TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 18 – 24 tháng 11 năm 2018)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Chúng ta không thể ngừng lại ở lời cám ơn

Cứ vào tháng 11, nguồn dữ liệu xã hội của tôi lại đầy những hình ảnh và bài đăng của những người đang thực hành chương trình “30 ngày cám ơn”.  Mới đọc, tôi rất quý cách thức người ta chủ ý phản ánh cuộc sống qua việc cám ơn về những điều họ gọi là những ân huệ và phúc lành.  Việc cám ơn nhắc nhở tôi về một trong các bước của Phút Hồi tâm hoặc Xét mình hằng ngày là bước chúng ta dừng lại và cảm tạ Chúa về những gì chúng ta nhận thấy trong 24 giờ vừa qua.

          Dù vậy thánh Inhaxiô không đề nghị chúng ta phải ngưng lại việc cầu nguyện để dâng lời cảm tạ.  Nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy đem toàn bộ đời sống ra trước mặt Chúa, với lòng thành thực và biết ơn, hãy nhận định tất cả những thời điểm chúng ta cảm nhận Chúa, những điểm u tối của đời sống và cả những tội lỗi chúng ta nữa.

          Cám dỗ về việc cầu nguyện chỉ dừng lại ở điểm cảm tạ Chúa mà thôi là một điều tôi thường nhận thấy khi giúp người ta tĩnh tâm và làm linh hướng.  Chúng ta sợ phải đem những bê bối của mình đến trước mặt Chúa và sợ không dám hoàn toàn thành thực với Chúa về những gì đang diễn tiến trong đời sống mình.

          Tôi thắc mắc liệu nhiều mối tương quan con người của chúng ta có lâu bền được không nếu chúng ta giữ tất cả những cuộc trò chuyện chỉ ở mức độ cám ơn, giống như đôi khi chúng ta làm như vậy đối với Chúa?  Các mối tương quan di chuyển tới một bình diện khác khi chúng ta sắp sửa bị tổn thương, khi chúng ta chia sẻ sâu xa tự đáy lòng, và khi chúng ta có chỗ để nói lên không những điều chúng ta cảm tạ, mà luôn cả những vấn đề vẫn còn kéo dài, những ước muốn và những phấn đấu của chúng ta nữa.  Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc cảm tạ mà thôi.

-  Becky Eldredge mục doMagis, trang mạng IgnatianSpirituality.com

http://www.ignatianspiritutality.com/22822/

we-cannot-stop-at-thank-you

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Lạy Chúa Giê-su, khi con kêu cầu Chúa hôm nay, con ý thức rằng con thường xin ơn này ơn nọ.  Hôm nay con chỉ muốn ở trong sự hiện diện của Chúa mà thôi.  Xin Chúa lôi kéo tâm hồn con để biết đáp lại tình yêu của Chúa.

 

Sự tự do

Lạy Thiên Chúa là Đấng dựng nên con, Chúa đã ban cho con sự sống và ơn tự do.  Nhờ tình yêu của Chúa, con mới được hiện hữu trong thế giới này.  Xin cho con đừng bao giờ lãnh nhận ân huệ này mà không biết tạ ơn.  Xin cho con luôn biết tôn trọng quyền sống của người khác.

 

Ý thức

Lạy Chúa, xin giúp con nhớ rằng Chúa đã ban cho con sự sống.  Xin Chúa dạy con biết từ từ chậm lại, biết thinh lặng và hưởng những vui thú Chúa đã tạo dựng cho con.  Ý thức vẻ đẹp chung quanh:  vẻ tuyệt vời của núi non, sự yên tĩnh của mặt hồ, sự mong manh của những cánh hoa.  Con phải nhớ rằng mọi điều ấy đều từ Chúa mà đến.

 

Lời Chúa

Lời Chúa đến với chúng con qua Kinh Thánh.  Xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con để con biết đáp lại những giáo huấn của Tin Mừng.  (Xin bạn hãy mở phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Những điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Trong tôi đã dấy lên những cảm nghĩ nào khi tôi suy nghĩ Lời Chúa và cầu nguyện?  Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang ngồi hoặc đứng bên cạnh tôi và tôi trải lòng ra với Người.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi đã ở với nhau và về những ơn soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

 

Tuần 33 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 18 tháng 11

Mác-cô 13:24-32

 

"Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng,25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.28 "Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.32 "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

 

*  Chúng ta thường nghe cụm từ “những dấu chỉ thời đại”.  Đoạn Tin Mừng hôm nay đề cập tới những dấu chỉ nói lên lúc tận thế.  Bạn làm sao cân bằng hoặc dung hòa được giữa sự mô tả những biến cố này (lấy từ sách ngôn sứ Đa-ni-en) với câu cuối cùng nói rằng “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được…, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”?

