Trọn Bộ

Năm Cuốn

Tái Bản Lần 1

Theo Phương Pháp Thực Hành Tâm Tình

 

Nguyện ngắm gồm ba yếu tố chính: Suy niệm, tâm tình và dốc quyết. Mỗi yếu tố có vai trò và nhiệm vụ riêng biệt. Suy niệm soi sáng và thuyết phục trí khôn. Tâm tình sưởi nóng trái tim, khơi dậy lòng quảng đại. Và cuối cùng dốc quyết hướng dẫn ý chí đi đến kết luận thực hành.

 

PHẦN SUY NIỆM

1.  Là phương thế thiết yếu

Trái tim chúng ta chỉ xúc động và ý chí chúng ta chỉ cương quyết trước những lý lẽ thâm sâu khả dĩ chinh phục được tâm trí. Các lý lẽ vững mạnh nếu chỉ suy niệm hời hợt, cũng không đủ sức làm rung động tâm hồn chúng ta.

2.  Phương pháp thực hành  

Nên đi sâu vào đề tài bài suy niệm. Đọc qua từng chi tiết. Nếu là một biến cố, hãy coi như đang diễn ra trước mắt. Nếu là một chân lý, hãy cố gắng tìm ra những lý lẽ vững mạnh. Các tác giả mỗi người trình bày một phương thế để đạt tới hai kết quả này.

Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta có thể lần lượt xét qua nơi chốn với mọi sắc thái riêng biệt, các nhân vật cùng với thái độ, lời nói và hành động của họ. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng đón nhận những bài học quý báu trong tinh thần đức tin.

Một vài đề tài có thể trình bày theo lối áp dụng được vào giác quan. Chẳng hạn khi đề cập đến cuộc tàn sát các thánh Anh Hài, ta nhìn thấy cảnh tượng giết hại: Các đao phủ, các Hài Nhi và các bà mẹ. Ta nghe thấy tiếng kêu la than khóc. Mùi máu nồng tanh bay đến mũi ta, khiến ta có cảm tưởng như đang nhìn, đang sờ lên những thi hài bé bỏng đầy thương tích. Diễn tiến như vậy có ưu điểm là gợi lên được nhiều ý tưởng mạnh mẽ đập vào giác quan và tâm trí ta. Khi thiếu tự nhiên và xa thực tế, dùng cách thế này không có lợi.

Ở trường hợp thứ hai tức là khi đế cập đến một chân lý, ta cần phải suy nghĩ và nên dùng lý luận. Ta tìm cách khám phá bản chất của chân lý, cùng những đòi hỏi, lợi ích, vẻ đẹp, vai trò của chân lý trong chương trình Thiên Chúa, v.v.

 

3. Điểm phụ khuyết

Mấy chỉ dẫn trên thiết tưởng cũng quá đủ, vì quý bạn sẽ gặp thấy đầy đủ tất cả trong bộ sách này. Chúng tôi không ngần ngại quảng diễn rộng rãi từng đề tài để làm sáng tỏ vấn đề, hầu đưa ra nhiều khía cạnh khác nhau, giúp cho mỗi người dừng lại điểm nào thích hợp với mình.

 

4. Suy niệm không phải là mục đích

Chúng tôi xin kết thúc phần này bằng một lưu ý rất quan trọng: yếu tố suy niệm là một phương tiện cần thiết, nhưng không phải là một cứu cánh. Ở đây, chúng ta không làm công việc khảo cứu tìm tòi, vì một khi đạt tới cứu cánh rồi, thì vai trò hữu ích của suy niệm cũng chấm dứt. Thế nên, đôi khi chỉ một suy niệm, dù vắn tắt và đơn sơ thôi, cũng đủ để đạt tới cứu cánh. Sự kiện này thường diễn ra nơi các tâm hồn đạo đức, quen sống trong bầu không khí hồi tâm và quen thuộc khá nhiều với các chân lý. Tuy nhiên, nhiều bạn lại lầm tưởng rằng phải đọc hết mọi suy niệm trình bày trong sách, hay phải dừng lại ở phần này lâu giờ. Thực ra chỉ cần một tia sáng sống động chiếu vào chân lý đang suy niệm và khi từ đáy lòng bắt đầu nổi dậy biến động thánh thiện, lúc đó là lúc phải chuyển sang giai đoạn tâm tình, một giai đoạn có vai trò quan trọng hơn cả.

PHẦN TÂM TÌNH HAY CẢM NGHĨ

Mọi tâm tình đều nhắm tới: Thiên Chúa và linh hồn ta. Tâm tình hướng về Chúa để chiêm ngưỡng, thờ lạy, ca tụng Ngài và bày tỏ cùng Ngài mọi tình tự, cảm nghĩ do chân lý suy niệm hình thành. Tâm tình quay về với linh hồn để sưởi nóng, kích động, cải thiện và chuẩn bị tâm hồn tiến tới những kết luận thực hành.

 

1.  Vai trò và đặc tính khách quan của tâm tình

Điều quan trọng luôn luôn nên nhớ là mọi việc ta làm đều phải hướng về vinh danh Thiên Chúa. Đó là bổn phận tiên quyết của chúng ta. Và đó cũng là một trong những đặc ân cao cả nhất của Thiên Chúa đoái ban cho chúng ta. Chúng ta nhờ đấy mà sống và hành động như những tạo vật siêu nhiên tham dự vào bản tính Thiên Chúa. Nếu mọi hoạt động trong đời sống chúng ta đã có thói quen hướng về vinh danh Thiên Chúa, thì phần ‘tâm tình’này, chúng ta sẽ dễ dàng thực hiện, vì giai đoạn ‘tâm tình’trong giờ nguyện ngắm chính là giây phút để chúng ta tâm sự thân mật với Chúa. Nhiều tâm hồn thường hay ngộ nhận, nên chỉ dành cho việc quan trọng này một thời gian ngắn ngủi. Thậm chí có lúc họ bỏ luôn cả phần ‘tâm tình’, vì cứ nấn ná mãi trong phần suy niệm hay quá vội bước sang giai đoạn ‘hướng về bản thân’, hoặc sốt sáng đi tìm ‘điều dốc quyết.’ Họ tưởng như thế mới là thiết thực, nhưng họ đau biết rằng việc cải thiện tâm hồn là công việc siêu nhiên, nên việc trao đổi lâu dài với Thiên Chúa sẽ giúp linh hồn tiến bước trên đàng nhân đức rất nhiều. Sau đây chúng tôi xin trình bày cùng quý bạn những tâm tình ấy.

 

2. Biểu lộ những tâm tình chính yếu

Ngưỡng mộ 

Tâm tình này giáo huấn ta về đàng thiêng liêng. Tình cảm thức dậy trước nhất và hăng hái náo nức hơn cả đối với các chân lý về Thiên Chúa là lòng ngưỡng mộ. Quả thực các chân lý hàm chứa bao nhiêu nét đẹp đáng thương dễ mến và nhiều vẻ lạ lùng bất ngờ đáng được ngưỡng mộ. Giữa các chân lý và cảnh khốn khổ thấp hèn của chúng ta, nổi bật lên một tương phản lớn lao mà chúng ta cảm thấy bồi hồi xúc động, thậm chí đôi khi chúng ta bất lực không diễn tả nổi. Chớ gì lòng ngưỡng mộ luôn mặc lấy niềm xúc cảm này và chiếu giãi vào trí khôn để thuyết phục trí khôn. Lòng ngưỡng mộ tác động trên đời sống thiêng liêng chúng ta một công việc mà trên kia chúng ta định nghĩa là giáo huấn tâm hồn chúng ta trong đàng thiêng liêng.

Hãy đưa mắt nhìn xem vũ trụ, bạn sẽ tìm được bài học quí báu. Nơi bạn sống nói lên khí sắc hùng vĩ. Quần áo bạn mặc đủ màu đủ kiểu đáp ứng mọi sở thích. Không nơi nào bạn thấy tầm thường cả: từ cách ăn mặc đến việc giao du tiếp xúc đều nói lên vẻ hợp thời đúng điệu. Các nghệ thuật đã tác động vào cảnh vực này những tác động thần tình và lý tưởng nhất. Vẻ đẹp và sự hòa điệu của vạn vật từ muôn nơi vang vọng đến chúng ta và gợi lên trong chúng ta nhiều ấn tượng, sở thích và cảm tưởng về chúng.

