BAO DUNG VÀ CHỜ ĐỢI

Chúa Nhật XVI Thường Niên năm A : Mt 13, 24-30

 

Suy niệm

Nếu Thiên Chúa là Đấng toàn năng, thánh thiện, thì tại sao cuộc sống con người vẫn luôn đầy những đau khổ, bệnh tật, chết chóc? Đứng trước tình trạng cỏ lùng ở giữa lúa, những người đầy tớ trong bài Tin Mừng cũng đã hỏi chủ ruộng: “Vậy cỏ lùng tự đâu mà có?”. Chủ trả lời là do kẻ thù đã làm điều đó, nghĩa là do quỉ dữ đã gieo vào. Nhưng sao chủ lại không cho đầy tớ diệt cỏ lùng? Vì chủ sợ làm như vậy có thể làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên tới mùa gặt.

Thiên Chúa để cho cỏ lùng mọc chung với lúa, kẻ xấu sống chung với người tốt. Chúa chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn. Ngài nhẫn nại với tội nhân, không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống (Ed 18, 23). Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được, nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt, tội nhân có thể thành thánh nhân. Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở chỗ bao dung và chờ đợi.

Thật ra, cỏ lùng và lúa nằm ở nơi con tim mỗi người, luôn đong đưa giữa thiện và ác, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa thiên thần và Satan. Nếu Thiên Chúa thẳng tay diệt trừ theo lẽ công bình thì mỗi người chúng ta chắc không ai thoát được (x. Ga 8, 3-11). Trước mặt Chúa chẳng ai là người công chính (Rm 3, 10). Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt.

Mảnh ruộng nào cũng luôn có có cỏ lùng và lúa. Trong môi trường nào cũng có đủ hai hạng người ấy: triều đình nào cũng có những trung thần và nịnh thần; xã hội nào cũng có những thanh quan và tham quan; tôn giáo nào cũng có những người thành tín và bất trung. Sự hiện diện của người xấu cũng là tiếng chuông cảnh báo về bản thân tôi. Satan vẫn lợi dụng thời cơ để lén lút gieo vào trong tôi những hạt giống cỏ lùng, và gây nên những hư hại cho những người xung quanh: một thái độ hững hờ, thiếu quan tâm cũng đủ gây nên buồn phiền cho bạn hữu; một hành vi thiếu tế nhị và tôn trọng cũng đủ gây thương tổn cho tha nhân; một chút nóng giận, khích bác, hay vênh vang tự đắc cũng đủ gây bất hòa trong cộng đoàn; một lời nói vô ý thức hay một hành động thiếu trách nhiệm cũng đủ gây ra tai hoạ cho người khác…

Nếu tôi không cảnh giác, sẽ có nhiều điều xấu xa xâm nhập vào lòng trí mình. Nếu tôi không luôn đặt mình ở trước mặt Chúa trong mọi công việc, thì đời sống tôi dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành. Do hậu quả của tội nguyên tổ, con người dễ bị cám dỗ và hướng chiều theo điều xấu, dễ tự mâu thuẫn và bất đồng ngay trong chính bản thân. Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô về việc tốt muốn làm mà lại không làm, cũng là kinh nghiệm hằng ngày của mỗi người chúng ta khi đứng trước những lựa chọn.

Nhưng rồi tiến trình hoàn thiện vẫn đang ở phía trước, hướng mọi người vươn tới sự thiện hảo là chính Đức Kitô. Chúng ta không dung túng sự dữ, nhưng cũng không bạo động để chống lại ác nhân; không che chắn cho những điều xấu xa, nhưng vẫn nhẫn nại biến đổi trái tim của kẻ thù, vì tin vào sức mạnh của tình yêu. Chúng ta cũng không hy sinh kẻ khác nhưng hy sinh chính mình, để xây dựng một thế giới hòa bình. Đó cũng chính là con người Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay, mà chúng ta phải trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
khi để cho cỏ lùng mọc chung với lúa,
Chúa chấp nhận có vàng thau lẫn lộn,
cho dù nhiều hỗn độn và nhiễu nhương,
Ngài vẫn yêu thương nhẫn nại với tội nhân,
vẫn kiên trung và chờ đợi đến cùng.

Chúa cho chúng con biết,
không tránh được kẻ thù gieo tai ác,
gây đau thương và chua chát phận người,
làm hư hại cho cuộc sống đẹp tươi,
mà từ thuở ban đầu Chúa tạo dựng.

Chúa mời gọi chúng con,
hãy kiên tâm đừng vội chấp những sai lầm,
đừng nôn nóng mà loại trừ người xấu,
cần nhìn vào chiều sâu và có lòng cảm thấu,
càng không nên khinh thị hay đối đầu.

Chúa cũng cho chúng con hiểu,
cỏ lùng và lúa ngay trong lòng,
vẫn đong đưa giữa điều dữ với điều lành,
giữa hòa đồng và mâu thuẫn không thể tránh,
giữa sự thiện và sự ác vẫn phân tranh.

Nhìn lại bản thân cho con thấy,
những sai phạm và thiếu sót hằng ngày,
vẫn có những sa lầy trong cuộc sống,
để con đừng chủ quan và tự mãn về mình,
nhưng luôn biết khiêm nhường và chấn chỉnh.

Chính bản thân con còn chưa tốt,
nên luôn cần thông cảm với mọi người,
đừng bao giờ thành kiến hay phê phán,
càng không được xét đoán hay lên án,
nhưng âm thầm tìm cách thế nhẹ nhàng,
mở đường dẫn lối trong tình bạn,
đồng hành khuyến khích bảo ban nhau.

Xin Chúa thương thanh luyện,
để mọi sự nơi con trở thành tốt,
và từ tâm nhẫn nại với tha nhân,
cố gắng biến kẻ thù thành bạn hữu,
chờ mùa gặt tới phúc thiên thu. Amen.

(Trích sách: Lời nguyện của người trẻ, số 49)

LM. Thái Nguyên

 

 

 

 


Suy Niệm Đời Chúa