Thứ Hai tuần IV Phục Sinh

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 11:1-18

 

Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng ngần ngại gì.  (Công Vụ Tông Đồ 11:12)

 

          Khi sai ông Phê-rô đến nhà Co-nê-li-ô, một người ngoại giáo ở Xê-da-ri-a, Chúa ban cho ông cơ hội suốt cả đời.  Cuối cùng, kế hoạch của Thiên Chúa muốn đem Dân ngoại về với Người đang được thực hiện.  Thù hận từ bao thế kỷ giữa Dân ngoại và Do-thái sắp được xóa bỏ.  Chứng từ cho một Giáo Hội hiệp nhất sắp rạng ngời trong thế giới.  Và Chúa đã gọi Phê-rô làm người phá bỏ hàng rào ngăn cách.

          Ông Phê-rô có thể khư khư giữ lập trường của ông.  Ông có thể cứ bám chặt lấy cái gốc Do-thái của ông và chẳng muốn đi.  Nhưng người đánh cá bướng bỉnh này đã thay đổi rồi.  Không biết chắc được những gì sẽ xảy ra, ông quyết định theo sự hối thúc của Chúa và đánh liều.  Kết quả thực là kỳ diệu:  Phê-rô chưa nói xong với Co-nê-li-ô và gia đình ông, thì Thánh Thần đã xuống trên họ và đầy tràn tâm hồn họ.  Thực Chúa còn mau mắn hơn chúng ta tưởng trong việc khởi đầu một thời đại mới cho sự hiệp nhất của Giáo Hội!

          Vậy đã xảy ra điều gì cho sự hiệp nhất ấy?  Ngày nay, chúng ta thấy anh chị em Tin Lành, Công giáo, Chính thống giáo, đã chia rẽ nhau.  Những tranh chấp quá khứ, những hiểu lầm qua bao thế hệ, ngay cả những quan điểm chính trị, tất cả đều toa rập với nhau để làm cho chúng ta chia rẽ.  Dĩ nhiên có những vấn đề giáo lý cần phải giải quyết.  Nhưng như Đức Giáo hoàng Biển-đức XVI đã khẳng định, chúng ta có biết bao điều giúp chúng ta hiệp nhất hơn là chia rẽ.  Nếu chúng ta để ý đến gia sản chung, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy cách giải quyết những khác biệt còn lại.

          Nhưng còn sự hiệp nhất bên trong Giáo Hội của chúng ta thì sao?  Chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra những phương cách để thắng vượt những chia rẽ giữa người cấp tiến với người truyền thống, giữa những người Công giáo từ tấm bé với những người mới trở lại đạo.  Chắc chắn chúng ta có thể xác nhận tất cả những gì chúng ta cùng có chung, như Bí tích Thánh Thể, lịch sử từ bao thế kỷ, một giáo lý chung và một truyền thống thiêng liêng sâu xa và rộng rãi.  Chắc chắn chúng ta có thể nhận nhau là anh chị em trong Chúa Ki-tô!  Phải, dù có những ý kiến và cách tiếp cận khác biệt, nhưng chúng ta vẫn là một thân thể được liên kết với nhau do cùng một phép rửa.  Bạn hãy tưởng tượng xem ảnh hưởng đối với thế giới sẽ thế nào nếu chúng ta cùng nhau lấy tình yêu làm mục đích chung của chúng ta!

 

          “Lạy Chúa, xin Chúa hãy làm cho dân Chúa nên một!”