Nhưng còn một cảnh vực huy hoàng, phong phú, hòa điệu và lý tưởng hơn ngàn lần tất cả kỳ công kiệt tác ấy, đó là cảnh vực của các chân lý Kitôâ giáo được am hiểu tường tận: Thiên Chúa. Đấng toàn thiện, hiện hữu qua mọi ưu điểm rực rỡ huy hoàng của Ngài và qua mọi thông giao lạ lùng với chúng ta. Đức Giêsu đã xuống thế làm người và là anh chúng ta. Ngài đến để móc nối Thiên Chúa với loài người bằng liên hệ mật thiết không phai mờ nhưng cao trọng, và thân tình hơn mọi liên hệ trần thế gấp muôn ngàn lần. Ngài để lại cho chúng ta cuốn Tin Mừng, một cuốn sách giáo huấn thượng thặng mà chính Ngài đã sống. Biết nói gì về hoạt động của Ngài nơi các linh hồn, về Phép Thánh Thể Ngài ban, về ân sủng qua các Bí Tích? Biết nói gì về người Mẹ thân yêu của Ngài đã trở thành người mẹ chúng ta, về Giáo Hội của Ngài? Đó là những kho tàng mà chúng ta có thể múc lấy để sinh sống qua giây phút nguyện ngắm. Tiếp xúc thường xuyên và mật thiết với kho tàng ấy, mọi ý nghĩ và sở thích cũng như tình cảm chúng ta trở nên siêu thoát và mặc lấy một phẩm giá cao đẹp trọngvọng nhằm thăng hóa linh hồn chúng ta trên đường tu đức.

Để đạt tới mục tiêu trên, trước hết chúng ta phải giãi bày các chân lý cao đẹp ấy ra ánh sáng. Đây là công việc và vai trò của ‘suy niệm.’ Thứ đến và quan trọng hơn là tâm hồn ta lĩnh hội, thấm nhuần và đồng hóa với các chân lý. Công việc này nhờ đến lòng ngưỡng mộ bề ngoài xem như chỉ là một cử chỉ dừng lại, và an nghỉ nơi đối tượng nhưng thực ra là một hoạt động phi thường. Nó điều động một công việc thầm kín sâu xa: cái mà ta ngưỡng mộ hình thành dần dần trong ta, lôi cuốn quyến rũ ta, thúc đẩy kích thích ta cố gắng, để cuối cùng tạo nên tâm trí chúng ta, rồi điều hòa chúng ta với cảnh vực mới, cảnh vực trong sạch nhất, duyên dáng và đẹp đẽ nhất và thuộc về thế giới thần thánh.

Tâm tình này luôn luôn hiện diện trong mỗi bài nguyện ngắm. Mỗi một đề tài đều được đào sâu đầy đủ, đặt ta đối diện với chân thiện mỹ. Chúng ta đừng tự mãn về nhận thức tâm tình ấy, nhưng hãy chăm chú thật lâu để thấm nhuần lấy vẻ đẹp cao cả đang biến chuyển trong ta. 

 

Thờ lạy

+ Quan trọng và cao đẹp: Tâm tình thờ lạy phát xuất từ tâm tình ngưỡng mộ. Chính ngưỡng mộ thông chuyển cho tâm tình này mọi ý niệm và cả cường độ của nó. Thiên Chúa càng hiện ra uy nghi cao cả, siêu việt, chúng ta càng cảm thấy cần phải sấp mình xuống chân Ngài, mặt cúi sát xuống đất để thờ lạy. Tâm tình thờ lạy của chúng ta càng trở nên sâu đậm nếu chúng ta cảm thấy mình chìm đắm trong tình thương bao la và nép mình dưới cánh tay Thiên Chúa toàn năng. Thiên Chúa vừa là vẻ đẹp tuyệt mỹ, vừa là tình thương mến đáng yêu hơn hết mọi loài. Khi ngưỡng mộ Thiên Chúa qua những đặc điểm này, chúng ta hãy nhìn thẳng vào các kỳ công của Ngài. Như thế, tâm tình thờ lạy của chúng ta giống trạng thái xuất thần siêu thoát thực sự. Trạng thái này nơi các thánh là sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa. Còn đối với chúng ta, trạng thái xuất thần của tâm trí chính là việc cởi bỏ tính ích kỷ để phục tùng và dâng hiến cho Đấng toàn hảo.

+ Thực hành: Thờ lạy là tâm tình biết nhìn nhận đúng địa vị Thiên Chúa và thân phận con người. Cần phát triển tâm tình này đến mức nhạy cảm bao nhiêu có thể. Bằng không, thờ lạy chẳng qua chỉ là một công việc hình thức, không giúp ta kính sợ Thiên Chúa, cũng không làm nẩy nở thêm lòng đạo đức. Do đó, các bạn hãy cố gắng làm phát triển tâm tình này. Đứng tự mãn vu vơ với một ý tưởng mơ hồ nào về Thiên Chúa. Hãy lần lượt gợi lên các ưu điểm, đặc tính nổi bật nhất của Ngài. Nhờ có Thiên Tính, Ngài hiện diện mọi nơi một trật. Đặc tính vĩnh cửu nơi Ngài là vô thủy vô chung và không hàm chứa thời gian liên tiếp nhau, Ngài toàn năng, nên đối với Ngài việc tạo dựng muôn ngàn tinh tú dễ dàng như một trò chơi. Cuối cùng, mọi ưu điểm thanh khiết, thánh thiện, công bình, và nhân ái nơi Ngài đều giãi sáng chói ngời vẻ đẹp mỹ miều, ngợp tình yêu thương và sức sống.

Bạn còn chờ đợi gì nữa mà không thờ lạy Ba Ngôi Thiên Chúa riêng biệt theo danh hiệu của các Ngài? Cả Ba Ngôi đều vô cùng sung mãn: Ngôi Cha là nguồn mạch, Ngôi Con thông dự đồng đẳng diệu kỳ, Ngôi Thánh Kinh là tình yêu kết hợp cả ba làm một với nhau.

Khi thờ lạy mầu nhiệm Ba Ngôi, các bạn hãy tạo cho mình sở thích ca tụng tôn vinh Chúa Giêsu trong tấm áo nhân loại cũng một tâm tình như thờ lạy Thiên Tính Ba Ngôi. Nhìn Ngài như một Đấng rất cao trọng đáng suy phục tôn sùng, mà cũng rất nhỏ bé như khi ngự trong Phép Thánh Thể để ban mình cho chúng ta. Ôi! Ngài đoái thương chúng ta biết chừng nào! Ngài thực là ngọn nguồn phẩm cách, tin yêu và tiến triển hoàn hảo của chúng ta! Việc thờ lạy của chúng ta trước vẻ kỳ diệu này chắc chắn sẽ đem lại nhiều êm ái dịu dàng.

Ca tụng

- Vai trò: Tôn vinh Thiên Chúa là bổn phận trước nhất của loài người chúng ta. Tâm tình ‘ca ngợi’mang lại cho chúng ta một phương thế tự nhiên nhất để chu toàn bổn phận. Tán tụng Thiên Chúa là công việc trọng đại của các Thánh và các Thiên Thần. Đó cũng là công việc đời đời của chúng ta. Kinh Thánh diễn tả một bầu Trời vang lừng những lời Thánh Vịnh và ca khúc tung hô chúc tụng Danh Chúa. Những lời hát đó sẽ không bao giờ ngớt, và chẳng khi nào làm mệt tâm trí Đấng nghe cũng như những người ca hát. Chất liệu và đề tài tung hô chúc tụng thì vô vàn vô số, vì thế nó sẽ đời đời vô tận và luôn biến đổi sắc thái. Càng đưa mắt nhìn về phương Trời xa xăm, ta càng cảm thấy bất lực và khó lòng đạt tới. Thật là một thách đố diệu kỳ giữa hai bên: vẻ đẹp mới lạ luôn luôn cao xa, còn tâm tình ca ngợi vươn lên chật vật.

