BÀI THỨ 038

 

CÁC NHÀ BÁC HỌC TRƯỚC MẦU NHIỆM

 

CHUỂN BỊ HÔM TRƯỚC 

Tôi tự hỏi không biết đứng trước một Hài Nhi khó nghèo như thế, các vua bên Phương Đông có cảm tưởng gì. Cứ dựa theo thái độ thờ lạy khiêm tốn và vui mừng bên ngoài, tôi nhận thấy các ông có lòng tin. Làm sao họ có lòng tin này? Đấy là điều tôi sẽ cố gắng tìm hiểu. Và nhờ đó, tôi sẽ hiểu được lý do biết bao tâm hồn cho tới bây giờ còn cứng lòng tin trước chân lý của đạo thánh, rồi đem áp dụng các dữ kiện đó vào bản thân tôi để tìm hiểu tại sao tinh thần Kitôâ hữu nơi tôi vẫn còn nhu nhược và sợ hãi.

Lạy Chúa, xin Chúa hãy dùng gương các nhà bác học dạy cho chúng con biết cách tìm và nhận biết Chúa đang hoạt động và hiện diện dưới trần thế qua diện mạo khiêm nhượng bên ngoài mà ít ai để ý tới.

 

NGUYỆN NGẮM

 

Ý THỨC SIÊU NHIÊN

Đột nhiên ngôi sao lạ dừng lại. Ba nhà bác học thấy mình ở giữa đồng không mông quạnh. Cảnh vật hoang vắng, chỉ trơ trọi một chuồng bò tiêu điều đổ nát, nằm chìm trong sườn đá. Trước quang cảnh này, các nhân vật quyền quí có cảm tưởng gì? Theo quan niệm Á Đông của họ, sự xa hoa lộng lẫy cũng nói lên một phần nào giá trị con người, mặc dù họ coi thường tất cả những gì thấp hèn, và xa lánh những khốn khổ bần cùng!

Sao! Đây là đền đài của Đấng Cứu Thế đã được loan báo từ bao thế kỷ trước ư? Đây là cung điện của vị Đại Vương đến thống trị toàn cầu sao?

Không, các ông không nghĩ như thế. Trên đường rong ruổi suốt bao đêm trường dưới ánh sao soi dẫn, một tâm tình mới xuất hiện nơi họ và tạo nên ý niệm về Kitôâ giáo. Ơn thánh đã gieo vào tâm hồn hiền lành của họ một lý tưởng mới. Lý tưởng này đúc kết từ  tính từ bỏ, khó nghèo, nhân từ và yêu chuộng hòa bình.

Nơi đây tình yêu đưa mọi người xích lại gần nhau, biến người giàu thành người biết thương yêu, bênh vực đồng loại. Đó là Nước Chúa dưới trần gian, là hình ảnh phôi thai của Nước Trời đang ló dạng từ xa như cứu cánh của mọi lữ hành trần gian tiến về.

Như vậy, trước mắt họ chính là hiện thân của chương trình khôn ngoan Thiên Chúa, một chương trình độc nhất đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Và một ý hướng khiêm nhường thành hình trong tâm trí họ, một ý hướng độc nhất có thể thực hiện được chương trình.

Thế là họ thoát bỏ được một thành kiến sẵn có và coi chúng là những tư tưởng hẹp hòi nông cạn! Hạnh phúc cuối cùng làm họ vui sướng hơn cả lòng mong ước. Đức khiêm nhường Kitôâ giáo cao cả và trọn lành hơn cả các nhân đức trần thế. Và rồi, họ tiến vào căn nhà trống trải tồi tàn với lòng nhiệt thành hăng say. Họ quỳ gối thờ lạy Hài Nhi yếu ớt với lòng thành kính và yêu mến biết bao! Tôi thích nhìn họ phủ phục sát đất theo tục lệ Á Đông và cứ giữ nguyên cử chỉ thành kính này mãi dường như không bao giờ muốn thôi. Họ ở lại đó, lòng tràn đầy ngưỡng mộ, vui sướng, mến yêu. Sự trung tín của họ xứng đáng với phần thưởng cao quý như thế. Họ vượt qua bao dặm đường để sống được giây phút này. Chính trong giây phút này họ được đền bù gấp trăm. Vì nhờ ơn thánh soi sáng bên trong, họ nhận biết Hài Nhi bé bỏng kia là một vị Chúa, là Thiên Chúa thật và là Thiên Chúa độc nhất, toàn năng vô biên. Chính mắt họ được nhìn thấy tỏ tường và họ cảm động đến rơi lệ. Ngay bên cạnh họ, Maria và Giuse cũng đang quỳ chiêm ngắm cảnh tượng vô tiền khoáng hậu ấy, khác nào hai Thiên Thần Kêrubin giương đôi cánh bao phủ lấy tất cả.

LÀM SAO TẠO ĐƯỢC Ý THỨC SIÊU NHIÊN

Nơi đây có biết bao bài học bổ ích cho đức tin và hướng dẫn cho các hoạt động.

Để hiểu biết việc Chúa làm, tâm trí chúng ta phải biến đổi. Bản tính loài người chỉ biết nhìn và hiêåu bằng giác quan, không phóng được tầm nhìn sang thế giới bên kia. Con người thường xét đoán các việc theo bề ngoài và tìm đến mọi việc vì tư lợi. Một khi am hiểu được khoa học nào đó, con người hay khinh thị đức tin. Giàu có thì người ta trở nên ích kỷ. Thất học và nghèo khổ thì lại đầy lòng ghen tỵ và phẫn uất. Mọi khuyết điểm này đều là con đẻ của bản tính nhân loại sau khi sa ngã. Thế mới hiểu được lý do tại sao có nhiều nếp sống khiêm nhường và từ bỏ. Thực ra, chính hai nhân đức này là phương thuốc độc nhất chữa trị các nết xấu trên.

