BÀI THỨ 070

ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH TẠI NAZARETH (3)

Tình Cảm Trong Gia Đình

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Bài suy niệm ngày mai không phải là một giờ xét mình khô khan, nhưng là giây phút nghỉ ngơi trong bầu không khí yêu thương lý tưởng. Tôi sẽ ngưỡng mộ vai trò của bầu khí yêu thương do Chúa Quan Phòng gửi tới này. Tôi sẽ xét xem tôi có sử dụng tình cảm như Thiên Chúa đòi hỏi không! Tôi sẽ hăng hái nung nấu cho tình cảm đó thêm quảng đại và nhiệt thành, dù phải cố gắng và hy sinh thế nào đi nữa. Mọi người trở thành ‘một trái tim và một tâm hồn’ thì nếp sống gia đình sẽ cao đẹp biết bao!

 

NGUYỆN NGẮM

 

VAI TRÒ CHÍNH ĐÁNG CỦA TÌNH CẢM 

1. Tình cảm là chất ‘xi măng’ gắn nối mọi người hợp nhất với nhau. Xi măng gắn chặt đủ mọi loại đá với nhau, thì tình cảm cũng có thể đưa những người khác nhau về tư tưởng, tính tình và sở thích xích lại gần nhau. Về phương diện này tình cảm thật lạ lùng: yêu nhau yêu cả lối đi là thế. Yêu cả lối đi nên dễ bỏ qua hết mọi tật xấu lỗi lầm, cả những lỗi lầm và tật xấu rõ ràng nhất, thậm chí có lúc còn ca tụng chúng nữa. Ôi, tình yêu thật là tuyệt diệu! tình yêu luôn tỏ ra dịu dàng và tiến tới hoàn thiện ngày một hơn. Tình yêu bao giờ cũng đem lại cho người yêu được hạnh phúc và tránh mọi hành động đưa tới đau khổ.

2. Ai cũng muốn  mình trở nên đáng yêu! Ước ao như thế phải chăng là ích kỷ, vì quá nghĩ tới mình và coi tình yêu như trung tâm điểm? Tình yêu có thể đùi đến những lạm dụng như thế nên phải quan tâm đề phòng! Tuy nhiên, không còn gì hợp lý hơn thế.

Yêu mà không muốn được yêu lại mới là tình yêu hoàn hảo. Dựa theo nhân đức mà quan niệm như vậy sẽ hủy diệt đi mất vẻ cao đẹp khác, đó là tình bạn. Ai cũng biết tình bạn là một cuộc trao đổi, và thông giao tài sản, mà tài sản quý báu nhất là gì nếu không phải là tình cảm! Do đó tôi yêu và phải được yêu. Yêu là bổn phận của tôi. Được yêu là quyền lợi của tôi. Yêu mà không ước ao được yêu là hành vi trái với tự nhiên, vì tình yêu nào cũng tiến tới chỗ hiệp nhất. Hơn những tình yêu khác, tình yêu gia đình bắt buộc và đòi hỏi phải hiệp nhất.

3. Có nhiều người yêu mà không cần được yêu lại. Đó là nhân đức cao quý. Tình bạn mà như thế chỉ còn đơn phương: một bên chết hẳn hay vắng bóng, một bên vẫn sống động qua các phát biểu tình cảm. Tình cảm lâu dài này thường thấy nơi các bậc cha mẹ và một vài tạo vật. Người ta còn thấy tình cảm đó hoàn hảo hơn trong tình yêu siêu nhiên, nhìn tất cả môi trường sống đều là những phản ảnh của Thiên Chúa.

4. Tình yêu Chúa phải vượt trên mọi tình yêu khác. Đó là quyền lợi của Ngài. Tuy nhiên tình yêu này không để con tim ta khô héo vì yêu Ngài. Trái tim vẫn có thể biểu lộ tâm tình riêng của mình, vì tình yêu nào cũng muốn giãi bày. Nó còn chọn những lời nói du dương ngọt ngào nhất để diễn tả. Đôi khi chỉ cần tới ánh mắt dịu hiền, cử chỉ trìu mến cũng diễn tả được tình yêu, vì đó là một ngôn ngữ thầm lặng mà nhiều ý tứ hơn cả lời nói. Gia đình là nơi thích hợp nhất để bộc lộ những tình cảm tự nhiên như thế! Cử chỉ âu yếm, thái độ thân mật có tác dụng làm cho các phần tử rời rạc xích lại gần nhau, liên kết với nhau như ban đầu. Những cử chỉ và thái độ này rất trong sạch, tuy nhiên cũng phải đề phòng để khỏi thái quá mà trở nên suy nhược và gây ra nhiều nguy hiểm.