- Thực hành: Ôi! Công việc ca tụng Danh Chúa dưới thế trần thật là khô khan, tẻ nhạt, chán nản, thiếu nhiệt thành là dường nào! Tuy thế, Thiên Chúa vẫn kêu xin, mời gọi và chờ đợi chúng ta. Ngài sẵn sàng đoái nhận, hài lòng và thỏa mãn như thế. Nhưng qua những lời ca tụng ấy, Ngài đã nhận được gì nơi chúng ta? Chúng ta không thể làm cho Ngài được cao cả hơn, duyên dáng hơn, hoàn hảo hơn hay hạnh phúc hơn đâu. Vì thế việc chúng ta phải làm là cứ chúc tụng Ngài là Đấng hoàn hảo vô cùng với tất cả mọi ưu điểm. Cái mà chúng ta dâng kính Ngài thực ra chính Ngài đã dọn sẵn đặt vào tay chúng ta rồi. Việc thiện chúng ta làm thực ra cũng chính là tác phẩm của Ngài: mọi vật mọi sự mỹ hảo đều do Ngài mà ra, nên dù ta có cộng tác, phụ tay vào cũng chẳng hơn gì. Do đó chúng ta hãy ca tụng mọi tước phẩm sáng ngời mà Ngài chiếu tỏa qua các lần giao tiếp với chúng ta cũng như với vạn vật.

Trước mỗi sự vật, lòng hiếu thảo của chúng ta có thể nhắc đi nhắc lại rằng:

Ôi! Chúc tụng lòng nhân từ Thiên Chúa đã linh ứng cho mọi kỳ công!

Chúc tụng lòng khôn ngoan Thiên Chúa đã khéo léo xếp đặt vạn vật theo thiện ý của Chúa!

Chúc tụng quyền năng vô biên với lòng nhân từ thương xót và khôn ngoan tuyệt đỉnh đã thực hiện mọi sự đầy sức mạnh nhưng cũng êm dịu biết bao!

Tâm tình ca tụng tràn ngập trong Cựu Ước. Tâm tình ấy thể hiện bằng những danh từ bóng bẩy trong Kinh Thánh. Mọi loài thụ tạo đều được mời gọi cất tiếng ca tụng Thiên Chúa. Và loài người hình như không còn chức vụ nào khác ngoài chức vụ này.

Tại sao chúng ta không mượn đôi lời Cựu Ước để khơi dậy và diễn tả tình cảm chúng ta? Được Thiên Chúa linh ứng, những lời đó chắc chắn sẽ làm Ngài hài lòng. Những lời này được thấm nhuần và chín mùi trong nguồn mạch đầy hương sắc tinh trong ấy, nên có sức mạnh cảm hóa tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa bằng chính những lời Ngài đã dọn sẵn với lòng tin tưởng sâu xa.

Một điều nữa chúng ta nên nhớ là: để đẹp lòng Chúa, khi bày tỏ tâm tình chỉ cần đơn sơ thành thực chứ không nhất thiết phải là một cảm tình bộc phát. Đối với người ưa suy nghĩ và lý luận, thì tâm tình làm sao đạt tới trạng thái đó được?

 

Tạ ơn chung  

Tâm tình ca ngợi nhắm thẳng vào chính Thiên Chúa và mọi phẩm tước đáng ca tụng của Ngài. Tâm tình ‘tạ ơn’vươn lên Ngài như hướng tới một vị ân nhân. Tất cả những gì chúng ta ngưỡng mộ và chúc tụng, đều là chất liệu phong phú giúp chúng ta tạ ơn. Chúng ta hãy cám ơn về mọi sự Ngài bày tỏ cho chúng ta trong giờ nguyện ngắm: những chân lý cao siêu đẹp đẽ đưa chúng ta đến sự hiểu biết sâu xa về chính bản thân Ngài. Chúng ta hãy cám ơn Ngài về mọi hồng ân, mọi việc lành, mọi tha thứ, mọi giúp đỡ mà chính chúng ta được thụ hưởng. Đôi khi chúng ta cũng nên cố gắng thoát ly bản thân mình ra khỏi thế giới nhỏ bé là chúng ta, để cất tiếng tạ ơn Thiên Chúa về những việc Ngài làm nơi Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Giáo Hội và toàn thế giới.

Hướng nhắm như thế, tâm tình tạ ơn mới được mệnh danh là tạ ơn chung. Thực ra đó là một hình thức ca tụng và yêu Chúa dễ dàng và đơn giản nhất. Tâm tình này cũng mang lại cho giờ nguyện ngắm nguồn an ủi vui sướng. Nó hiện diện trong mọi sự chúng ta khám phá tìm gặp, với các đặc tính khơi động những tình cảm mới, như lòng ước ao quảng đại, nhất là nhu cầu yêu mến.

 

Yêu mến

+ Cấu tạo: Yêu! Nói đi nói lại đến yêu, thưởng thức tâm tình yêu, sống với tình yêu: đó là điểm cốt cán giúp bài suy gẫm có hiệu quả. Tình yêu là tiêu đích của nguyện ngắm. Mọi suy niệm có bổn phận làm cho tình yêu triển nở. Nó thoát thai từ lòng ngưỡng mộ trước vẻ đẹp mỹ lệ, và từ lòng biết ơn sâu xa đối với mọi hồng ân đã lãnh nhận. Tình yêu lồng vào các lời chúc tụng của chúng ta một giá trị đáng kể và cất lên bài ca chúc tụng. Hơn nữa, tình yêu có thế lấy cảm hứng ở ngay những đối tượng quen thuộc khi đem ra suy niệm lại vào một ngày khác. Điều mà tôi ngưỡng mộ thì lôi cuốn tôi. Của cải, vật dụng tôi nhận được cho tôi biết chính lòng nhân từ Chúa đã ban cho tôi. Như thế, tôi thấy Thiên Chúa đầy lòng nhân từ đã đoái hoài tới tôi, dung thứ cho tôi. Tôi còn biết nói gì? Ngài xin tôi hãy yêu mến Ngài! Mỗi hồng ân Ngài ban xuống đời tôi, hình như đều cất tiếng mời gọi: Con hãy yêu Ta đi!

Yêu Ngài, tại sao tôi không nói cho Ngài biết điều đó trong giờ nguyện ngắm lúc tôi nhận thấy những chứng tích cảm động của tình yêu Ngài? Nói ra như thế có lẽ không có gì là tình cảm, tuy nhiên nó bao hàm một tác động tình yêu thực sự. Ôi! Chúa cao sang tuyệt mỹ. Vâng, con yêu Chúa hơn hết mọi loài! Ôi lòng nhân từ của một người Cha, con hiếu đáp Cha hết tình! Con muốn vâng lời và thỏa mãn lòng Cha, xin Cha hãy xử dụng bản thân con, của cải vật dụng con có và tất cả sự gì quý giá của con. Dù trái tim khốn nạn của con có thờ ơ lãnh đạm, nhưng ít nhất xin Cha hiểu rằng con hằng trung tín với Cha.

Một khi tình cảm yêu thương không tự vươn lên được, các bạn hạy khơi chúng dậy. Chúng còn mơ hồ trống rỗng thì tìm cách củng cố chúng lại. Điểm cốt cán của tình yêu là muốn cái hay cái tốt cho người mình yêu. Nhưnh than Ôi! Thiên Chúa giàu sang quá! Bạn có thể dâng lên Ngài lòng trung hiếu, công ăn việc làm và mọi đau khổ của bạn chăng! Nhưng bạn còn có hơn thế nữa. Chúa Giêsu tận hiến thực sự cho bạn và tận hiến bằng nhiều cách. Bạn có kho tàng quý giá biết bao! Ngài thuộc về của riêng bạn. Nếu vậy bạn hãy dâng lên Thiên Chúa mọi công việc Chúa Giêsu làm dưới thế gian, các hy sinh, lời chúc tụng và tình yêu chung thủy của Ngài. Bạn hãy kết hợp với mọi lời Ngài nói với Thiên Chúa trên Trời. Bạn có thể dâng chính bản thân Ngài lên Thiên Chúa. Công việc này bạn làm được lắm, khi bạn rước Mình Thánh Chúa vào tâm hồn Bạn. Hãy ẵm lấy Ngài như vị Linh Mục lúc dâng Mình Thánh. Bạn hãy đặt Ngài trước Cha Ngài, đồng thời hãy quên đi cái nghèo hèn bất xứng của bạn. Bạn chẳng còn gì cao trọng hơn lễ vật này để dâng lên Thiên Chúa.

Chúng ta thấy rằng chúc tụng cũng là một hồng ân, hồng ân cho những kẻ không có gì dâng lên Đấng có tất cả. Bên cạnh và đồng hành với tâm tình này, chúng ta thấy hiện diện tình yêu tự mãn. Vâng, lạy Chúa, con vui sướng về việc con không dâng lên Chúa được gì vì Chúa có tất cả. Trong Chúa mọi sự đều sung mãn vô tận và bản tính Chúa bao hàm một sức sống dư tràn. Con vui sướng vì vinh quang và niềm vui của Chúa trào dâng tới tuyệt đỉnh trong Ba Ngôi Vị thông giao đồng đẳng với nhau.

