BÀI THỨ 077

LẠC VÀ TÌM THẤY CHÚA GIÊSU (7)

Trong Khi Thử Thách

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Thánh vịnh có lời chép: ‘Mắt tôi không ngớt hướng về Chúa, vì chính Ngài sẽ dẫn đưa tôi tránh khỏi những ràng buộc quyến rũ.’

Tôi sẽ không tìm cách tránh thử thách bằng sức lực riêng tôi. Tôi phải tìm giải thoát ở Trời cao. Tôi phải hướng lời nguyện lên đó để xin ơn trợ giúp. Do đó, ngày mai tôi sẽ nguyện ngắm về vai trò cần  thiết của cầu  nguyện trong cơn thử thách. Tôi sẽ tìm hiểu xem người ta có thể thân thưa với Chúa được những gì. Tôi sẽ tự hỏi liệu có thể than van với người khác những điều mà chính ra chỉ nên thân thưa với Ngài mà thôi không. Trong vấn đề này cũng như nhiều sự khác, tôi luôn theo gương Mẹ Maria và thánh Giuse.

 

NGUYỆN NGẮM

 

VAI TRÒ CẦU NGUYỆN TRONG THỬ THÁCH

Người ta có thể tìm thấy Chúa với sự giúp đỡ của chính Ngài. Chỉ có Ngài là đấng chỉ đường dẫn lối cho chúng ta là những kẻ ngu dốt và yếu đuối. Thật là uổng sức và quá ngây thơ nếu chúng ta nói với loài thụ tạo rằng: các bạn có thấy người yêu của tôi không? Hãy chỉ cho tôi biết người ấy đang ở đâu? Câu trả lời có thể là cõi thinh lặng dày đặc mù mịt bao quanh lấy ta. Chúa đến khi Ngài xét là cần thiết. Ngài sẽ đến nhanh chóng nếu ta biết cầu xin.

Khi chạy xuôi ngược đó đây tìm Chúa Giêsu, tâm trí Mẹ Maria và thánh Giuse luôn hướng về Trời cao. Các ngài cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ, hướng dẫn để tìm thấy Giêsu. Các ngài xin lại Giêsu nơi Chúa Cha. Nếu phải dùng tới các phương tiện loài người, thì các ngài cũng coi đó như khí cụ đơn giản Thiên Chúa đã đặt sẵn trong tay, vì chạy đến cầu xin cùng Ngài là bổn phận. Còn ngồi mà tính toán chỉ đưa đến chán nản thất vọng. Mẹ Maria và thánh Giuse đã có kinh nghiệm như thế. Các ngài chẳng tìm thấy nơi tạo vật một tia sáng nào cả. Thiên Chúa muốn như vậy để nêu gương cho chúng ta, để an ủi và hướng dẫn chúng ta hiểu biết thêm. Có thể chúng ta thiếu người thân yêu sống bên cạnh, thiếu người tận tâm giúp đỡ. Họ không thông cảm hoàn cảnh chúng ta. Họ không thể làm con tim chúng ta nguôi ngoai sầu khổ được.

Mẹ Maria và thánh Giuse không ngớt nguyện xin rằng: Xin Chúa hãy thương xót chúng tôi! Xin ghé mắt để nhìn đến nỗi cơ cực chúng tôi! Xin tha thứ mọi lỗi lầm chúng tôi đã xúc phạm. Xin trả lại con trẻ cho chúng tôi! Chúng tôi hứa sẽ gìn giữ cẩn thận hơn. Nhất là xin đừng để con trẻ phải đau khổ! Và cũng xin làm cho con trẻ nhớ và yêu mến chúng tôi luôn!

Noi gương các ngài, bạn hãy nại đến lòng thương xót Thiên Chúa. Hãy xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi. Hãy hứa với Ngài những điều cần thiết. Hãy nhìn nhận mình đã gây nên cho Ngài bao nỗi cơ cực. Chúng ta không cảm thấy Ngài đau khổ vì chúng ta sao? Hãy vui mừng với Ngài vì có nhiều tâm hồn thánh thiện, quảng đại, tốt lành yêu mến chạy đến an ủi Ngài. Có lần nào bạn muốn nhập vào số các tâm hồn ấy chưa? Dẫu sao, bạn cũng cứ xin Ngài ban phép cho bạn được phụng sự và làm cho Ngài vui sướng phần nào! Người ta bằng lòng hy sinh mọi sự cho Ngài một khi thấy Ngài không được hạnh phúc và yêu mến.

Ôi Chúa Giêsu, Chúa có trái tim hiền hậu, xin hãy nhìn đến con với tình yêu mến! Ôi trái tim hay thương xót, xin hãy đến gần con đi! Ôi lạy Chúa nhân ái, xin bồng đứa con sầu khổ này vào cánh tay Chúa! Tuy nhiên, con luôn vâng theo thánh ý Chúa, con vẫn luôn phó thác mình con theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, nếu những khô khan nguội lạnh, những nỗi lo âu, sợ hãi, và khuynh hướng xấu của con nổi dậy không phải là hình phạt cho tính ươn lười và kiêu ngạo, và nếu sự vắng bóng Chúa là thử thách đưa con đến hạnh phúc, thì xin Chúa cứ để con sống trong bơ vơ không ủi an như Chúa muốn! Con biết Chúa thử con, nên con trông đợi Chúa như tình nhân mong chờ người yêu đến. Nỗi sầu khổ của con vơi dịu nhờ tia hy vọng chắc chắn này.

