TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 19 – 25 tháng 9 năm 2021)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thánh Inhaxiô tin rằng khi chúng ta vượt trên mọi thứ bề ngoài của cuộc sống, và trên tất cả những vai trò của chúng ta đang có, chúng ta sẽ khám phá ra những ước ao sâu xa nhất của mình là những ước ao theo đúng với những gì Chúa hy vọng nơi chúng ta, giống như bậc cha mẹ hy vọng nơi con cái họ.  Điều này được hiểu như là thánh ý Chúa dành cho một người, ngược lại với cách người đời hiểu là Chúa chủ động giật dây, kéo các sợi dây của con rối cho hợp với kịch bản của Người.  Ý tưởng về Thiên Chúa như thế sẽ thiếu vắng sự tự do của con người và diễn tả Thiên Chúa là Đấng không thể tín thác hay tin kính được.  Nếu hiểu Thiên Chúa như vậy, thì người bạn của tôi bị xe đụng đang đóng vai nạn nhân của sự sắp đặt từ trước để phù hợp với kịch bản của Thiên Chúa.  Một thứ Thiên Chúa vô lý như thế hay sao?  Tuy nhiên thật đáng buồn, vẫn có nhiều người tin vào một Thiên Chúa như vậy!  Thật không may, đó thường là trường hợp khi một người nói rằng người ta không tin Thiên Chúa, nhưng điều người ta thực sự muốn nói, đó là họ không tin vào những hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa mà bất cứ ai nhạy cảm cũng sẽ loại bỏ.

        Điều mới lạ của thánh Inhaxiô là Chúa nói với chúng ta trong cõi thâm sâu tâm hồn qua những ước muốn, tư tưởng và cảm nghĩ của ta.  Dường như chúng ta đã được sắp đặt để nên giống như Chúa, nhưng vì mọi thứ lý do phức tạp mỗi ngày một nhiều hơn nên chân lý của việc chúng ta hiện hữu vẫn có thể vuột khỏi chúng ta.  Những điều thánh Inhaxiô gọi là các ước muốn vô trật tự có thể thắng thế nơi chúng ta:  sự kiêu căng, tham lam, sợ hãi, chủ nghĩa hoàn hảo, lòng ham không đáy muốn được nhìn nhận lập tức do truyền thông xã hội khơi lên, bị khích động quá độ, muốn được phục vụ 24/7, không nhận thức được chúng ta chỉ là người quản lý chứ không phải là ông chủ của mọi tạo vật, bị ám ảnh do quyền thế và địa vị, hội chứng “tôi hơn anh/chị”, cùng với mọi thứ lôi cuốn khác đang đưa chúng ta xa Chúa, xa chúng ta và xa người khác, bỏ mặc chúng ta trong trạng thái quay cuồng xúc động, kích thích và kiệt quệ.

        Giá trị làm người của tôi không được xác định do những gì tôi có.

-  Jim Maher, SJ, What’s It All About?

 

Sự hiện diện của Chúa

Đang khi tôi ngồi đây, tiếng trái tim đập, lồng ngực phập phồng hơi thở, những chuyển động của trí khôn, tất cả đều là những dấu chỉ nói lên công cuộc Chúa tạo dựng con người tôi vẫn đang tiếp diễn.  Tôi dừng lại một chút để ý thức sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn tôi.

 

Sự tự do

Thật dễ dàng bị vướng mắc vào cạm bẫy của giàu có trong cuộc đời này.

Lạy Chúa, xin ban cho con được tự do thoát khỏi sự tham lam và ích kỷ.  Xin Chúa nhắc nhở con rằng những điều tốt nhất trên đời này là miễn phí:  tình yêu, tiếng cười, sự chăm sóc và chia sẻ.

 

Ý thức

Biết Chúa yêu thương tôi vô điều kiện, tôi có thể thành thực về con người mình.  Ngày hôm qua tôi thế nào và hiện giờ tôi cảm thấy ra sao?  Tôi cởi mở chia sẻ những cảm nghĩ của tôi với Chúa.

 

Lời Chúa

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm người phàm để cảm thông với con.  Chúa đã bước đi và làm việc trên mặt đất này.  Chúa đã chịu đựng nóng bức và phấn đấu với giá lạnh.  Chúa đã dành tất cả thời giờ sống trên trái đất này để chăm sóc cho nhân loại.  Chúa đã chữa lành kẻ ốm đau bệnh tật, Chúa đã cho người chết sống lại.  Nhưng quan trọng nhất, Chúa đã cứu con khỏi sự chết.

(Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, con tự hỏi không biết phải nói gì nếu con gặp riêng Chúa.  Con nghĩ con có thể thưa “Cảm tạ Chúa” vì Chúa luôn hiện diện ở đó vì con.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi đã cùng ở với nhau và về những ơn Người soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

 

Tuần 25 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 19 tháng 9

Mác-cô 9:30-37

 

Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

             33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? "34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

 

*  Dĩ nhiên Chúa Giê-su có thể diệt tận gốc sự dữ khỏi thế giới chúng ta;  dĩ nhiên Người có thể vô hiệu hóa mọi kẻ thù của Người chứ.  Nhưng thực là một mầu nhiệm đối với chúng ta khi Người lại chọn cách khác.  Người chịu đựng tất cả những gì thế gian ném vào Người và Người đáp lại thế gian với tình yêu cao cả, và như vậy Ngươi giúp chúng ta đối phó với sự khốn nạn của chúng ta.  Tuy nhiên, dù điều ấy là đáng khâm phục, nhưng chưa đủ đâu.  Cho nên bạn hãy lưu ý, khi báo trước cho các môn đệ biết cuộc Thương khó, Chúa luôn nói thêm Người sẽ sống lại.  Trong các sách Tin Mừng, không có cuộc Thương khó mà thiếu sự Phục sinh.  Đau khổ cùng cái chết liên kết chặt chẽ với sự sống đời sau.  Cả hai là hai mặt của đồng tiền.  Sự dữ thi hành vai trò của nó và cuối cùng bị chinh phục do sự sống đời đời và niềm vui.  Lời sau cùng của Chúa là:  tình yêu Thiên Chúa chinh phục tất cả.

_______________

 

Thứ Hai, ngày 20 tháng 9

Lu-ca 8:16-18

 

"Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."

 

*  Mỗi câu nói ở đây đều liên quan đến vai trò của người môn đệ.  Không thể có môn đệ vô danh.  Tin Mừng kêu gọi chúng ta hãy sống trong ánh sáng và chân lý, bất chấp phải trả giá như thế nào.  Môn đệ bí mật là vấn đề mâu thuẫn, bởi vì hoặc sự bí mật sẽ giết chết môn đệ, hoặc môn đệ sẽ giết chết sự bí mật.

*  Lạy Chúa, làm Ki-tô hữu hôm nay là một thử thách.  Bao lần phấn đấu, con bị cám dỗ giấu đi ánh sáng của con, làm kẻ vô danh, im lặng vì xấu hổ.  Lạy Chúa, khi tim đèn của con vật vờ và sắp tắt, xin Chúa củng cố ánh sáng của nó và cho con lại làm kẻ mang đèn, làm cái phao hy vọng cho tất cả những ai con gặp gỡ hằng ngày.

_______________

 

Thứ Ba, ngày 21 tháng 9

Lễ thánh Mát-thêu, tông đồ và tác giả sách Tin Mừng

Mát-thêu 9:9-13

Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình.2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi! "3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng."4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?5 Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn?6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà! "7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

             9 Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.

 

*  Chúa Giê-su không loại trừ ai, ngay đến “những kẻ thu thuế và phường tội lỗi” cũng được Người đón tiếp.  Họ thay mặt cho những người có nghề nghiệp và địa vị xã hội không được người ta kính trọng.  Nhưng Chúa Giê-su cho thấy Người đã đến thế gian vì hết mọi người, không ngoại trừ ai, nhất là những kẻ yếu đuối và dễ bị tổn thương, kẻ “ốm đau” và “tội lỗi”.

*  Quả thực Chúa Giê-su đón tiếp và cảm thông với hết mọi người khi Chúa thi hành sứ vụ!  Tôi tự hỏi mình có kỳ thị những cá nhân hoặc nhóm nào không.  Lạy Chúa, xin giúp con nên giống Chúa hơn trong tư tưởng, lời nói và việc làm.  Xin Chúa làm cho con có trái tim to lớn hơn.

