TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 20 – 26 tháng 9 năm 2020)

 

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Tha thứ là điều có thể làm, ngay trong những tình huống tai hại phũ phàng mà người này gây ra cho người kia, bởi vì chúng ta đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.  Thiên Chúa tha thứ cho ta vì tội ta đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá.  Rồi như giám mục Tutu thuộc Anh giáo nhắc nhở chúng ta, tương lai của chúng ta và của thế giới cũng như công trình yêu thương của Thiên Chúa trong thế giới tùy thuộc vào khả năng chúng ta có thể xin người khác tha thứ chúng ta và chúng ta tha thứ cho người khác.  Trong một bài viết của Alex Perry về tác phẩm nhạc kịch Truth in Translation, giám đốc Michael Lessac nói rằng ông muốn kể lại câu chuyện về “bước cách mạng dành cho nhân loại” khi Nam Phi châu “đã làm một điều mà không quốc gia nào trên thế giới này làm được:  đó là tha thứ cho quá khứ để tồn tại cho tương lai”.  Trong cùng bài viết ấy, Nelson Mandela nói về từ ubuntu của châu Phi ám chỉ sự kiện mọi người bất kể mầu da, tôn giáo hoặc tình trạng bạn hay thù, đều ràng buộc với những người khác.  Mandela nói:  “Vấn đề là bạn có giúp cho cộng đồng chung quanh bạn được hoàn hảo không?”  Vậy thì tha thứ sẽ làm cho các cộng đồng của chúng ta nên hoàn hảo.

-  William A. Barry, SJ, Changed Heart, Changed World

 

 

Sự hiện diện của Chúa

“Hãy lặng thinh và biết rằng Ta là Thiên Chúa!”  Lạy Chúa, lời Chúa đã đưa con đến với vẻ thinh lặng và cao cả của việc Chúa hiện diện.

 

Sự tự do

Xin để tôi đây,

một mình trong phòng tối,

không ánh sáng mặt trời,

cũng chẳng có một người,

sẽ nói chuyện với tôi. 

Nhưng chính thinh lặng ấy,

đã giải thoát tôi rồi!

        - Trích từ một bài thơ của Chân phước Titus Brandsma,

        được sáng tác đang khi ngài là một tù nhân trong trại tập trung Dachau

 

Ý thức

Biết rằng Chúa yêu thương tôi vô điều kiện, tôi có thể thành thực về chính con người mình.

Ngày hôm qua ra sao và hiện giờ tôi cảm thấy thế nào?  Tôi cởi mở chia sẻ cảm nghĩ của tôi với Chúa.

          

Lời Chúa

Tôi dành thời giờ đọc chậm chậm lời Chúa vài lần, để cho mình dừng lại ở điều nào đánh động tâm hồn tôi.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu muốn.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, đôi khi con thắc mắc không biết phải nói gì nếu con gặp gỡ Chúa.  Con nghĩ con có thể nói “Tạ ơn Chúa”, vì Chúa luôn ở đó với con.

 

Kết thúc

Tôi cám ơn Chúa về những lúc Chúa và tôi đã ở với nhau và về những ơn Người đã soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

Tuần 25 Thường niên

Chúa Nhật, ngày 20 tháng 9

Mát-thêu 20:1-16

 

"Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.4 Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng."5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? "7 Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! "8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất."9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:12 "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt."13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? "16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

 

*  Ghen tương là thứ độc hại nhất trong số các tội trọng.  Không những kẻ ghen tương ghét cay ghét đắng người khác vì những thứ người ta có, mà họ còn ghét chính bản thân vì họ không có được những thứ đó nữa.  Tất cả chúng ta đều là thợ làm việc trong vườn nho của Chúa.  Mỗi người chúng ta có thể tin rằng Chúa sẽ đối xử với ta không những công bằng mà còn quảng đại nữa.

*  Với lòng nhân từ, chủ vườn nho đã thưởng công tất cả bằng nhau.  Vậy đâu là lúc tôi bị cám dỗ coi công việc và thời giờ của mình là giá trị hơn người khác?

_______________

 

Thứ Hai, ngày 21 tháng 9

Lễ thánh Mát-thêu, tông đồ và tác giả sách Tin Mừng

Mát-thêu 9:9-13

 

Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy? "12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

 

*  Chắc chắn Chúa Giê-su là một vị lãnh đạo phi thường, có thể kêu gọi Mát-thêu bỏ công ăn việc làm, với bao người quen biết và giao dịch, để đi theo Người:  “Ông đứng dậy và đi theo Người”.  Đó là một lựa chọn đem lại niềm vui, niềm vui Mát-thêu muốn chia sẻ với các đồng nghiệp.  Vậy tôi có mở lòng để theo đuổi những gì Chúa kêu gọi tôi không?  Đó là niềm vui hay là một hy sinh đối với tôi?  Tôi có chia sẻ điều này với người khác không?

*  “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải của lễ”.  Đây là hai cái nhìn về tôn giáo hoàn toàn đối nghịch nhau:  Tôn giáo trước hết là tuân giữ lề luật hay tôn giáo là mối tương quan yêu thương và nhân từ với Thiên Chúa và với người khác?  Cuộc tranh luận này rất sôi nổi trong thời Chúa Giê-su cũng như ngày nay, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong mỏi chúng ta hãy đặt lòng nhân từ vào trung tâm đời sống Ki-tô hữu để đem lại những hiệu quả thực tiễn.  Tôi xin ơn hiểu được ý nghĩa của tất cả điều này, để biết chọn lựa cho đúng.