Ôi lạy Chúa, con hãnh diện biết bao khi biết Chúa cao trọng dường ấy! Con thỏa mãn biết bao khi biết Chúa hạnh phúc như thế! Dù con chẳng cảm thấy gì hoặc con diễn tả mọi sự một cách nhạt nhẽo vô vị, tuy nhiên các ước vọng con trình bày lên Chúa nói lên được lòng thành của con. Giả như Chúa chưa cao trọng và hạnh phúc, thì con sẽ nâng Chúa lên, miễn là con nắm quyền năng vạn hóa trong tay!

Làm sao mà Thiên Chúa lại không xúc động trước câu nói của đứa con hèn kém như thế!

+ Đối tượng: Tình yêu không những chỉ hướng tới Thiên Chúa vô biên, nhưng còn hướng tới Thiên Chúa nhập thể như hướng tới một đối tượng mới. chính đời sống Chúa Giêsu là cuộc hành trình của cuốn sách này. Chính những tâm tình, cảm nghĩ của Ngài sẽ cung cấp cho chất liệu cho chúng ta nguyện ngắm. Chúng ta sẽ học tìm hiểu tâm hồn Ngài cao đẹp, yêu dấu, quảng đại, quyền năng và cả buồn sầu cũng như khổ đau của Ngài. Với Ngài, tình yêu vươn lên dễ dàng biết mấy! Ở mỗi dòng chữ trong các bài suy gẫm đều hiện lên một hồng ân cao cả, một chứng tích tình yêu, một dấu hiệu thân thiết. Tất cả mọi việc Ngài làm là làm cho tôi. Ngài cho tôi mọi sự Ngài có. Ngài yêu mến tôi với một tình thương lớn hơn cả mối tình người mẹ đối với con cái. Vả lại, chúng ta lại không có chung một sức sống phát nguyên từ Ngài như nhựa cây chuyển từ gốc lên tới từng người, một cành cây nhỏ bé mất hút và chìm đắm trong hoàn vũ sao? Chúng ta dâng lên Chúa Giêsu tình yêu chúng ta mà thôi thì chưa đủ, nhưng hãy dâng lên mọi tâm tình khác mà chúng ta vừa mới hướng về Thiên Chúa vô biên: như ngưỡng mộ, ca tụng và biết ơn. Với danh nghĩa là người như ta, Ngài đáng nhận những tâm tình ấy lắm. Hơn nữa, Ngài lại là Đấng cao cả, toàn thiện, toàn mỹ, nên các tâm tình của ta như ngưỡng mộ, ca tụng và yêu mến càng mặc sức vươn lên. Nếu Ngài không vô biên cho bản thân Ngài, thì Ngài vô biên cho đối với chúng ta. Và như thế tôi có thể vui mừng cả khi Ngài không vô biên. Tôi có thể thực tâm dâng lên Ngài một cái gì đó: một chút vinh quang, một chút vui mừng, biến đời sống thần bí Ngài lớn hơn một chút và cả một chút tình thương nữa. Có thể được lắm chứ? Thực ra lòng nhân từ, đức khôn ngoan và quyền năng vạn hóa của Ngài đức kết lại để thực hiện một phép lạ: một tạo vật được dựng nên từ hư vô lại có thể dâng trao tất cả mọi sự lên Đấng tạo hóa của mình đã xuống thế làm người. Chúng ta yêu Ngài bé nhỏ nằm trong máng cỏ Bêlem bằng tình yêu say đắm tha thiết. Chúng ta theo Ngài trên đường tử nạn qua các nẻo đường xứ Palestina. Các phép lạ của Ngài biến Ngài trở nên khôn lớn trước con mắt chúng ta, và nét đẹp yêu kiều mỹ lệ của Ngài sẽ làm trái tim ta mê say. Ngài cũng sẽ nhỏ xuống các giọt nước mắt và chúng ta được hạnh phúc âu yếm lau đi. Ngài đổ máu mình ra để biến thành thứ nước hằng sống, thứ nước tình yêu và tận hiến đầy quảng đại. Tất cả những gì hiện hữu trong Ngài, tất cả những gì chúng ta nhận ở Ngài để dâng lên Chúa Cha, và tất cả những gì chúng ta có thể dâng trao Ngài đều vô hạn định cả. Từ kho tàng này, xuất phát ra biết bao suy niệm và tâm tình nếu không luôn luôn nồng nàn thì cũng rất thành thật.

Một kho tàng quý báu khác mở cửa đón mời chúng ta, nơi mà chúng ta cũng có thể kín múc thỏa thuê, đó là trái tim Maria, một trái tim người mẹ. Trong Mẹ chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu. Mẹ là hình ảnh hoàn hảo nhất diễn tả vẻ đẹp Chúa, là người tâm phúc thân thiết nhất chứa đựng tâm tư ý tưởng của Chúa. Uy quyền và thế lực Mẹ cũng mạnh và lớn lao như Chúa.  Nơi nào Chúa Giêsu ngự trị thì Mẹ cũng ngự trị với danh nghĩa là Mẹ. Chắc chắn rằng ánh sáng Mẹ kém rự rỡ hơn Chúa, vì chính Mẹ không có nguồn sáng riêng, nhưng là tinh tú ban đêm phản chiếu ánh mặt trời. Mẹ luôn là chính Chúa Giêsu, một Giêsu mờ nhạt khiến trần thế ngắm nhìn dễ dàng.

Tạm cất đi uy quyền Chúa Giêsu nơi Mẹ, là uy quyền do ngôi vị Thiên Chúa đem lại, Mẹ là người thông cảm gần gũi. Chúng ta đoán chắc Ngài có thế lực trên trái tim Chúa. Là một thiếu phụ, một trinh nữ và một người Mẹ, Mẹ thực hiện được hoàn toàn một lý tưởng tình cảm tế nhị và tình yêu tận hiến. Dù nghèo hèn khốn khổ và tội lỗi đến đâu, người ta ai cũng cảm thấy có thể đến cùng Mẹ với lòng tin yêu phó thác. Thật là dịu dàng êm đềm biết mấy nếu được dựa đầu vào lòng Mẹ nghỉ ngơi một vài giờ! Thế mà chúng ta lại được hân hạnh gặp Mẹ nhiều hơn Chúa Giêsu khi suy gẫm thời thơ ấu của Chúa. Chính Mẹ sẽ cất tiếng nói thay Chúa, một Hài Nhi bé nhỏ chưa biết nói. Chúng ta sẽ học hỏi nơi tình yêu Mẹ đối với Chúa để biết cách thức ngưỡng mộ, yêu mến và làm hài lòng Chúa. Bạn thấy không, địa hạt tâm tình chúng ta thật là bao la rộng rãi.

Rảo qua các nẻo đường, chúng ta càng khám phá nhiều cái mới lạ. Chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa xôi mà vẫn thấy được những lãnh vực mới. Thánh Giuse, các Tông Đồ, các Thánh mọi thời đại cũng có thể là nơi chúng ta bày tỏ tâm tình siêu nhiên.

Như thế chúng ta thấy rằng Thiên Chúa hạ mình xuống dần dần cho vừa với tầm trí của chúng  ta. Từ Thiên Chúa vô biên chúng ta chuyển sang Thiên Chúa nhập thể, rồi từ Thiên Chúa nhập thể chuyển xuống một thiếu phụ, Mẹ Ngài. Thiên Chúa vô biên, vô biên trong ngôi vị và bản tính. Thiên Chúa nhập thể cũng vô biên, nhưng chỉ vô biên cho ngôi vị Ngài mà thôi. Còn Mẹ Maria, xuống thấp hẳn một bậc: Mẹ chỉ có bản tính nhân loại tràn đầy ân thánh từ Chúa Giêsu thông sang.

