TUẦN 2 MÙA THƯỜNG NIÊN  (14 – 20 tháng 1 năm 2018)

 

(Tôi phải làm gì trong mỗi giờ cầu nguyện?  Hoặc cách sử dụng tập tài liệu này:

Mỗi ngày trong giờ cầu nguyện, bạn hãy theo thứ tự sau đây trong phương pháp nguyện gẫm của thánh I-nhã Loyola (Linh Thao).  Bạn bắt đầu bằng cách đọc “Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần”.  Sau đó tiến sang các bước “Sự hiện diện của Chúa”, “Sự tự do” và “Ý thức”, để giúp bạn chuẩn bị lắng nghe Lời Chúa.  Trong bước lắng nghe “Lời Chúa”, bạn lấy bài Kinh Thánh của từng ngày trong tuần được in kèm theo.  Ngay sau bài Kinh Thánh là những điểm gợi ý giúp bạn suy niệm, hoặc bạn có thể dùng những gợi ý của riêng bạn.  Sau đó, bạn trở lại phần “Tâm sự với Chúa” và phần “Kết thúc”.  Bạn cứ sử dụng phương pháp này mỗi ngày suốt năm phụng vụ.)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Nghĩ về mầu xám

Nghĩ tới mầu xám, tôi nghĩ tới u ám, tới những đám mây thấp cùng cái lạnh lẽo và cơn mưa.  Có lẽ chúng ta đã có được điều mình mong đợi, nên tôi cần phải xét lại những mong ước của tôi.  Có lẽ mầu xám hiện diện mời gọi chúng ta bước vào cõi thinh lặng để suy nghĩ, dành thời gian và không gian để đọc một cuốn sách hay, để có cuộc chuyện trò mang lại sức sống.  Có lẽ mầu xám cũng mở cửa giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện gồm những sắc mầu tinh tế chẳng bao giờ tìm được giữa mầu xám.

          Người ta có thể cảm thấy đời sống hằng ngày tựa như mầu xám cả tháng trời, nhất là trong mùa đông.  Nhưng sẽ ra sao nếu như cái ảm đạm bên ngoài lại chứa đựng rất nhiều những khả thể bên trong nó?  Một lời nói dễ thương vẫn nhè nhẹ vang vọng suốt ngày.  Một phút suy tư đưa chúng ta vào những cõi sâu thẳm của chúng ta.  Một cuốn sách tốt mở ra những nhãn quan vô hình trong ánh sáng chói lọi hơn.

- Margaret Silf, trong Daily Inspiration for Women

 

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Chúa phán:  “Ta đứng trước cửa và gõ”.  Thật là một đặc ân tuyệt vời được Chúa muôn loài ước ao đến với tôi.  Tôi đón nhận sự hiện diện của Người.

 

Sự tự do                                                                                      

Tôi sẽ cầu xin Chúa giúp đỡ tôi

để khỏi bị vướng mắc những bận rộn,

để mở lòng cho Chúa trong giờ cầu nguyện này,

để được biết, yêu mến và phục vụ Chúa hơn.

 

Ý thức

Trong sự hiện diện của Chúa, tôi quay lại cuốn phim ngày hôm trước, bắt đầu từ lúc này để nhìn lại từng lúc một.

Tôi lắng đọng trong tất cả sự tốt lành và ánh sáng, trong niềm cảm tạ.

Tôi dừng lại ở những bóng tối để xem chúng nói gì với tôi, do đó tôi tìm cách để được chữa lành, an ủi và tha thứ.

 

Lời Chúa

Giờ đây tôi mở Kinh Thánh đã chuẩn bị cho tôi hôm nay.  Tôi đọc chậm từng lời và xem có câu nào hoặc tâm tình nào đánh động tôi không.  (Xin mở những đoạn Kinh Thánh ghi ở các trang tiếp theo.  Những điểm suy gẫm cũng có ở đó để giúp bạn.  Khi xong, bạn hãy trở lại phần này để tiếp tục).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, đôi khi con thắc mắc không biết con sẽ nói gì khi gặp Chúa đây.

Con nghĩ có thể con sẽ thưa “Con cám ơn Chúa” vì Chúa luôn ở đó với con.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những giây phút Chúa và tôi đã cùng ở với nhau và về những ơn soi sáng Chúa đã ban giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

Tuần 2 mùa Thường niên

Chúa Nhật, ngày 14 tháng 1

Gio-an 1:35-42

 

Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa."37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế? " Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? "39 Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô).

 

*  Ông An-rê và bạn ông đã dành nguyên một ngày để ở lại với Chúa Giê-su.  Do ấn tượng, họ đã quyết định làm môn đệ Người.  Khi gặp một người mới, trước hết chúng ta hãy cho mình một cơ hội để biết họ.  Rồi nếu chúng ta thích những gì mình đang thấy, chúng ta sẽ bị lôi cuốn do tất cả những điều nói lên con người của họ.

*   Vậy chúng ta có cho Chúa Giê-su một cơ hội giữa cuộc sống bận rộn, để sự lôi cuốn do con người của Chúa có thể hoạt động trên chúng ta không?