*  Một số Ki-tô hữu đã sai lạc khi họ chỉ quan tâm đến những dấu chỉ đủ loại và lời nói tiên tri rằng ngày tận thế rất gần kề rồi.  Khôn ngoan hơn, chúng ta hãy đợi chờ điều bất ngờ và chỉ cần sẵn sàng để đón tiếp Con Người bất cứ lúc nào Người đến.  Đồng thời, hãy cảm thấy được an ủi do những lời Chúa Giê-su phán:  “Trời đất qua đi, nhưng lời Ta sẽ không qua đi”.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 19 tháng 11

Lu-ca 18:35-43     

 

Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường.36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì.37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó.38 Anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi:41 "Anh muốn tôi làm gì cho anh? " Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được."42 Đức Giê-su nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

 

*  Tôi để cho câu chuyện sống động và lâm ly này lôi cuốn tôi vào trong những hành động của câu chuyện.  Tôi tưởng tượng mình là anh mù ăn xin đang ngồi vô vọng bên đường.  Điều duy nhất tôi có thể làm là la to lên khi biết Chúa Giê-su đi ngang qua.  Ngay cả khi Chúa Giê-su bảo tôi hãy tiến đến, thì những người khác cũng phải dắt tôi.  Tôi cảm thấy thế nào khi nghe câu hỏi đầy kính trọng và tế nhị của Chúa Giê-su:  “Con muốn Ta làm gì cho con?”  Chẳng bao lâu tôi sẽ được nhìn thấy lại nhờ đức tin và lòng tín thác của tôi.  Tôi vui mừng và ngợi khen Thiên Chúa.

*  Làm sao tôi có thể đối xử với các người hành khất (biểu tượng cho mọi người nghèo khó) và người mù (biểu tượng cho mọi người bị khuyết tật) với lòng kính trọng và tế nhị như Chúa Giê-su đã tỏ ra ở đây?

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 20 tháng 11

Lu-ca 19:1-10

 

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! "6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! "8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."

 

*  Chúa Giê-su đã đến để “tìm và cứu những gì đã mất”.  Câu cuối cùng này là lăng kính chúng ta dùng để chiêm ngưỡng toàn thể câu chuyện.  Ông Da-kêu là một viên chức thu thuế cao cấp được Rô-ma trả lương.  Nhưng đối với đồng bào Do-thái của ông và theo lời họ, ông là một tên phản quốc và một kẻ tội lỗi.  Tuy nhiên ông lại là người được Chúa Giê-su chọn để tiếp đón Người trong thời gian Người ở lại thành Giê-ri-khô.  Việc này nói gì về Chúa Giê-su?  Về sứ vụ của Người?  Về những ưu tiên của Người?

*  Tôi sẽ là nhân vật nào trong câu chuyện này?  Tôi sẽ phản ứng thế nào về cách Chúa Giê-su đối xử với ông Da-kêu?

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 21 tháng 11

Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ

Lu-ca 19:11-28

Đức Giê-su lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi.12 Vậy Người nói: "Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về.13 Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: "Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến."14 Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: "Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.15 "Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu.16 Người thứ nhất đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.17 Ông bảo người ấy: "Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.18 Người thứ hai đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.19 Ông cũng bảo người ấy: "Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.20 Rồi người thứ ba đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ.21 Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.22 Ông nói: "Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.23 Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!24 Rồi ông bảo những người đứng đó: "Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.25 Họ thưa ông: "Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!26 -"Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.27 "Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi."28 Nói những lời ấy xong, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

 

*  Đây là một dụ ngôn khó hiểu.  Câu chuyện có hai sự kiện song song.  Thứ nhất, có sự thù nghịch giữa ông vua và những người dân muốn tiêu diệt ông.  Thứ hai, có những tương tác giữa ông vua và các tôi tớ của ông.  Những người tôi tớ này được để ý đến nhiều nhất.  Chính ông vua là người keo kiệt, bạo chúa và hung dữ.  Đức tính tích cực duy nhất của ông là ý thức trọng thưởng cho sự trung thành và nỗ lực của các tôi tớ ông.