 

HƯỚNG VỀ BẢN THÂN GỢI LÊN TÌNH CẢM

1. Mượn ‘tâm tình’ để chuẩn bị điều dốc quyết 

Ngưỡng mộ, thờ lạy, ca tụng, biết ơn và yêu mến là những tâm tình mang sắc thái riêng biệt và tính chất khách quan như chúng ta vừa đề cập tới. Những tâm tình này có đối tượng là Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các Thánh, mọi đoạn thuật kể trong Tin Mừng, và các chân lý mạc khải. Vì thế, khi các chân lý, các tâm tình dần dần soi sáng trí khôn ta, thôi thúc trái tim ta, thì lúc đó một tình cảm mới lạ hướng về bản thân, vươn lên và thành hình. Cuộc sống ta một ngày nào đó sẽ hiện ra với khiếm khuyết, suy đồi, xấu xa, ham muốn và cả những hy vọng tin yêu cũng như ước ao lành thánh. Cái nhìn sáng tỏ và sâu sắc này gợi lên trong chúng ta tâm trạng rối loạn, hối tiếc và giao ước lành thánh. Những tình cảm ấy tạo nên thái độ chuẩn bị cho phần kết luận thực hành. Đàng khác, hoạt động của các tình cảm mãnh liệt và quan trọng quá đễn nỗi người ta dám nghĩ rằng: phải chăng đây là chính bài nguyện ngắm vì mục đích chúng ta chẳng qua là để tiến tới chỗ hoàn thiện? Tại sao ta còn nấn ná mãi ở tâm tình ngưỡng mộ Thiên Chúa, cũng như các tâm tình ngưỡng mộ, ca ngợi và tôn vinh các vấn đề thần thánh? Đó là cách cầu nguyện của các tâm hồn thánh thiện không còn lầm lỗi sơ xuất, không áp dụng được đối với các tâm hồn yếu đuối khốn nạn như tôi dang cần phải bắt đầu lại mọi sự.

Lý luận như thế thật là vô lý. Hạn chế như vậy thật là đáng tiếc! Không những bạn đã chối từ Thiên Chúa cái mà Ngài có quyền mong đợi, nhưng còn tự tước bỏ những phương thế thần diệu nhất để vươn lên. Sau khi ngưỡng mộ, ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và mọi vẻ cao trọng mỹ lệ, mọi tình âu yếm nhất thoát sinh từ các chân lý siêu nhiên, chúng ta cảm thấy mình chìm ngập trong bầu khí tràn đầy sức sống. Nơi đây lý tưởng lan rộng khắp nơi và hiện diện đến với chúng ta đầy vẻ quyến rũ, lôi cuốn mạnh mẽ theo lòng quảng đại còn đang do dự. Bổn phận trong đời sống hằng ngày hiện ra trước mắt chúng ta giờ đây phải hổ thẹn trước cảnh vực như vậy. Thế rồi những tia hy vọng cũng bừng sáng trên gương mặt chúng ta. Không, tôi sẽ không còn là một thụ tạo thấp hèn khốn khổ như trước nữa. Trước đây tôi đã không nhận biết phẩm giá tâm hồn Kitôâ hữu, một tâm hồn đã được Thiên Chúa tỏ mình ra trong cảnh vực huyền diệu. Ý tưởng làm việc thiện thức dậy nơi tôi, và những nguyện vọng mập mờ vươn lên tới bầu Trời mới, nơi mà Thiên Chúa muốn chia phần cho tôi đời sống hạnh phúc của Ngài.

Các bạn hãy quan tâm đặc biệt điều ấy. Chính những tâm tình giúp chúng ta tiến tới đời sống hoàn hảo và còn tác động mạnh mẽ hơn trên trái tim Chúa vì duy mình Ngài có thể hướng dẫn chúng tới thành quả. Chúng làm mềm lòng Ngài, khiến Ngài đoái tới chúng ta. Chúng dâng lên Ngài mọi thái độ Ngài đòi hỏi. Hơn nữa, chúng đem lại lợi ích là giúp chúng ta một ngày một tiến tới, tạo nên tác động thờ lạy, ca tụng, yêu mến bằng cách nại đến lòng quảng đại của Đấng có thể làm được mọi sự.

Qua các tâm tình này, chúng ta hướng về bản thân chúng ta, hướng về tình cảm thông thường, hướng về lầm lỗi và một vài nhân đức cũng như lòng trung thành của chúng ta đối với bổn phận và lời đoan nguyền. Trong khi đề cập tới cái hay cái tốt của mình, chúng ta hãy thành thật nhìn nhận tất cả những gì làm dơ bẩn, ô nhục và tê liệt linh hồn. Hãy tỏ thái độ ngỡ ngàng trước sự chênh lệch giữa lý tưởng và hành động, giữa ơn thánh nhận được và sự tiến bước của mình. Sống dựa vào sức sống Chúa Giêsu, đáng lẽ chúng ta phải sống bằng tâm tư sở nguyện và tình cảm của Ngài. Lãnh nhận ở Ngài tất cả, lẽ ra chúng ta không được từ chối Ngài sự gì. Yêu mến Ngài là Đấng cao trọng mỹ miều rồi, tại sao còn luôn tìm kiếm những tâm tình thế tục quá thấp hèn và những thú vui mau qua dưới thế? Được làm con Thiên Chúa càng tham dự vào bản tính Ngài, chúng ta đã thánh thiện và hoàn hảo như Ngài chưa? Biết bao tia sáng chói lọi chiếu xuống linh hồn chúng ta! Biết bao tình cảm thúc đẩy ta hướng tới cuộc sống thánh thiện hơn.

 

2. Bày tỏ tình cảm

Hỗn loạn

Tình cảm bộc lộ ra đầu tiên đó là tâm trạng rối loạn. Một tương phản lớn lao hiện ra giữa vẻ đẹp chiêm ngắm trên cõi vô biên và cảnh tượng xấu xa trong linh hồn chúng ta. So sánh bản thân trước đây và bây giờ dưới ánh sáng mới, tôi cảm thấy hổ thẹn trước mặt Thiên Chúa và cả chính lương tâm. Hỡi lòng nhiệt thành, hỡi lời kêu gọi thầm kín và hối lỗi, hỡi các gương lành và lời nhắn nhủ, bây giờ các con ra sao? Phải chăng các con đã chứa chấp tính trễ nải và lỗi lẫm bất xứng?

Các bạn đừng đưa cái gì giả tạo vào đây cả. Cũng không nên phóng đại, cũng đừng dùng công thức câu nệ không diễn tả được tình cảm của bạn. Đừng chấp nhận thêm những tâm tình sầu thảm thất vọng làm tê liệt tinh thần. Tâm trạng hỗn loạn phải được coi như một yếu tố khích động nếu nó có thật và vô hại.

Hãy để tâm trạng hỗn loạn này mặc lấy tinh thần phó thác. Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết rõ ràng những yếu đuối và nghèo hèn của chúng ta. Ngài còn ở lại bên chúng ta để nâng đỡ chúng ta chỗi dây và cải thiện chúng ta nên tốt. Mong rằng tâm trạng hỗn loạn chuyển thành ước muốn khiêm tốn, nhiệt thành và đầy hy vọng; không, tôi sẽ không ở lâu hơn nữa trong tình trạng bất xứng với Thiên Chúa và quá xa lý tưởng của tôi.

Hối tiếc

Bạn thấy rằng tâm trạng hỗn loạn hàm chứa tâm trạng hối tiếc. Người ta hối tiếc vì đã nhượng bộ trước bản tính tự nhiên, đã nhiều lần tỏ ra bất trung cùng ơn nghĩa Chúa. Đáng lẽ tôi phải đáp lại thánh ý Chúa, và tình yêu niềm nở mến thương của Ngài hơn thế nữa mới đúng! Như thế biết đâu ngày hôm nay mọi cố gắng của tôi sẽ dễ dàng hơn và những bước tiến sẽ vững mạnh hơn: tôi tự nhủ được mình hơn, nhiệt thành sốt sáng trong kinh nguyện hơn, đời sống đạo đức đem lại cho tôi an vui không còn mảy may buồn phiền, và Thiên Chúa sẽ vinh danh và thỏa mãn phần nào nơi tôi

Hối tiếc không nhất thiết đòi chúng ta phải dày vò cắn rứt lương tâm. Điều cần thiết là hãy hướng lòng về Chúa xin Ngài thương giúp tha thứ.

Xin lỗi là một hành vi công bằng: nếu người ta phạm đến quyền lợi Thiên Chúa, việc xin lỗi và hối tiếc là một cố gắng hàn gắn và cải thiện. Xin lỗi là một hành vi hiếu thảo: khi đứa con làm đau lòng người Cha, thì việc xin lỗi và hối tiếc là phương thuốc xoa dịu vết thương ấy. Một khi tình cảm hối tiếc biểu lộ thành thật, thì cả hai bên đều mổ rộng cánh tay để tâm hồn họ xích lại gần nhau.