 

TÌNH  CẢM NƠI THÁNH GIA 

Khi hình dung ra mái nhà Nazareth, tôi thấy nó rất đẹp dù nghèo nàn, rất ấm cúng dù tường vách trống trải. Nơi đây tỏa ra bao nhiêu tình cảm êm đẹp, đem lại niềm vui bất tận cho mọi người được diễm phúc sống chung quanh. Bao quanh cảnh thích thú xảy ra hằng ngày, hằng giờ, suốt năm này qua năm khác, mang những hình thức mới lạ. Phải là ngòi bút thiên thần mới diễn tả nổi! Hồn tôi ơi, tuy vậy con cũng cố gắng mô tả những cảnh tượng đó xem sao! Hãy lựa chọn vì các cảnh đó phong phú vô cùng! Chúng ta hãy bỏ qua Bêlem và những năm thơ ấu để chiêm ngắm Chúa Giêsu lúc nhân cách Ngài bắt đầu triển nở. Bảy tuổi, Ngài đầy duyên dáng dễ thương. Người ta không thể nhìn Ngài mà không đem lòng yêu mến Ngài được. Đời sống tình cảm Ngài ai cũng phải kính trọng. Sáng sớm khi vừa thức dậy, Ngài vội chạy tới Mẹ Maria và thánh Giuse đang chờ đón Ngài. Mẹ Maria vừa giang tay ra vừa kêu lên con yêu quý, cục cưng của Mẹ! Rồi Chúa sà vào lòng Mẹ, tựa đầu vào ngực Mẹ. Mẹ âu yếm hôn lên vầng trán thánh thiện ấy. Bốn mắt gặp nhau, diễn tả trọn vẹn hai tâm hồn. Thánh Giuse chờ đợi và Người không mất công chờ đợi lâu, vì tới lượt Người, Người cũng âu yếm hôn Chúa, nâng niu Chúa và nhìn Chúa say đắm cảm thông. Nếu cái nhìn này không nói lên nhiều tâm tình như Mẹ Maria thì linh hồn Người cũng tràn đầy sung sướng rồi. Ôi những giây phút đem lại niềm vui tràn trề. Niềm vui này rải rác mọi nơi, mọi chốn trong đời sống của Chúa Giêsu: từ dáng điệu ra vào đến cử chỉ giúp đỡ cha mẹ do tự ý hay do các ngài sai bảo. Trong các gia đình nghèo túng, trẻ em thường giúp mẹ những việc lặt vặt và dần dần học nghề của cha.

Ngài vâng lời cha mẹ’, vì vậy cha mẹ Ngài sẵn sàng giáo dục và huấn luyện Ngài. Ngài học đủ điều như một em bé chưa biết gì. Trí óc nhân loại nơi Ngài phát triển dần theo tuổi khôn. Kiến thức nghề nghiệp của Ngài ngày một rộng rãi theo thời gian học tập như bất cứ một trẻ em nào khác.

Hoạt động của Mẹ Maria và thánh Giuse không mang vẻ cần mẫn hão huyền bên ngoài để nhận lấy lời khen tụng người đời!

Cũng thế, sự siêng năng của Chúa Giêsu không phải là đạo đức giả hình. Do đó cha mẹ Ngài luôn cảm thấy sung sướng và vui nguồn vui mới. Còn Ngài, Ngài chân thành cám ơn cha mẹ mỗi khi được săn sóc.

