TUẦN IV MÙA VỌNG  (Ngày 22 – 28 tháng 12 năm 2019)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Chúa không khi nào ngừng đến với chúng ta.  Bất kể chúng ta tiếp đón cách nào thì Thiên Chúa vẫn luôn sẵn sàng ban ân sủng để giải thoát chúng ta.  Đối với nhiều người, Giáng Sinh có thể là một mùa khó khăn vì những căng thẳng trong gia đình hoặc những trục trặc khác nổi lên.  Vậy nếu có điều gì làm cho bạn mất đi tinh thần của lễ Giáng Sinh, thì bạn hãy biết rằng Chúa vẫn hiện diện và sẵn sàng giải thoát bạn khỏi căng thẳng, buồn rầu hoặc lo lắng.

-  Margaret Felice, 2019:  A Book of Grace-Filled Days

 

Sự hiện diện của Chúa

“Hãy thinh lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa!”  Lạy Chúa, xin thần khí Chúa hướng dẫn con tìm sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa mỗi lúc một hơn, vì chính trong sự hiện diện ấy con được nghỉ ngơi và bồi dưỡng tránh khỏi thế giới bận rộn này.

 

Sự tự do

Nhờ ơn Chúa, tôi được sinh ra để sống trong tự do.  Tự do để vui hưởng những thú vui Chúa đã tạo dựng cho tôi.  Lạy Chúa, xin cho con biết sống theo ý Chúa, hoàn toàn tin tưởng vào sự chăm sóc yêu thương của Chúa.

 

Ý thức

Hôm nay tôi thấy thế nào?  Tôi đang ở đâu trong tương quan với Chúa?  Với người khác?

Tôi có điều gì để cảm tạ Chúa không?  Vậy tôi cám ơn Chúa.

Tôi có điều gì phải thống hối không?  Vậy tôi xin ơn tha thứ.

 

Lời Chúa

Chúa nói với từng người chúng ta.  Tôi cần lắng nghe, nghe điều Chúa sắp nói với tôi.  Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài lần, rồi lắng nghe.  (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lời Chúa đã đánh động tâm hồn tôi thế nào?  Có làm cho tôi cảm thấy nguội lạnh không?

Lời Chúa đã an ủi tôi hay thúc giục tôi hành động một cách mới mẻ?

Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc ngồi bên cạnh tôi.  Tôi đem những cảm nghĩ của mình chia sẻ với Người.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi cùng ở với nhau và về những ơn Người soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

Tuần IV Mùa Vọng

 

Chúa Nhật, ngày 22 tháng 12

Mát-thêu:18-24

 

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

 

*  Nghe những lời sứ thần nói với thánh Giu-se về người con của Mẹ Ma-ri-a, trước tiên chúng ta nghĩ ngay đến một hài nhi đặc biệt, theo ý nghĩa “được dựng nên đặc biệt” cho Thiên Chúa sử dụng, giống như ông Sa-mu-en hoặc Sam-sôn.  Nhưng đọc ở giữa đoạn văn và căn cứ vào hai ám chỉ trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Hài Nhi này còn đặc biệt hơn thế nữa.  Sự kiện Người đến mở ra một trời mới (dù điều này đã được hứa ban) và một thời đại rung chuyển địa cầu trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người.  Hài Nhi sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi, không phải chỉ nguyên tội lỗi cá nhân của họ.  Nhưng họ còn được cứu khỏi tội lỗi của toàn dân, tức là khỏi sự áp bức do tội lỗi mang lại.

*  Cũng thế, chúng ta không những được cứu khỏi tội lỗi cá nhân, mà còn khỏi tội lỗi của tất cả cộng đồng cũng như tội lỗi đã trở thành hệ thống.  Tôi suy nghĩ về những tội lỗi cộng đồng tại thành phố và đất nước tôi sống, đồng thời cảm tạ Chúa vì ơn cứu độ Chúa Giê-su đem tới.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 23 tháng 12

Lu-ca 1:57-66

 

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em.60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an."61 Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả."62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? " Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

 

*  Tên “Gio-an” đặt cho con trẻ sắp ra đời, theo nguyên ngữ có nghĩa là Thiên Chúa đặc biệt phù trợ.  Thiên Chúa sắp xếp một tương ai mới cho nhân loại và ơn gọi của hài nhi là loan báo cho mọi người biết đây là tất cả điều sắp xảy ra.  Ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét đã được phúc có sự sống mới này vào những năm về già.  Tiếp đến, khi chứng kiến phép lạ sinh muộn cũng như việc Da-ca-ri-a bị câm và nói lại được, dân chúng nhận ra là Thiên Chúa đang trực tiếp hành động trong các biến cố.  Họ biết họ đang ở ngưỡng cửa của mầu nhiệm.

