Thứ Hai Tuần Thánh

Suy niệm I-sai-a 42:1-7

 

Đây là người Tôi trung Ta nâng đỡ.  (I-sai-a 42:1)

 

        Chúng ta thường nghĩ về “những ngày xưa yêu dấu” khi mọi sự xem ra tốt đẹp hơn và những trục trặc được giải quyết thật đơn giản.  Những ai lần đầu tiên nghe những lời trong đoạn sách ngôn sứ I-sai-a đều có lý để mong là họ cũng có “những ngày xưa yêu dấu”.  Họ là những người đang bị dân Ba-by-lon bắt sống kiếp lưu đày, rồi người ta đưa tin rằng Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem đã bị tàn phá.  Cho dù nếu họ có được trở về thì quê cha đất tổ đã trở nên miền đất hoang tàn, không còn gì để lại cho họ cả.

        Trong suốt Tuần Thánh, chúng ta sẽ nghe những sấm ngôn về một “người Tôi trung của Đức Chúa” chịu vất vả và cực khổ để đem Ít-ra-en tới một nơi tốt hơn.  Đọc những dòng này, chúng ta có thể nói rằng việc tái thiết mà người Tôi trung này sẽ đem lại không phải chỉ là trở về mái nhà xưa.  Thiên Chúa giữ trong kho tàng Người dành cho dân Người còn nhiều hơn cả niềm nhớ thương dĩ vãng vàng son.  Họ được chỉ định để trở thành một “giao ước” cho mọi dân tộc trên mặt đất, chứ không phải chỉ sống hòa bình làm ánh sáng chiếu soi muôn dân (I-sai-a 42:6).  Ít-ra-en đã (và vẫn đang) có sứ mệnh và mục tiêu, và Thiên Chúa sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi sứ mệnh được hoàn tất.

        Bạn nghĩ thế nào về sứ mệnh Chúa trao cho bạn?  Những lời này trong sách ngôn sứ I-sai-a có thể rất quen thuộc với chúng ta, nhất là khi chúng ta chiêm niệm Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh trong cuộc Thương Khó và cái chết của Người.  Nhưng Chúa Giê-su đã đến và chết là để chúng ta có được ơn tha thứ, ân sủng và niềm hy vọng lên đường để góp phần xây dựng công lý trong thế giới (I-sai-a 42:4).

        Khi bạn bắt đầu hành trình với cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su trong tuần này, bạn hãy dành thời giờ để suy nghĩ về ơn gọi của bạn.  Chúa đã gọi bạn làm sao để trở thành một tác nhân cho hòa bình và giao hòa trong gia đình cũng như với hàng xóm láng giềng bạn?  Bạn có thể làm chứng cho niềm vui Phục Sinh để thay đổi bầu khí nơi bạn làm việc không?  Có thể đó là điều quá lạc quan không tin nổi, nhưng đúng là bạn có thể thực hiện một sự thay đổi trong thế giới này chứ, nhất là khi bạn để Chúa Thánh Thần hoạt động nơi bạn và qua bạn.  Sự chết và phục sinh của Chúa Giê-su sẽ đem lại những điều lớn lao hơn cả việc đưa bạn trở về “những ngày xưa yêu dấu”.  Mục đích sự chết và phục sinh của Người là ban cho bạn sức mạnh để thực hiện “những ngày tốt đẹp hơn” đang chờ đợi trước mặt bạn.

 

Cầu nguyện:  “Lạy Chúa Giê-su, Chúa đem con đến nguồn tình yêu đầy tràn của Chúa Cha nhờ sự chết và sống lại của Chúa.  Con xin chúc tụng, ngợi khen và tôn vinh Chúa vì sự sống Chúa đã ban cho con”.