 

TÌNH CẢM GƯƠNG MẪU

Giờ đây chúng ta không ngước mắt nhìn xem vẻ cao trọng trong đời sống chiêm niệm và cầu nguyện của các Ngài. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng nếp sống sáng ngời ấy qua dáng điệu bình thường bên ngoài tại Nazareth. Thánh Gia đối với chúng ta lúc này như bất cứ một gia đình tầm thường nào khác. Đời sống bình thường ấy không khác nào đời sống chúng ta. Vì các Ngài cố gắng sống như chúng ta. Hồn tôi ơi, con thấy chưa? Chúa Giêsu đã sống theo mọi hoàn cảnh của thân phận con người ở trần gian. Ngài sống hòa mình theo nếp sống thiếu thốn nghèo nàn của cha mẹ Ngài. Đừng tưởng rằng thỉnh thoảng Ngài tỏ ra mình là Thiên Chúa quyền phép để cha mẹ Ngài thờ lạy. Ngài luôn kính trọng cha mẹ. Thánh Kinh nói: ‘Ngài vâng lời cha mẹ.’ Tuy nhiên dù bên ngoài, hai tâm hồn cao trọng ấy không quì gối thờ lạy, nhưng bên trong vẫn âm thầm thờ lạy. Mọi tâm tình và hành động của hai đấng đều thấm nhuần thái độ thờ lạy. Hai đấng luôn luôn nhận biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên việc không sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu như thế cần phải có lệnh của Thiên Chúa và ơn của Ngài.

Hồn tôi ơi, nếu có thể, con hãy nhìn xem Chúa Giêsu giúp đỡ Mẹ Maria trong công việc nội trợ. Hãy ca ngợi sự dịu dàng và ý muốn của Ngài tránh cho cha mẹ đỡ phải cực nhọc vất vả. Hãy theo dõi Ngài trong xưởng thợ thánh Giuse. Tại đây Ngài làm việc đứng đắn: như học cách sử dụng các dụng cụ, lúc ban đầu còn ngượng ngập, nhưng dần dần trở nên thành thạo hoàn hảo. Chúng ta có thể hình dung ra các thái độ của Thánh Gia rất dễ dàng: Cha mẹ thì ngưỡng mộ, kính trọng, sung sướng, yêu mến sâu xa; con trẻ thì vui cười ngoan ngoãn đơn sơ trong mọi việc. Nơi đó không bao giờ xảy ra mối bất hòa: các Ngài luôn hòa hợp trong một tâm tình và một tư tưởng. Các Ngài là những người hoàn hảo nên chẳng khi nào nghe thấy tiếng to tiếng nhỏ, tiếng mặn tiếng nhạt. Các Ngài thương yêu nhau nồng nàn nên không hề thiếu sót điều gì. Ai cũng luôn nghĩ đến người khác. Ôi, nơi đây ta tìm thấy biết bao bài học cảm động, biết bao an ủi khích lệ và lý tưởng cao cả phải theo là trở nên giống các Ngài.

Hồn tôi ơi, hãy nhớ rằng diễn tả những cảnh tượng thân mật này không phải là bịa đặt, nhưng chính là việc cấu tạo lại quá khứ. Nếu cần phải tưởng tượng, thì đó cũng là để hoàn bị một sự kiện có thực, nghĩa là làm sống lại những gì đã xảy ra!

Lạy Chúa Giêsu, lạy Mẹ Maria, lạy thánh Giuse, lúc này không những con chỉ cầu nguyện cho con, cho những người thân thuộc của con, nhưng còn cầu xin Chúa ban ơn cho tất cả các gia đình công giáo. Chớ gì mọi gia đình đều trở thành lò lửa thương yêu, làm tan hết oán hờn, tranh chấp và các xung đột. Vì là những phần tử hợp nhất trong Chúa Kitôâ, nên chớ gì tất cả hãy kết hợp chặt chẽ với nhau. Chừng nào thế giới nhận biết chân lý này, lúc ấy mới có hòa bình thực sự, hòa bình của Thiên Chúa. Than ôi, một gương mẫu cao đẹp như thế chưa được phổ biến rộng rãi, và trái lại một hình ảnh gia đình công giáo chia rẽ lại dễ dàng trở thành một gương xấu! Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ đau khổ khi thấy thân thể mình bị phân rẽ, bị cắn xé tan nát ngay giữa các chi thể trong nhiệm thể Ngài.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Hãy tỏ ra yêu thương và niềm nở với mọi người trong gia đình. Nhìn nhận và yêu mến Chúa Giêsu đang hiện diện nơi mỗi người. Hãy tìm dịp liên kết, làm hòa các phần tử của một gia đình đang phân rẽ.

----------o0o---------