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 15 tháng 1

Mác-cô 2:18-22

 

Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "19 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới! "

 

*   Chúa Giê-su gia nhập nhân loại chúng ta, để khi cho chúng ta được làm dưỡng tử, Người nâng nhân loại ấy lên cõi thiên đàng của Thiên Chúa.  Ngày Giáng Sinh đầu tiên, thiên đàng kết duyên với địa cầu.  Khi ấy, biến cố Chúa Giê-su đến và việc loan báo tin vui trọng đại này là một cơ hội để vui mừng sâu xa, giống như bất cứ một lễ cưới nào vậy.

*   Niềm vui và mừng lễ là điều quan trọng đối với cuộc đời Ki-tô hữu.  Vậy tôi có chú tâm vào niềm vui khi tôi thi hành “những bổn phận” của đức tin không?

_______________

Thứ Ba, ngày 16 tháng 1

Mác-cô 2:23-28

 

Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép! "25 Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế." 27 Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát."

 

*   Mục đích của ngày sa-bát là để nghỉ ngơi, nhờ đó người ta được tự do để nghĩ đến Chúa, cảm tạ Chúa vì những hồng ân Chúa ban và chăm sóc sức khỏe cũng như hạnh phúc của mình.  Nhưng một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã dần dần lạm dụng ngày sa-bát bằng cách đặt ra quá nhiều luật lệ đến nỗi làm cho mục đích của ngày này không còn nữa.

*   Đôi khi chúng ta có tìm sự an toàn bằng cách kiểm soát cuộc sống của người khác quá đáng (mà tự kiểm soát mình lại quá ít) không?  Ngược lại, có lẽ chúng ta có thể tin tưởng vào sự tự do chúng ta đang vui hưởng nhờ làm con cái Chúa và làm anh chị em của Chúa Giê-su.  Vậy ngày hôm nay tự do ấy là như thế nào?

 _______________

 

 

Thứ Tư, ngày 17 tháng 1

Mác-cô 3:1-6

 

Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3 Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây! "4 Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? " Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

 

*   Có lẽ khi tôi gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ thì người ta không luôn sẵn sàng đến giúp tôi đâu;  có thể người ta ẩn mình sau “bảng cấm” và những luật lệ.  Nhưng Chúa Giê-su vượt qua bảng cấm ấy như Người đã làm ở đây trong hội đường, và Người luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi.

*   Chúa Giê-su có thể chữa lành cho tôi.  Nhưng liệu tôi có là một chướng ngại cho việc chữa lành, hoặc có mở lòng đón nhận sự giúp đỡ của Người không?

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 18 tháng 1

 

Mác-cô 3:7-12

Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa! "12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

 

*   Chúa Giê-su bỗng thấy mình có một “cảm giác”, bị chen lấn do những kẻ bàng quan đến từ những miền xa lạ.  Được chạm đến Chúa là họ thấy mãn nguyện rồi.

*   Ngày nay có nhiều cách để chúng ta chạm đến Chúa Giê-su, kể luôn cách cầu nguyện bằng tài liệu Khoảng không gian thánh thiện này, vì nó giúp chúng ta liên hệ với Chúa và với sự hiện diện của Người trong cuộc sống hôm nay.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 19 tháng 1

Mác-cô 3:13-19

 

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

 

*   Nếu làm một người rao giảng Nước Thiên Chúa mà phải có luôn cả quyền năng để trừ quỷ thì đó là một vai trò người ta không thể tự mình làm được.  Nhưng nó đòi họ phải chia sẻ quyền năng của Chúa Giê-su;  họ phải được tuyển lựa và mời gọi mới làm nổi.  Mỗi khi Chúa Giê-su chuyện vãn với Cha Người trong lúc cầu nguyện giống như trường hợp hiện tại, thì Người đi lên núi.  Điều này chứng tỏ việc Chúa tuyển chọn mười hai cộng sự viên là quan trọng đối với Người.

*   Mỗi người chúng ta được Chúa Giê-su tuyển chọn tùy theo đường lối của chúng ta để thi hành một công tác nào đó được ấn định cho chúng ta và đặc biệt đối với Chúa.  Vậy tôi có biết vì sao Chúa Giê-su đã tuyển chọn tôi vào giờ phút này trong cuộc đời tôi không?

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 20 tháng 1

Mác-cô 3:20-21

 

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

 

*   Một trong những cảm nghiệm đau đớn nhất đối với bất cứ người nào, đó là bị những người gần cận nhất và thân thương nhất khinh thường.  Đối với Chúa Giê-su, suốt ngày bị vây quanh do đám đông dân chúng đến nghe lời giảng và xin Người giúp đỡ đã khiến gia đình Người không cảnh giác được nữa.  Họ cũng không sao hiểu được sự thay đổi lớn lao bỗng dưng đến với thế giới thường ngày của họ do công việc mới mẻ của Chúa, nói khác đi, là việc Chúa Giê-su rao giảng Nước Thiên Chúa.

*   Đôi khi những đòi hỏi khẩn thiết của Nước Thiên Chúa có thể làm đảo lộn thế giới thường ngày của chúng ta.  Đôi khi Nước Thiên Chúa không có nghĩa lý gì mấy.  Vậy tôi có thể đứng bên Chúa Giê-su và tin rằng mọi sự rồi sẽ đâu vào đó không?




Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space