Ở mọi thời đại, kiêu ngạo, tình dục, tham lam của cải làm lũng loạn biết bao gia đình xã hội. Làm thế nào để vượt thắng? Làm thế nào để thay thế tinh thần hủ bại đã ăn sâu trong huyết mạch con người bằng tinh thần khiêm nhường và từ bỏ? Chúng ta tìm được câu trả lời thỏa đáng nơi các nhà bác học.

1.  Họ là những người đầy cao vọng, biết hồi tâm và hướng mắt nhìn Trời. Thời đại đầy xáo trộn và kiêu ngạo vô ý thức của chúng ta bây giờ rất hiếm những thái độ như thế. Người ta cảm thấy không cần đến Thiên Chúa. Người ta không cầu nguyện.

2.  Ngay khi ngôi sao lạ hiện ra, các nhà bác học lên đường ngay. Họ theo đuổi việc nghiên cứu đến cùng, mắt luôn luôn nhìn lên ánh sao. Không bao giờ họ nản lòng vì đường xa hoặc vì những khó khăn bất ngờ xảy đến. Lòng trung thành với ơn thánh như thế thật cũng hiếm có! Cố gắng hay làm người ta bực bội, khó khăn làm người ta nản chí, và nhiều người không biết kiên gan bền chí.

3. Đến trước mầu nhiệm của một Thiên Chúa nghèo nàn và yếu ớt, các nhà bác học phủ phục thờ lạy với lòng tin chân thành. Ngôi sao xuất hiện làm điểm tựa cho đức tin và xoa dịu đi tất cả thành kiến. Trước tấm gương của một vị Thiên Chúa, họ thâm tín và mặc lấy tinh thần Kitôâ giáo là khiêm nhường và từ bỏ. Trong thực tế được mấy người nếu không nói là họa hiếm, khi xác tín trước những bằng chứng hiển nhiên, lại cúi đầu nhìn nhận các chân lý cao siêu vượt qua trí khôn của mình? Được mấy người đứng trước các gương lành của một Thiên Chúa lại mặc lấy tinh thần Kitôâ giáo như thế, một tinh thần duy nhất có thể cải tạo mọi tâm hồn và thế giới?

 

PHẦN ÁP DỤNG

Ngày nay bao nhiêu lương dân không chịu để giờ suy nghĩ. Họ tìm hiểu với tâm hồn lơ đễnh, vô trật tự, thiếu bền chí. Họ tưởng rằng có thể đạt tới kết quả với sức riêng mình. Nên họ chẳng bao giờ đạt được cả. Người ta cũng thấy họ phó mặc may rủi để lầm lạc trong thành kiến, rồi không tìm thấy Đấng mà xưa kia ẩn mình dưới mắt các nhà bác học qua thân xác bé nhỏ một Hài Nhi và ngày nay ẩn mình trước con mắt chúng ta trong Nhà Tạm. Đức tin là một hồng ân. Đức tin rất cần thiết để chinh phục bản thân ta. Điều này cắt nghĩa được bao trường hợp vô tín ngưỡng khác.

Còn tôi, xét về tinh thần đức tin, không biết tôi thuộc thành phần nào? Dĩ nhiên sự kiện máng cỏ tồi tàn, Hài Nhi yếu ớt, không làm tôi do dự bối rối. Ngay từ buổi niên thiếu, tâm trí ngây thơ tôi đã thấm nhiễm mầu sắc thiêng liêng của các mầu nhiệm êm đềm này. Thế nhưng đới với sự kiện nghèo hèn và yếu đuối khác, tôi có thấm nhiễm mầu sắc thiêng liêng như thế chăng? Tinh thần tôi có lung lay trước cảnh sa sút của Giáo Hội hay đời sống tầm thường của các tín hữu chăng? Tôi có cảm thấy khó chịu trước một vài việc đạo đức xem ra quá trần tục mặc dù có giúp thánh hóa tôi phần nào chăng? Và mỗi khi thấy tâm hồn khô khan, đã bao giờ tôi cầu nguyện trước Nhà Tạm như sau: ‘Sao Chúa lại im lặng thế?’ Ôi! Chớ gì tôi tạo được lòng tin và hạnh phúc như các nhà bác học! Họ lãnh đạm với mọi vật bên ngoài để thấm nhuần lấy chân lý.

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Tinh thần đức tin là một ý thức mà lý trí và khoa học không thể tạo ra được. Ý thức này thuộc về siêu nhiên và thần thánh. Mình Thiên Chúa mới tạo được mà thôi. Ngài đòi hỏi bất cứ ai muốn tạo nên ý thức ấy phải cộng tác với Ngài bằng ước muốn, cố gắng, nhất là cầu nguyện. Nhất đán khó có thể thành công được. Cần luyện tập lâu dài như nguyện ngắm hằng ngày, hướng lòng lên Chúa luôn luôn. Hồn tôi ơi, hãy hô hấp trong bầu khí thần thánh này. Nó giống như giây phút thánh hóa giúp ngươi khám phá ra sự thật ẩn chìm dưới hình thức bề ngoài. Lạy Chúa Giêsu, nhờ ý thức siêu nhiên này, con sẽ nhìn Chúa khắp mọi nơi, ở trên Trời, trong Nhà Tạm, nơi tha nhân, và trong chính hồn con. Và con cũng thờ lạy Chúa mọi nơi, mọi lúc như các nhà bác học vậy.

----------o0o---------