 

NHỮNG LỜI THAN VÃN VÔ HẠI

Con yêu dấu, sao con lại làm như thế? Con thấy không, Cha con và Mẹ đang vất vả tìm con!’ phải chăng đó là lời khiển trách? Nhất định là không, Mẹ Maria không bao giờ trách cứ được Chúa Giêsu, vì Ngài là đấng uy nghi và khôn ngoan vô cùng! Đó chẳng qua là lời than vãn kể lể sự tình, là tiếng kêu của nỗi buồn sầu khổ ray rứt, là tiếng nấc nghẹn của tình yêu. Khi một tâm hồn đạo đức thoát khỏi thử thách cam go nội tâm rồi, sẽ mỉm cười với Chúalà Đấng mà đương sự mới tìm thấy lại, vì trước đó tâm hồn đã than khóc và tưởng rằng mất Ngài. Tâm hồn sẽ ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết. Tâm tình lúc ấy là những lới trách yêu như Mẹ Maria trên đây: Sao Chúa bỏ con? Sao Chúa để con sống trong lo lắng sợ hãi với bao nhiêu cám dỗ dữ dằn như thế! Lúc ấy Chúa ở đâu? Ngài đã trả lời câu hỏi này cho thánh nữ Catarina thành Sienne rằng ‘Lúc ấy Cha ở ngay trong trái tim con.’

Tuy nhiên, không phải chỉ khi nào có an ủi trở lại, mới lên tiếng kể lể nỗi lòng hay bộc lộ tình yêu mến, nhưng cả trong giây phút thử thách cam go xao xuyến nhất. Trên thập giá, Chúa Cứu  Thế đã thốt lên lời nói não nùng như thông cảm với các tâm hồn bị thử thách mọi nơi mọi thời: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa Trời tôi, sao Chúa nỡ bỏ con!’ đấy ư?

Than vãn như vậy có phải là yếu kém như các triết gia nghiêm khắc quan niệm không? Theo họ, một tâm hồn hùng mạnh phải biết chế ngự đau khổ, và phải gan lỳ, như cồn đá ngoài biển khơi luôn trơ trơ trước sóng gió. Suy đoán như thế là hiểu sai về bản tính nhân loại, một bản tính thấm nhuần tình cảm. Quan niệm như thế là nhận định hẹp hòi về bổn phận phải chế ngự tình cảm. Để khuất phục đau khổ trong lúc bị bỏ rơi, tốt hơn là nên lượng sức mình mà diệt ngay tình cảm đầu mối nào đĩ đã gây nên đau khổ. Đó là thái độ đáng khen! Một khi đau khổ còn kéo dài và dằn vặt tâm tư ta, khiến ta phải than van khóc lóc, thì mong sao lời than khóc này biến thành kinh nguyện nồng nàn nhất, cảm động nhất hướng về Trời cao để diễn tả tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, để nói lên lời khẩn cầu với lòng trông cậy thiết tha!

Hơn nữa, than vãn là một thái độ tự nhiên, không hàm chứa ý tưởng chống đối nào cả. Nó diễn tả, phát biểu niềm đau đớn mà ta cảm thấy. Nhờ vậy, đấng có thể xoa dịu và an ủi mới nghe biết và mau đến cứu nguy cho ta. Và chỉ dừng lại ở đó, không có quyền tiến xa hơn: không chống đối ai, không chối từ điều gì. Trường hợp tiến tới chỗ cảm thấy cay đắng, chua chát và hận đời thì lúc đó than vãn mất ý nghĩa và trở nên thấp hèn.

Than vãn là thái độ hoàn hảo khi không hàm chứa đặc ân gì cho bản thân. Có thể nói ‘xin cất chén này xa con’ nhưng cũng biết thêm vào đó lời đầy ý nghĩa tuân phục: ‘Fiat, xin đừng theo ý con mà xin ý Cha được nên trọn.’ Xin đặc ân thực ra không phải là tội, mà chỉ là hành vi kém hoàn hảo mà thôi.

 

CHIỀU HƯỚNG PHẢI ĐI

Các Ngài tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ.’ Sự kiện này là một tia sáng chỉ dẫn và định hướng cho những việc tìm kiếm của chúng ta. Không phải tìm thấy Chúa ngoài đường đi, nơi công trường, hay giữa người bà con thân thuộc, mà chính ‘trong đền thờ.’ Qua từ ngữ này, chúng ta phải hiểu là việc hồi tâm, tinh thần đức tin, ý hướng ngay lành và mọi thái độ rập theo gương Chúa.

Chúng ta có thể dẹp tan nỗi buồn phiền trong cơn thử thách bằng cách nại tới các phương thế nhân loại, như giải trí, làm việc và tâm sự. Đức khôn ngoan cho phép và đôi khi còn khuyên làm như thế. Có điều nên nhớ là tất cả cũng chỉ giúp cho ta nguôi ngoai phần nào thôi rồi chẳng mấy chốc chúng ta lại đối diện với đau khổ. Thế nên, chỉ trong Thiên Chúa mới tìm thấy an nghỉ đích thực. Sự an nghỉ này có thể không đem lại nguồn vui nhưng đem lại sự an nghỉ đích thực và lâu bền.

Bây giờ Chúa không còn hiện diện trong một đền thờ như xưa khi Mẹ Maria và thánh Giuse lạc mất Ngài nữa! Đền thờ đó chỉ là nơi chốn hạn hẹp. Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi mọi chỗ. Ngài hiện diện trong tha nhân. Ngài hiện diện trên hàng chữ, trong sách đạo đức ta đọc. Hãy tìm Ngài ở khắp nơi, nhất là trong các bí tích là nơi Ngài hiến mình cho chúng ta hoàn toàn!

Vậy ai bền tâm tìm kiếm thì sẽ thấy Ngài. Hãy chọn và tìm những điều dốc quyết thích hợp với trạng thái hiện thời của tâm hồn!

----------o0o---------