*  Thực khó nhận ra được dụ ngôn đã soi sáng thế nào cho ta hiểu bản chất của Nước Thiên Chúa (như phần mở đầu câu chuyện muốn chúng ta hiểu).  Có phải dụ ngôn muốn dạy rằng việc chúng ta phụng sự Thiên Chúa không được tối thiểu, cưỡng chế hoặc sợ hãi, nhưng phải quảng đại, có tính sáng tạo và chủ động?  Có phải dụ ngôn dạy rằng chúng ta phải tự nguyện chấp nhận liều lĩnh khi đáp lại lệnh truyền của Chúa?  Rằng chúng ta phải sẵn sàng mất mạng sống để được sống không?

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 22 tháng 11

Lu-ca 19:41-44

 

Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương42 mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm."

 

*  Sách Tin Mừng Lu-ca được cấu trúc dựa theo hành trình của Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.  Giai đoạn cuối cùng của hành trình này biến thành một đám rước khải hoàn (được chúng ta mừng vào Chúa Nhật lễ Lá) từ núi Cây Dầu tiến vào thành thánh.  Nhưng ở một lúc nào đó, Chúa Giê-su đã dừng lại, lòng đầy cảm xúc.  Người nhìn thành thánh với Đền Thờ nguy nga, rồi Người khóc.

*  Chúa đã thấy gì?  Điều gì khiến Người cảm động rất sâu xa?  Tất cả câu chuyện về Ít-ra-en, dân riêng Người, đang mở ra trước mắt Người.  Mọi sự đều dẫn tới ngày hôm nay, tới việc Người đến giữa họ.  Nhưng họ đã mù quáng, ngoan cố và thiếu lòng tin.  Họ đang chối bỏ Đấng Mê-si-a của họ.  Chúa Giê-su cũng báo trước những điều dân tộc này sẽ phải chịu khi thành Giê-ru-sa-lem bị quân đội Rô-ma bao vây năm 70 sau công nguyên. Bạn hãy đứng yên lặng bên Chúa Giê-su và để mình được lôi kéo vào trong cuộc than khóc của Chúa.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 23 tháng 11

Lu-ca 19:45-48

 

Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán46 và nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! "47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy.48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

 

*  Sách Tin Mừng Gio-an đặt trình thuật thanh tẩy Đền Thờ ở ngay đầu sứ vụ của Chúa Giê-su.  Tuy nhiên, sách Tin Mừng Lu-ca vì ít đề cập đến chi tiết nên đặt trình thuật này ở gần cuối.  Việc này giúp ngài kết nối việc thanh tẩy Đền Thờ với âm mưu của kẻ thù chống lại Chúa Giê-su.  Lu-ca đang diễn tả một bầu khí thù nghịch dẫn tới việc bắt bớ, hành hạ và cái chết của Chúa Giê-su.

*  Đời sống Ki-tô hữu có khi nào thoát được căng thẳng và xung đột không?  Giáo Hội hôm nay cần được thanh tẩy những gì?

_______________

 

Thứ Bảy, ngày 24 tháng 11

Lu-ca 20:27-40

 

Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.30 Người thứ hai,31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào.32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? "34 Đức Giê-su đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm."40 Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

 

*  Những người phái Xa-đốc nhạo cười ý niệm về sự sống lại.  Vì thế họ tránh né không muốn nghe sứ điệp của Chúa Giê-su nói về sự sống lại và tình trạng phục sinh là một tạo vật mới, nhờ đó chúng ta được chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa.

*  Đức tin chúng ta được nuôi dưỡng nhờ cầu nguyện và những lời chuyển cầu cho các người thân yêu đã qua đời.  Trong tháng này chúng ta thường cầu nguyện cho những người đã qua đời:  “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên đời đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.  Xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời.  A-men”.  Thật là điều tốt khi tin rằng lời cầu nguyện này sẽ được đọc lên cho chính chúng ta khi giờ của chúng ta đến.

 

 

 

 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space