*  Mỗi cuộc sinh ra đều có lý do để vui mừng. Bất cứ sự sống nào (kể luôn sự sống của chúng ta) đều được Thiên Chúa an bài dành cho một mục đích độc đáo và luôn đáng được ăn mừng và tạ ơn.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 24 tháng 12

Lu-ca 1:67-79

 

Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:68 "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, 70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa:71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước;73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,74 và cho ta chẳng còn sợ hãi,75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.76 Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,77 bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.
78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

 

*  Đã thấm nhuần trong những lời tiên tri Cựu Ước từ lâu, ông Da-ca-ri-a có đủ kiến thức để biết rằng các sự việc sẽ không xảy ra bất ngờ và lạ lùng nếu dân Chúa không ở ngay ngưỡng cửa của thời đại mới.  Đây phải là thời đại của bình an, phong phú và danh dự, giống như thời đại đã được hứa trước kia, khi vua Đa-vít chứng tỏ ông đã đủ mạnh để đẩy lui mọi thù địch.  Giờ đây phải là điểm đầu tiên bước vào một bình minh mới và ánh sáng chói lọi của sức mạnh Thiên Chúa, khi Người từ trên cao tỏ mình ra cho dân Người là những kẻ đang ngụp lặn trong bóng tối tội lỗi và sự chết.

*  Rồi vị tiền hô loan báo Chúa đến gần sẽ không phải ai khác ngoài trẻ sơ sinh Gio-an.  Tất cả chúng ta có thể cầu xin cho mình để trong cuộc sống được sáng suốt như ông Da-ca-ri-a, hầu nhận ra được những dấu chỉ thời đại bằng cách quan sát dấu vết của những điều Chúa tích trữ dành cho chúng ta.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 25 tháng 12

Lễ Sinh Nhật của Chúa Giê-su

Lu-ca 2:15-20

 

Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết."16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

 

*  Chúng ta được biết rằng do chiếu chỉ của hoàng đế Rô-ma, Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se phải trở về Bê-lem.  Hoàng đế Augustô tự hào là người đem lại hòa bình cho toàn thế giới.  Nhưng tại Bê-lem, chúng ta bái thờ Chúa Giê-su là Thái Tử Bình An vừa ra đời, Đấng đem bình an trọn vẹn và ơn cứu độ đến cho dân Người.  Bình an của Người là thứ bình an bao gồm sự an toàn trước kẻ thù, sự thịnh vượng, nguyên vẹn và hạnh phúc.  Hôm nay tôi cầu xin cho cộng đoàn của tôi được bình an.

*  Bình an này không thể gặp thấy tại những đền đài, nhưng ở giữa những người bé mọn, những người của Thiên Chúa, thí dụ những lữ hành như Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se, cùng các người chăn chiên.  Tôi cảm tạ Chúa vì bình an Người ban cho tôi hôm nay và mọi ngày nhờ Chúa Giê-su đến.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 26 tháng 12

Lễ thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi

Mát-thêu 10:17-22

 

"Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.21 "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

 

*  Vào ngày Giáng Sinh đầu tiên, chúng ta được dạy rằng trời xuống với đất và đất lên với trời.  Chúa Giê-su đã tham dự vào sự sống chúng ta trên mặt đất này rồi nhờ cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người, con đường mở ra đón nhận các môn đệ Người trên trần gian để họ được hưởng sự sống trên thiên đàng.  Ngày 25 tháng 12, chúng ta kính nhớ Chúa Giê-su đến trần gian, rồi ngay hôm sau, 26 tháng 12, chúng ta tưởng nhớ thánh Tê-pha-nô, người môn đệ Chúa Giê-su, như là người đầu tiên vào thiên đàng qua việc tử đạo.