Nên tìm đến các suy niệm hướng về tình cảm hối tiếc. Chỉ cần để ý tới những suy niệm thích dụng đặc biệt cho tâm trạng của bạn thôi. Bạn đừng sợ phải dừng lại quá lâu ở những cảm nghĩ đang thấm nhập vào bạn, cũng đừng ngại nhắc lại cùng một lời nói để diễn tả chúng. Các thánh vịnh đã cung cấp cho ta những thể thức tuyệt đẹp để ngưỡng mộ thờ lạy, thì cũng dành cho chúng ta những tiếng nói cảm động thiết tha nhất để ăn năn hối lỗi.

 

Biết ơn

Trước những lầm lỗi sơ xuất, bạn hãy đưa mắt nhìn lại các hồng ân Thiên Chúa ban cho. Sự tương phản này sẽ giúp bạn ăn năn hối tiếc mãnh liệt và thấm thía.

‘Tạ ơn’trước đây đã đến với bạn, nhưng đó chỉ là một tâm tình tôn vinh chúc tụng Chúa. Giờ đây chúng ta hãy xem nó như một bổn phận và kiếm tìm trong đó động lực mạnh mẽ thôi thúc ta quảng đại và phó thác. Bạn hãy nhớ lại mọi ân cần săn sóc của Ngài trong mọi sự, cũng như tất cả những lỗi lầm sơ xuất xúc phạm tới Ngài. Bạn mắc nợ Ngài bao nhiêu cái mà bạn hưởng thụ hầu như vô ý thức: như của cải trần gian, sức khỏe, tài nguyên, tâm tình cao đẹp, kho tàng thiêng liêng, chuyển hướng thánh thiện, giúp đỡ hợp thời, tha nhân giúp đỡ, và rước lễ thường xuyên.

Bạn đừng tự mãn với những cái nhìn tổng quát như thế, nhưng hãy đi vào chi tiết sâu xa hơn. Bạn hãy nhìn ngắm Thiên Chúa Cha soi sáng cho bạn, cất đi mọi chướng ngại vật nguy hiểm khỏi bước chân của bạn. Chính Ngài phục vụ bạn qua mọi thụ tạo mà Ngài dựng nên cho bạn thụ hưởng. Các loài thụ tạo chỉ tuân lệnh Ngài mà thôi. Nhất là bạn nên biết rằng, Ngài làm tất cả mọi sự đó vì tình yêu. Ngài sẽ theo dõi bạn liên lỷ với con mắt săn sóc trìu mến của người Cha, và Ngài không khi nào thất vọng trước những lạnh nhạt, trễ nải vô ơn của bạn đâu.

Bạn hãy bày tỏ cùng Ngài lòng biết ơn sâu xa của bạn đối với mỗi hồng ân đặc biệt, và chiêm ngưỡng Ngài với con mắt của đứa con mới nhận được ở người Cha tặng vật mà nó không bao giờ ngờ đến. Thế rồi một tâm tình êm đềm tràn ngập tâm hồn. Từ đó, phát hiện những điều dốc quyết quảng đại, với niềm xác tín rằng rồi đây sẽ không bao giờ thiếu vắng bàn tay trợ giúp của Ngài.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

1. Tìm kiếm và lựa chọn 

Dưới sức tác động của tâm tình, sự hối tiếc trở thành một quyết định và thể hiện qua các điều dốc quyết đứng đắn: ‘Tôi sẽ chỗi dậy trở về nhà Cha tôi.’ Tôi sẽ tránh xa các dịp tội nguy hiểm. Tôi sẽ thực tập nhân đức nào đó với một phương thế sốt sắng hữu hiệu. Tôi sẽ xưng tội thiết thực hơn và rước lễ có kết quả hơn. Phải, Tôi muốn Thiên Chúa hài lòng về tôi ít nhiều để đền đáp Ngài. Tôi muốn làm đẹp lòng Chúa Giêsu và an ủi trái tim Ngài.

Đó là những điều dốc quyết  tổng quát có thể gọi được là ý hướng thăng tiến: chúng ta nhắm tới mục tiêu đã định, và hăng say nhiệt thành đạt tới đích đó.

Thái độ này dĩ nhiên là quan trọng, nhưng để có hiệu quả, cần chuyển ngay sang điều dốc quyết xác thực để có thể thi hành ngay hôm đó. Nếu không, những quan điểm trên kia trở nên mơ hồ, và lòng hăng say yếu ớt dần, rồi đời sống thiêng liêng của ta chẳng cải đổi được gì. Chẳng hạn vừa mối chiêm ngắm đức khiêm nhường của Thánh Gia tại Nazareth, tôi liền hăng say ngưỡng mộ. Sau đó, hướng về bản thân tôi thấy cách sống và sở thích khác biệt dường nào! Tâm tư tối rối loạn đau khổ về điều này. Tôi cảm thấy lòng tôi nao nức muốn theo gương bắt chước đức khiêm nhường mà tôi ngưỡng mộ. Lòng ham muốn này tuy thành thật nhưng còn bâng quơ trống rỗng. Là một chuyển biến nội tâm thực sự, nhưng nó chưa biết hướng phải tới, đường phải đi. Do đó tôi phải xem đời sống tôi thay đổi được gì theo chiều hướng này: về nhà ở, cách ăn mặc, công việc thường ngày, giao tiếp với người dưới, tình hay nhục mạ tha nhân.

Nếu đề tài suy niệm không tiến tới được các điều dốc quyết như thế, bạn đừng mất công tìm kiếm cho qua lần. Tốt hơn bạn hãy định giây phút nào đó trong ngày để nghiền ngẫm lại các cảm nghĩ nhận được ban sáng. Đó là giải pháp thực dụng vì bạn sẽ dễ dàng tìm được nhiều dịp để làm trong ngày sống.

Đàng khác bạn có thể và rất nên dùng lại điều dốc quyết của giờ xét mình riêng nào đó, miễn là phải chọn trong số những điều quan trọng và phù hợp với tâm trạng bạn. Nhờ lòng nhiệt thành sốt sáng trong giờ nguyện ngắm, điều dốc lòng này sẽ mặc lấy một sinh lực mới.

 

2. Vai trò cầu nguyện khi dốc quyết

Tầm quan trọng 

Khi cảm thấy mình xúc động và đã thành thật dốc quyết, người ta cứ tưởng mình đã tới đích, nên không còn muốn cố gắng nữa. Hành động như thế là ngộ nhận luật căn bản trong đường siêu nhiên: không ơn Chúa, chúng ta chẳng làm được gì. Chính nhờ ơn Chúa, ánh sáng mới chiếu xuống chúng ta, tâm tình mới cảm hóa lòng ta, và ta mới chọn được điều dốc quyết thiết thực. Thường thường chúng ta chưa am hiểu tường tận như thế, nên nhiều khi chọn lựa và quyết định vô ý thức.

Nếu bảo rằng việc lựa chọn và quyết định do Thiên Chúa mà đến, thì ta nói sao về việc thực hiện đó? Kinh nghiệm quá khứ không làm ta mở mắt ra sao? Bao nhiêu điều dốc quyết chẳng mang lại kết quả gì. Thế mà lúc lựa chọn chúng ta cũng sốt sắng hăng say và nhiệt thành lắm!

Bảo rằng vấn đề bền tâm tùy thuộc nơi chúng ta, có sai lầm không? Có thể sai lầm nếu quả quyết tuyệt đối như thế, nhưng xét theo tương đối thì việc bền tâm tùy thuộc chúng ta thực sự, nhưng vẫn luôn có ơn Chúa giúp, vì Ngài không bao giờ từ chối giúp ta thành công nếu ta nài xin Ngài. Có cầu nguyện thì ơn thánh mới đổ xuống. Không còn gì hợp lý hơn. Đó là lòng tôn trọng việc làm cần thiết của Thiên Chúa, là sự nhắc nhở đến tính chất hư vô của chúng ta, là nguồn thâm giao vô tận giữa người Cha và con cái. Còn gì thân thiết và cảm động hơn thái độ khiêm nhường cầu xin. Bao nhiêu điều dốc quyết thành vô ích vì không được thấm nhuần, tắm gội, trang bị bằng lời cầu nguyện. Nếu chỉ dựa vào thiện chí mong manh của con người, thì chúng có khác gì đám khói bốc lên, rồi tan loãng trong không khí.

