự yếu đuối của chúng ta.  Nhưng đó là dấu hiệu can đảm và khiêm nhường.  Đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang ước ao lãnh nhận ân sủng và sức mạnh của Chúa, sức mạnh giúp bạn làm được mọi sự.

           Khi Chúa Giê-su kêu gọi người thu thuế tên là Lê-vi, chính cảm nghiệm ân sủng của Thiên Chúa đã thúc giục ông bỏ nghề nghiệp để đi theo Chúa.  Khi Chúa Giê-su gọi ông Phê-rô, sức mạnh của cuộc gặp gỡ đã biến đổi người lưới cá thành một kẻ lưới người.  Điều ấy cũng có thể xảy ra với bạn.

          Vậy bạn hãy theo gương tác giả Thánh Vịnh mà chạy đến với Chúa.  Ngay trong tình huống khó khăn, bạn hãy lấy can đảm mà kêu xin Chúa Giê-su giúp đỡ bạn.  Đó là cách tốt nhất để chắc chắn rằng bất cứ “đe dọa” nào trong cuộc đời bạn cũng có thể được cất đi (I-sai-a 58:10).

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con cần Chúa hôm nay!  Xin Chúa tha thứ cho những cách con cố gắng theo Chúa bằng sức mạnh của riêng con.  Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã ban cho con ân sủng và sức mạnh!”