*  Chúa Giê-su tự nguyện từ bỏ vinh quang trên trời để đến chia sẻ sự sống của chúng ta dưới trần gian.  Rồi đến lượt các Ki-tô hữu, họ cũng thường từ bỏ những đặc ân trần thế, thậm chí khi chịu tử đạo, từ bỏ quyền tự do được sống để xứng đáng hưởng sự sống trên thiên đàng.  Cuộc tử đạo đã xảy đến cho Tê-pha-nô và chúng ta có thể bảo rằng cuộc tử đạo ấy cũng sẽ xảy ra cho bất cứ ai trong chúng ta.  Hiểu trước như thế, chúng ta sẽ phải can đảm, không những biết phản ứng lại bằng lời nói mà còn phải thắng vượt chính thử thách nữa.  Tuy nhiên Chúa Giê-su bảo đảm với chúng ta rằng Thánh Thần của Người, Đấng đang hoạt động thay Chúa Giê-su trên mặt đất này, sẽ ở với chúng ta để ban sức mạnh cho chúng ta.

_______________

 

 

 

Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12

Lễ thánh Gio-an, Tông đồ và tác giả sách Tin Mừng

Gio-an 20:1-8

 

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

 

*  Có thể không công bằng khi nói rằng người này có đức tin mạnh hơn người kia, nhưng câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho chúng ta bức tranh hai người môn đệ Chúa Giê-su.  Bạn có thể nói rằng điểm mạnh của ông Phê-rô là hành động và điểm mạnh của ông Gio-an là tin.  Tôi hãy tưởng tượng mình sẽ như thế nào nếu tôi đi ra ngôi mộ trống?

*  Ông Phê-rô luôn quảng đại xông xáo trong mọi việc, còn ông Gio-an thì lại muốn thận trọng cân nhắc.  Lối sống trái ngược của hai người hiển nhiên khi họ đến ngôi mộ trống Chúa Giê-su Phục Sinh đã bỏ lại.  Ông Phê-rô hối hả bước vào trong và bận rộn;  còn ông Gio-an thì dành thì giờ suy nghĩ rồi kinh ngạc.  Dùng những lời của một người được kể trong sách Tin Mừng, chúng ta cầu xin:  “Lạy Chúa, con tin.  Nhưng xin Chúa thêm lòng tin cho con”.  Rồi chính việc cầu xin ấy sẽ xác định cho mức độ đức tin.

_______________

 

 

 

Thứ Bảy, ngày 28 tháng 12

Lễ Các thánh Anh Hài tử đạo

Mát-thêu 2:13-18

 

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 "Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

 

*   Sau khi tường thuật thiên thần chào mừng Hài Nhi là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi” mà người ta đã mong đợi từ lâu, thánh sử Mát-thêu không bỏ lỡ thời giờ mô tả Hài Nhi Giê-su, ngay trong những biến cố đầu tiên cuộc đời, đã là kho tàng lịch sử của dân Thiên Chúa tuyển chọn.  Dân Thiên Chúa thường coi mình là con đầu lòng của Thiên Chúa và được Người rất yêu thương.  Thánh Gia phải chạy trốn sang Ai-cập, một nơi đầy mỉa mai gợi lại việc dân Do-thái đã trải qua bao thế hệ làm nô lệ.  Có phải là điều thật bất thường khi Chúa đem chúng ta trở về nơi chúng ta bị thương để chúng ta được chữa lành và bắt đầu lại không?

*  Dân được tuyển chọn vẫn còn phải trải qua thử thách, nào là những bà mẹ đang than khóc vì xa cách con cái đã chết hoặc bị đày ải.  Dân của Chúa Giê-su đã trải qua bao khó khăn, thì chúng ta cũng vậy.  Chúng ta cũng vậy đang khi bước theo đường lối Thiên Chúa và học tín thác nơi Người trong những lúc thăng trầm.  Lạy Chúa, xin giúp con chuẩn bị cho cuộc hành trình trước mặt.

 

 


Không Gian Thánh Thiện 2019 - Sacred Space