Chúng ta hãy cẩn thận tránh đừng coi thường vai trò của ý chí. Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự can thiệp của nó. Khắp nơi chiến thắng đều nhờ sức mạnh của ý chí. Như thế ý chí cũng là một yếu tố quan trọng khi cầu nguyện. Nếu cầu nguyện làm chuyển được lòng Thiên Chúa và kéo ơn Ngài xuống, thì cũng cảm hóa được lòng ta bằng cách thôi thúc tâm hồn ta trông cậy phó thác. Lòng trông cậy phó thác sẽ giúp ta thêm can đảm bội phần: ai chắc mình được nâng đỡ đầy đủ rồi thì chẳng còn sợ gì nữa!

Nhưng có một nguy hiểm lớn  đe dọa lòng tin cậy phó thác đó. Dù cầu nguyện nhiệt thành, ta vẫn còn hay sa vào vết xe lầm lỗi cũ. Lúc đó chúng ta trở nên hoài nghi. Cánh tay ta mệt mỏi rã rời. Ta thất vọng lên tiếng: tôi đã cầu nguyện nhiều mà tình trạng vẫn thế, tôi tin cậy ở Chúa biết bao mà Ngài không  giúp đỡ tôi.

Bạn nhầm rồi đấy! Thiên Chúa luôn giúp đỡ bạn nhưng Ngài không giúp theo như ý muốn của bạn. Sở dĩ bạn bỡ ngỡ là vì bạn quên mất định luật thiêng liêng: ‘tiến mãi không ngừng.’ Đức khôn ngoan của Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng định luật đó, vì đó là việc bảo vệ phẩm giá của Ngài và của chúng ta. Sau đây là cách thế hoạt động khôn ngoan của Ngài. Đáp lời cầu nguyện, ơn thánh tạo nên một cố gắng sơ khởi khả dĩ đạt tới một kết quả đầu tiên. Nếu cầu nguyện và cố gắng vẫn tiếp tục và hoạt động ngày một hữu hiệu, thì cuối cùng kết quả cũng sẽ đến với thời gian. Chẳng hạn trong vấn đề cải đổi một bản tính cố hữu hay khắc phục một tập quán, có ai lại tưởng rằng ơn thánh thay cho các phương thế thông thường được? Và có ai tưởng rằng chỉ trong một ngày mà ơn thánh thực hiện cuộc cách mạng đó theo lời yêu cầu của ta? Để đạt tới những thành quả ấy, ta phải bền tâm cầu nguyện, chiến đấu dũng cảm và cần đến sự giúp đỡ liên nỉ của ơn thánh.

Thực hành

Một khi chọn lựa xong điều dốc quyết, việc cần thiết nhất phải làm là cầu nguyện. Bạn có thể áp dụng theo thể thức sau đây. Trình bày với Chúa sự bất lực của bạn, thú thật với Ngài bạn yếu đuối. Nói lên tầm quan trọng về ước muốn thành thật của bạn. Cảm hóa lòng Ngài bằng cách nhắc tới vai trò làm Cha của Ngài, hay nại đến các huân công và lời hứa của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Cha Ngài không từ chối chúng ta điều gì nếu chúng ta xin nhân danh Ngài. Các bạn hãy thưa với cả chính Chúa Giêsu nữa. Chúng ta phải quảng diễn mọi tước phẩm của Ngài và đề cập tới các ưu điểm mà ta biết. Chúng ta lại không phải là nguyên do chính để Ngài xuống thế, nguyên do các việc Ngài làm, các đau khổ Ngài chịu và hy vọng của Ngài sao? Ơn thánh Ngài ban lại không biến chúng ta thành chi thể đích thực trong nhiệm thể Ngài ư? Ngài lợi lộc gì khi giúp đỡ cho một tâm hồn được trong sạch, đẹp đẽ, sốt sắng, và trở thành Nhà Tiệc Ly sống động, nơi Ngài thường đến chủ tọa qua những lần rước lễ? Hãy viện lý chứng để Ngài biết việc cải thiện và việc lành của bạn mang lại ích lợi cho các linh hồn. Chắc chắn Ngài biết rõ các điều đó hơn chúng ta, nhưng chúng ta sẽ nói gì với Ngài nếu chỉ để ý nói cái Ngài không biết, mà thực ra chính Ngài lại thông biết mọi sự. Những điều chúng ta trình bày đối với Ngài là những cử chỉ âu yếm, còn đối với chúng ta là những ý hướng gợi lên lòng tin cậy phó thác.

Hãy đến với Mẹ Maria như đã đến với Chúa Giêsu. Đến với cả các Thánh mà bạn yêu mến. Mỗi đề tài nguyện ngắm sẽ linh ứng cho bạn phải nói gì.

Người ta thường thấy nhiều tâm hồn không cầu nguyện đầy đủ khi tìm được điều dốc quyết, vì cứ nấn ná mãi giai đoạn suy niệm hay hướng về bản thân cho tới hết giờ nguyện ngắm, thành ra thiếu giờ cầu nguyện. Mong rằng kinh nghiệm quá khứ giúp bạn sửa được thiếu sót này.

 

VÀI ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI DÙNG SÁCH NÀY

1. Sách chỉ giúp đỡ phần nào 

Trước đây chúng ta đã biết nguyện ngắm gồm yếu tố suy niệm về các chân lý trong đạo, yếu tố tâm tình tương quan với các cảm nghĩ trong ta, và cuối cùng là yếu tố dốc quyết giúp ta tiến tới trên con đường nhân đức. Chúng tôi đã trình bày một phương thế hữu hiệu để thực thi ba yếu tố đó. Theo những điểm cắt nghĩa trên đây, tâm hồn nào quen sống hồi tâm và đã được giáo huấn có thể dùng một tư tưởng đơn sơ trong đạo, một câu nói trong sách thánh, một đoạn Tin Mừng làm đề tài. Ở đó tâm hồn dễ dàng tìm được những suy niệm. Những suy niệm này sẽ lôi kéo các tâm tình tham dự vào, rồi dẫn đưa tâm hồn tiến tới điều dốc quyết thực tiễn.

Kinh nghiệm cho hay rằng các tâm hồn đạo đức chưa quen hồi tâm và ít được giáo huấn không làm được công việc này. Căn bản giáo lý sơ sài, đời sống bận rộn, tinh thần thể xác mệt mỏi, tất cả sẽ làm tê liệt các hoạt động. Họ không tìm ra được tư tưởng, đôi khi cả tư tưởng chính yếu. Họ không biết phải bộc lộ tâm tình nào và thiếu sáng suốt trong việc chọn điều dốc quyết.

Bạn đừng buồn nếu  thấy mình bất lực như vậy. Cuốn sách này sẽ giúp bạn điều bạn không làm được. Bạn chỉ cần tìm lựa và dùng những suy niệm đã được quảng diễn, đồng hóa với các tâm tình đã được gợi lên và lựa chọn các điều dốc quyết theo sở thích đáp ứng với nhu cầu và tâm trạng của bạn.

Nhiều khi có thể bạn chỉ mới bắt đầu nguyện ngắm với thái độ khiêm nhường và nhiệt thành, thì cuốn sách đã rời khỏi tay bạn, một tia sáng lóe lên và tình cảm bừng dậy, thế là điều dốc quyết tương lai cũng thành hình trong tâm trí bạn. Để được như thế, bạn chỉ nên đọc vài dòng một và đọc thong thả. Thỉnh thoảng bạn dừng lại và lắng tai nghe. Có thể một lời nói thân mật nào đó sắp vang lên trong tâm hồn bạn chăng? Có thể một tình cảm vô danh nào đó sắp vươn nở trong trái tim bạn chăng? Lời nói đó, tình cảm đó có thể đã là chất liệu phong phú cho giờ nguyện ngắm của bạn.

 

2. Một vài đề nghị khác

Chuẩn bị hôm trước

Trước mỗi bài nguyện ngắm, bạn sẽ thấy chúng tôi cố gắng trình bày đôi lời để chuẩn bị tâm hồn bạn từ tối hôm trước. Sau này bạn sẽ hiểu được ảnh hưởng phương thế đơn giản này. Nó giúp bạn hôm sau cố gắng dễ dàng và đạt được nhiều ích lợi. Điểm chính yếu của đề tài được xác định rõ ràng và gắn chặt vào tâm trí bạn. Tư tưởng chuẩn bị này chiếu giãi vào đề tài nguyện ngắm một tia sáng lờ mờ. Từ lúc đó tiềm thức bạn bắt đầu làm việc, và tiếp tục mãi, ngay cả trong giấc ngủ ban đêm của bạn.