_______________

 

Thứ Ba, ngày 22 tháng 9

Lu-ca 8:19-21

 

Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.20 Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy."21 Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

 

*  Nghe lời và đem ra thực hành:  Đối với Chúa Giê-su, hai động từ nay đi song song với nhau.  Có lần Chúa đã nói rằng những ai làm như vậy thì giống như kẻ xây dựng đời mình trên nền bằng đá chứ không phải bằng cát, để họ được mạnh mẽ giữa mọi khó khăn.

*  Chúa Giê-su đồng hóa những ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành là những người thân cận như mẹ và anh chị em của Người.  Tôi cảm tạ Chúa Giê-su về nghĩa cử cao cả này, và tôi xin ơn có thể đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống của tôi, không phải như là sự bó buộc, mà là một đặc ân.

_______________

 

Thứ Tư, ngày 23 tháng 9

Lễ thánh Piô Pietrelcina, linh mục

Lu-ca 9:1-6

 

Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

 

*  Chúa Giê-su muốn chúng ta sống giản dị chứ đừng lỉnh kỉnh mang theo những lo lắng vô bổ.  Thực chúng ta khó mà loan báo Tin Mừng được nếu cứ lo lắng với những chi tiết lặt vặt vô ích.  Chúng ta có thể ra đi loan báo Tin Mừng một cách nhẹ nhàng hơn nếu có thể làm những gì là quan trọng đối với Chúa Giê-su và đối với chúng ta.

*  Môn đệ Chúa Giê-su vẫn phải ra đi dù họ không được tiếp đón.  Sự thù nghịch giống như bụi bám vào chân và cản trở sự phát triển.  Cuộc sống cá nhân chúng ta cũng giống như vậy.  Việc cầu nguyện này mời gọi chúng ta hãy buông đi khỏi chúng ta cũng như người khác lòng thù nghịch, ác cảm và gây tổn thương.

_______________

 

Thứ Năm, ngày 24 tháng 9

Lu-ca 9:7-9

 

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy."8 Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! " Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại."9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? " Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

 

*  Vua Hê-rốt đã cho chém đầu thánh Gio-an Tẩy giả, nhưng giờ đây Chúa Giê-su lại xuất hiện công khai.  Hê-rốt bối rối và lo âu.  Ông ta rất muốn gặp Chúa Giê-su, nhưng sợ hãi và lương tâm xấu xa lại đàn áp ước muốn của ông.  Người môn đệ đích thực thì ước muốn gặp Chúa Giê-su nhờ đức tin đầy tràn và được thân thiết với Người mỗi ngày một sâu xa hơn.

*  Lạy Chúa, đức tin là điều kiện tiên quyết để gặp gỡ Chúa.  Chỉ khi thực sự tiếp nhận Chúa và sống theo lối sống của Chúa, con mới hy vọng được gặp Chúa.  Lạy Chúa, xin củng cố đức tin của chúng con.

_______________

 

Thứ Sáu, ngày 25 tháng 9

Lu-ca 9:18-22

Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai? "19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại."20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa."21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

 

*  Dân chúng căn cứ vào lịch sử để nhận ra cách Thiên Chúa đã hành động thế nào trong quá khứ.  Còn môn đệ Chúa Giê-su thì nhận biết Thiên Chúa đang hành động giữa họ trong hiện tại.  Tôi cảm tạ Chúa về lịch sử của chính tôi, về câu chuyện của tôi.  Khi nhận ra bàn tay Thiên Chúa đã hành động ở đâu, tôi sẽ cầu xin để tôi biết  tin rằng chính Chúa đang hành động, để tôi đặt hy vọng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và để tôi được mạnh mẽ mà sống theo Lời Chúa.

*  Đây là một thời điểm quan trọng trong đời Chúa Giê-su.  Người hỏi câu hỏi cốt lõi của đức tin và thần học Ki-tô giáo: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trở thành phát ngôn viên cho nhóm nhỏ những kẻ tin Chúa.  Mãi sau này họ mới hiểu được Đấng Mê-si-a là ai đúng theo ý Chúa Giê-su.  Đau khổ, chối bỏ và cái chết đang chờ đợi Chúa, nhưng tiếp theo là vinh quang.  Lạy Chúa, để bước theo Chúa, con cũng phải tự mình khám phá ra Chúa là Đấng nào.  Xin ban cho con ơn được bước theo hành trình đức tin này.  Xin cho con đừng giữ Chúa ở một khoảng cách khi con vây quanh mình tấm lá chắn để bảo vệ, nhưng xin giúp con mỗi ngày biết đón nhận Chúa trên đường làm môn đệ cùng với nỗi đau đớn cũng như niềm vui mừng.

_______________

 

Thứ Bảy, ngày 26 tháng 9

Lu-ca 9:43b-45

 

Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời."45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

 

*  Chúng ta không thể không ngưỡng mộ tài năng của thánh sử Lu-ca khi ngài diễn tả nét tương phản sâu xa giữa sự kiện mọi người kinh ngạc về những điều Chúa Giê-su làm với sự kiện họ không hiểu biết gì về đau khổ sắp tới của Chúa.  Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ tỏ ra cho ta biết sự vĩ đại của Thiên Chúa qua việc Người chịu đau khổ vì chúng ta.

*  Giống như các môn đệ, chúng ta khiếp sợ đau khổ và tính cách vô nghĩa của nó như ta thấy bề ngoài.  Vậy tôi đưa vào giờ cầu nguyện này một đau khổ nào đó của tôi và gắng hỏi Chúa Giê-su xem đau khổ ấy nghĩa là gì.


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space