Thứ Ba tuần 11 Thường niên

Suy niệm 1 Vua 21:17-29

 

Ngươi có thấy A-kháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không?  (1 Vua 21:29)

 

          A-kháp là một trong những ông vua gian ác nhất của Ít-ra-en, còn ngôn sứ Ê-li-a thì tốn rất nhiều thì giờ trong sứ vụ của ngài để chống lại việc thờ ngẫu tượng của nhà vua và bà vợ là hoàng hậu I-de-ven.  Một trong những hành động xảo trá nhất của A-kháp đã xảy ra với sự trợ lực của hoàng hậu I-de-ven.  Ông Na-vốt là láng giềng của họ có một vườn nho rất giá trị và nhiều hoa lợi, A-kháp có dã tâm rất muốn chiếm đoạt nên ông ta để cho I-de-ven tố cáo gian      cho ông Na-vốt để ông bị xử tử.  Na-vốt khuất mắt rồi, A-kháp tự do chiếm đoạt vườn nho của ông.  Một lần nữa, kẻ gian ác và mạnh mẽ đã chiến thắng kẻ yếu hèn và dễ bị thương tổn, cho đến khi Chúa sai ngôn sứ Ê-li-a đến.

          Chúng ta tưởng A-kháp và I-de-ven sẽ bị trừng phạt nặng nề vì tội ác máu lạnh đó.  Nhưng điều ấy lại không xảy ra.  Khi ngôn sứ Ê-li-a công bố việc xét xử của Chúa thì A-kháp hối hận.  Nên Thiên Chúa đã tha thứ cho ông!

          Theo như câu truyện, A-kháp tỏ lòng ăn năn khi ông “xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não” (1 Vua 21:27).  Những dấu hiệu bề ngoài nói lên lòng đau đớn của ông rất quan trọng.  Thiên Chúa dùng những dấu hiệu ấy như chứng cớ để thuyết phục Ê-li-a rằng trái tim của A-kháp thực sự đã thay đổi.  Và dựa trên chứng cớ này, ngôn sứ cảm thấy đủ tin tưởng để nói với vua những lời biểu lộ lòng thương xót của Chúa.

          Chúng ta đâu có xé áo mình hoặc khoác áo vải bố trước khi đi xưng tội.  Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần phải làm gì để biểu lộ lòng ăn năn đau đớn và hiểu rõ sự nặng nề của tội lỗi chúng ta.  Dành thêm một chút thì giờ cầu nguyện có thể giúp chúng ta gần Chúa hơn để Người tiếp tục biến đổi chúng ta.  Làm một việc bác ái có thể giúp chúng ta tiếp cận với những khổ đau của tha nhân, những khổ đau thường xảy tới vì tình trạng tội lỗi của người khác.  Kiêng một món ăn khoái khẩu hoặc một vài bữa cơm có thể cho thấy sự trống rỗng thiêng liêng của chúng ta và cho chúng ta biết chúng ta cần có Chúa đến mức nào.

          Quả thực không có hành động nào trên đây có thể đòi Chúa phải thương xót chúng ta.  Lòng thương xót là một hồng ân Chúa ban không cho chúng ta.  Nhưng những hành động ấy dạy chúng ta biết tự chế, khiêm nhường và mở lòng cho Chúa.  Nếu vua A-kháp có thể thống hối thì chúng ta cũng có thể chứ.  Không có gì hơn là cộng tác với Chúa để chúng ta cảm nghiệm được ơn chữa lành và phục hồi của Người!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Chúa đã thương xót con và đón nhận con trở về khi con lạc nẻo đường của Chúa”.