 

Hai động tác chuẩn bị

Trước khi vào đề tài nguyện ngắm, bạn hãy chuẩn bị tâm hồn bằng hai động tác cần thiết: đặt mình trước nhan thánh Chúa và xin Ngài giúp sức. Bạn có thể dùng phương pháp trong cuốn ‘I’introduction à la vie dévote’, ở tiết mục: ‘Lapratique de I’examen particulier’(cuốn II, chương 4, trang 10). Nguyện ngắm là công việc kết hợp, nên đặt mình trước nhan thánh Chúa là việc cần thiết. Bạn hãy cố gắng cho tới khi đạt được như vậy mới thôi. Nếu cần, bạn đứng sợ mất nhiều giờ để thực hiện động tác này.

Hoàn thành được động tác đặt mình trước nhan thánh Chúa, thì việc cầu xin Chúa ban ơn soi sáng sẽ trở nên dễ dàng. Bạn sẽ thấy rằng không có Chúa bạn chẳng làm gì được, và với Chúa mọi việc có thể thành công.

Cầu tạo hoàn cảnh và nơi chốn

Chính lúc này mới là lúc đi vào đề tài đã định trước! Nếu tối hôm trước đề tài đã in sâu vào tâm trí bạn, bây giờ tự nhiên nó sẽ xuất hiện. Tuy nhiên để khắc sâu trong tâm trí hơn, nếu có thể bạn nên dùng trí tưởng tượng đặt nó vào vị trí của nó. Phần nhiều các mầu nhiệm đều có thể làm được như thế. Thực vậy còn gì dễ dàng hơn là đặt mình trước thành Bêlem với máng cỏ, đường đi của các nhà khoa học, thành Nazareth, Đền Thánh Giêrusalem, thứ đến là hồ xứ Galilê, giếng Giacop, núi Thabor, nhà Tiệc Ly, sau cùng là Vườn Cây Dầu, núi Sọ, núi Thăng Thiên.

Các chân lý trừu tượng không áp dụng được như thế. nếu gò ép theo phương pháp trên thì quá câu nệ và hình thức. Dầu sao ta cũng có thể tưởng tượng ra được Thầy Chí Thánh đang giảng cho dân chúng: mọi người đang nghe giọng nói trang nghiêm huyền diệu của Ngài. Từ xa ánh mắt thâm sâu của Ngài hướng nhìn chúng ta. Dựa theo Tin Mừng, chúng ta có thể xác định lại nơi Ngài giảng dạy. Thế rồi chúng ta hãy lẻn vào ngồi với các Tông Đồ để nghe Ngài nói. Và bạn cảm thấy trái tim bạn rộng mở đón nhận giáo lý mà bạn sắp sửa suy niệm.

Khi nào nên bày tỏ tâm tình?

Tốt hơn hết là để tâm tình tự vươn dậy khi đọc các điều suy niệm. Bạn có thể cứ kéo dài tâm tình đó bao lâu còn cảm thấy tâm hồn thanh thản hứng thú, và ước ao những việc lành thánh. Rồi bạn tiếp tục đọc nữa và ngừng lại để bày tỏ tâm tình khi chúng xuất hiện. Có khi trước hay sau, các tâm tình vẫn giống nhau, nhưng không quan hệ. Có khi chúng lại mặc sắc thái khác tùy theo từng loại tư tưởng hay hoạt động của Thánh Kinh. Bạn cứ thế mà làm để múc lấy tư tưởng trong sách này và khơi dậy tâm tình trong lòng.

Có nên dừng lại lâu trước mỗi ý tưởng, hay phải đọc qua nhiều ý tưởng một trật? Nếu bạn thấy có lợi thì đừng ngần ngại đọc hết cả một điểm dù dài mấy trang, trước khi chuyển sang giai đoạn tâm tình. Để khích động mình, một vài tâm hồn cần phải đọc hết các điều suy niệm mới có cái nhìn tổng quát minh xác.

Khi nào nên tìm điều dốc quyết?

 Chúng ta có thể tìm và chọn dần dần theo như cách bày tỏ tâm tình trên đây được không? Được lắm nếu là những ý hướng và thái độ tổng quát phát hiện dần dần sau những lần hướng về bản thân. Không nên nếu đó là điều dốc quyết thật sự. Tốt hơn nên dành lại lúc cuối vì hai lý do. Trước hếtø, nếu cứ quan tâm tới các điều thực hành quá vụn vặt như thế, bài nguyện ngắm sẽ trở nên trì chậm và mất hăng say. Thứ đến là vì các điều dốc quyết thực sự thường chỉ hình thành được dưới ảnh hưởng toàn diện bài nguyện ngắm.

 

Bông hoa thiêng liêng

Để kết thúc, Thánh Phanxicô đệ Salê khuyên ta nên chọn lấy một tư tưởng, một hình ảnh hay một tâm tình để trong ngày gợi lại các cảm tưởng tốt đẹp đã nhận được ban sáng.

Đó là một vài ý kiến thiết tưởng hữu dụng đặc biệt cho các tâm hồn. Các bạn có thể tìm thấy rất nhiều phương pháp nguyện ngắm khác nhau. Ở đây chúng tôi lưu ý đặc biệt đến phương pháp của thánh Ignatio và Xuân Bích. Thánh Phanxico đệ Salê cũng tóm tắt khá đầy đủ phương pháp của hai thánh này trong cuốn ‘Introduction à la vie dévote.’

Các bài nguyện ngắm bạn sắp dùng sau đây sẽ dần dẫn tới việc tập luyện trên. Để tránh bài quá dài và khỏi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, chúng tôi không kiến trúc hoàn cảnh nơi chốn ở hết mọi bài, cũng không trình bày mọi tâm tình có thể có. Những tâm tình được đưa vào sách này thực ra chỉ là những gợi ý và đề nghị thôi. Chúng có cái hay là trình bày cách thế sử dụng làm sao. Các tâm tình do chính bạn bày tỏ chắc chắn sẽ có ảnh hưởng sâu xa quyết liệt khác thế và hơn thế. Thực ra bạn cũng vẫn có thể hòa mình vào các tâm tình đề nghị đó, lúc ấy chúng sẽ trở thành của riêng bạn, vì một tâm hồn khiêm nhường và tin cậy biết lợi dụng mọi sự.

Cuối cùng, bạn sẽ thấy một vài đề tài được bỏ qua hay không khai triển đầy đủ. Lý do là chúng tôi ít nhấn mạnh đến những đề tài quá quen thuộc và nhất là những đề tài không hợp với PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH TÂM TÌNH của sách này.

Mong rằng phương thức cầu nguyện này mang lại cho các tâm hồn đạo đức đà tiến hơn trước, đồng thời cũng mang lại nhiều an vui tinh thần! Mong rằng nó giúp nhiều người giản dị hóa được giây phút cầu nguyện. Mong các tâm hồn thay đổi món ăn tinh thần này bằng giây phút chiêm niệm lâu dài một đối tượng, bằng việc tham dự vào các mầu nhiệm khác đã được nêu ra, dầu việc tham dự này không được hoàn toàn. Cả một thế giới tư tưởng và tình cảm có thể giao động thỏa thích trong cảnh vực xem như trống rỗng đó. Cả một biến chuyển linh thiêng có thể diễn tả trong giây phút an tĩnh xem như bất động đó. Chỉ một cái thôi cũng có thể chiếm được tâm hồn: Thánh Matthew là một bằng chứng. Một lời nói nhỏ nhẹ đã làm Madalena nhận ra Chúa trước Mộ Thánh.

Việc kết hợp an bình và sâu xa với Thiên Chúa không phải luôn luôn gặp thấy bởi các tâm hồn cao thượng và quảng đạo nhất. Do tính tình, công việc hằng ngày và thử thách, nhiều khi họ không thể chú ý được lâu. Những bài nguyện ngắm đầy chi tiết này đối với họ lại là một trợ lực hữu hiệu, vì vừa đọc vừa suy nghĩ tức là họ đã cầu nguyện rồi.

----------o0o----------