_______________

 

Thứ Tư, ngày 22 tháng 9

Lu-ca 9:1-6

 

Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

 

*  Đây là một đoạn Tin Mừng khiến người ta rất hoảng sợ nếu hiểu theo nghĩa đen.  Dường như đoạn Kinh Thánh muốn nói rằng những ai hoàn toàn tận hiến cho Chúa thì sẽ được Chúa lo liệu qua lòng ưu ái của người khác.  Thánh Phanxicô Assisi đã từ bỏ gia tài của ngài nhờ mối tương quan tuyệt vời với Chúa.  Nhiều người lành thánh đã đi làm mọi sự cho Chúa thường tin tưởng vào sự cầu nguyện – nếu Chúa muốn như vậy thì Người sẽ lo liệu.

*  Nếu chúng ta có thể sống trong tinh thần ý thức rằng Chúa sẽ lo liệu mọi sự chúng ta đang có, rồi chúng ta sẽ biết rằng bất cứ điều gì chúng ta có đều là đã nhận được, như thế lời nguyện cảm tạ sẽ mang ý nghĩa sâu xa hơn.

_______________

 

Thứ Năm, ngày 23 tháng 9

Lu-ca 9:7-9

 

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy."8 Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! " Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại."9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? " Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

 

*  Bài Tin Mừng hôm nay làm sáng tỏ một điểm rất quan trọng:  chỉ biết về ai đó thôi thì khác hẳn với thực sự biết chính họ.  Nhờ ơn sủng, chúng ta có thể biết Chúa Giê-su, nên việc cầu nguyện của chúng ta là giao tiếp với một người bạn chứ không phải như với người quen.  Nếu bạn diễm phúc có vài người bạn thân, bạn sẽ hiểu được sự khác biệt.  Bạn hãy nhớ lại những lời Chúa Giê-su nói:  “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa…  Nhưng Thầy đã gọi anh em là bạn hữu” (Gio-an 15:15).  Bạn sẽ không bao giờ cô độc khi bạn đáp lại tình bạn của Chúa.

_______________

 

Thứ Sáu, ngày 24 tháng 9

Lu-ca 9:18-22

 

Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai? "19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại."20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa."21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

             22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

 

*  Có bao giờ bạn ngạc nhiên về những điều Chúa Giê-su nói đến khi Người cầu nguyện với Cha Người không?  Ở đây chúng ta có thể coi như Người đang nói về sứ mệnh của Người, cho nên khi nói xong, Người liền hỏi các tông đồ những gì người ta nói về Người.  Ông Phê-rô trả lời Người bằng một câu rất lạ.  Nhưng các tông đồ biết rõ Người đã được Thiên Chúa sai đến làm Đấng Mê-si-a, nên ông Phê-rô mới có thể nói lên điều này trong niềm tin đích thực.

*  Đời sống đức tin chúng ta đặt nền tảng trên sự kiện bản thân chúng ta đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su.  Chúa rất quý trọng hành vi đức tin vào Người của chúng ta, nhất là khi chúng ta cảm tạ Chúa vì tình yêu sâu xa Người đã tỏ ra qua cuộc Thương khó, sự chết và phục sinh của Người.  Đây chính là không gian để chúng ta cầu nguyện với Chúa – nghĩa là từ nơi chốn cảm tạ trong tâm hồn chúng ta.

_______________

 

Thứ Bảy, ngày 25 tháng 9

Lu-ca 9:43b-45

 

Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.

             44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời."45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

 

*  Các môn đệ cần một số điểm gợi ý ở đây!  Họ không thể chấp nhận việc Chúa Giê-su sẽ bị phản bội.   Tại sao có ai lại phản bội Người đang khi Người làm những việc quá tốt lành và Người đang ở đỉnh cao quyền năng cũng như nổi tiếng?  Nhưng khi tôi cảm thấy chính mình bị phản bội, thì tôi mới vui mừng vì thấy cuộc đời của Chúa đã mang hình thức như thế.  Quá nhiều người cảm nghiệm sự phản bội, rồi cuộc đời của nhiều người bị cắt ngắn do ác tâm của người khác giống như cuộc đời của Chúa.  Tôi được mạnh mẽ nhờ sự kiện Con Thiên Chúa cảm nhận được nỗi buồn phiền do kinh nghiệm cá nhân của Người và sự kiện Người đã biết đương đầu với nỗi buồn phiền ấy và từ đó đem lại lợi ích lớn lao nhờ tình yêu của Người.

*  Lạy Chúa, khi mọi sự trở nên xấu  và con phải chán nản thì xin Chúa nhắc nhở con nhớ đến cuộc Thương khó của Chúa.  Khi ấy con sẽ có thể tiếp tục, vì tin rằng Chúa đã tận diệt sự dữ của thế gian từ căn rễ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space 2021