BÀI THỨ 096

RỜI KHỎI NAZARETH

I. Từ Nazareth Đến  Sông Jordan

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Chúng ta đang ở vào giai đoạn đầu tiên trong cuộc sống công khai của Thày Chí Thánh. Tôi cố gắng để ít ra cũng khám phá được ở đó một điều gì tót đẹp: đó là tinh thần khiêm nhường và đơn sơ. Không có gì là huy hoàng, phép lạ, tất cả đều không mấy thích hợp với mong ước, tư tưởng, tập quán cũng như sự vồn vã hấp tấp của chúng ta.

Việc chuẩn bị phải chăng vẫn còn tiếp tục và kéo dài một thời gian nữa dưới những hình thức khác nhau để chờ cơ hội thuận tiện, đã tiến tới và lôi kéo ơn thánh?

Chúa Giêsu không cần những thứ đó. Vậy tại sao Ngài lại muốn như thế?

Tôi đã biết nhưng bây giờ không nhớ ra: Ngài muốn làm gương để dạy dỗ và lôi cuốn tôi. Ngài dạy tôi điều gì và lôi kéo tôi đi đâu? Ngày mai tôi sẽ suy niệm về điều đó.

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con am hiểu được Chúa, yêu mến, bắt chước và tiến bước theo Chúa.

 

NGUYỆN NGẮM

 

+ Cấu tạo nơi chốn: Tôi hình dung ra con đường chạy dài từ thành Nazareth đến sông Jordan, và một bộ hành thấp thoáng tận đàng xa.

Tôi xin ơn được thấm nhuần tinh thần hăng say của Chúa Giêsu trong những bước đầu của cuộc sống công khai: cuộc ra đi này là một giai đoạn trong chương trình của Ngài.

Chúa Giêsu đi chân không lên đường.[1] Ngài là ai? Ngài thực là chủ tể vũ trụ mà Ngài lại đi chân không. Ngài thực là Vua mà lại đi một mình, không cận vệ. Ngài là Thiên Chúa, đáng lý ra mọi vật đều phải quì xuống thờ lạy, thế mà những khách bộ hành không một ai cúi đầu chào Ngài. Ngài đi qua các làng mạc, thành phố mà không ai nhận biết.

Chương trình của Ngài như thế nào? Hoán cải thế giới! Nhưng phải chăng là Ngài mất hết uy quyền khi xuất hiện một mình và đi chân không như thế? Ngài có hy vọng lôi kéo được thế giới kiêu căng và đầy dục vọng theo Ngài không?

 Gạt bỏ yếu tố thời gian với 20 thế kỷ xa cách, tôi thấy mình gần gũi người bộ hành thánh thiện ấy. Dáng đi của Ngài nhẹ nhàng và cách đối xử thật cởi mở. Thấy tôi, Ngài dừng lại, nhìn thẳng vào tôi, cái nhìn sâu thẳm thấu suốt tâm can của Ngài làm toàn thân tôi run rẩy cảm xúc. Vẻ oai nghi của Ngôi Vị Thiên Chúa nói lên tất cả mọi vẻ cao trọng của Ngài và tôi thấy Ngài đi chân không. Lạy Vua Trời cao cả, sao Ngài lại đi chân không như thế?

+ Chúa Giêsu: Phải, con ơi, Cha là Vua, nhưng vương quốc Cha không thuộc về thế gian này, vì thế gian này giả trá và hư hỏng. Cha đến lập một vương quốc mới.

+ Linh hồn: Lạy Chúa, vương quốc ấy như thế nào?

+ Chúa Giêsu: Hãy nhìn đôi chân đi đất của Cha, con sẽ biết vương quốc ấy như thế nào! Nó không dính bén tình trần, của cải hoặc giả trá trần gian. Vương quốc ấy cao trọng, tinh trong và được gọi là ‘Nước Thiên Chúa’, nhưng loài người đáng thương lại theo đuổi lý tưởng giả tạo trái ngược. Tầm mắt chưa vượt nhãn quan thế tục, nên loài người còn tham lam, mải mê tìm kiếm của cải phù vân mà Cha khinh chê. Dù sao Cha cũng đến để cứu chuộc nhân loại. Kiêu ngạo đã biến nhân loại trở nên xáo trộn bất an. Lòng tham đưa tới bất công. Tính ham mê nhục dục làm hèn hạ và đồi bại con người. Cha đến để mang lại cho thế gian sự trong sạch, kiên chí, khiêm nhường và tinh thần nghèo khó. Đức từ bỏ cao đẹp này mang lại cho linh hồn đôi cánh để bay về quê hương đích thực trên Trời.

+ Linh hồn: Ôi, hai bàn chân đi không của Thày Chí Thánh tượng trưng cho tất cả những nhân đức cao đẹp! Tôi muốn cúi đầu thờ lạy. Tôi muốn hôn lên đôi bàn chân ấy! Nhưng tôi có làm được như thế không? Tôi có thực tâm từ bỏ của cải tiện nghi trần gian không? Xin bàn chân thánh kia đừng hất hủi tôi. Khi cúi đầu chiêm ngắm đức khó nghèo thể hiện nơi chân Chúa, tôi xấu hổ về nếp sống đài các và giả trá của tôi. Khi âu yếm hôn chân Chúa, tôi cảm thấy ghê tởm thú vui giác quan, nhưng than ôi, ngay khi vừa xa chân Chúa, nếp sống tôi đâu lại vào đó, không mảy may thay đổi. Ôi, bàn chân thánh Chúa Cứu Thế, xin giúp tôi mặc lấy thái độ sám hối lâu hơn chút nữa. Lạy Chúa, xin cho con được hôn lên bàn chân Chúa và lấy nước mắt con lau sạch chân Chúa như đã có lần Chúa đã ban phép cho Mai Đệ Liên.

+ Cầu nguyện: Ôi bàn chân cực thánh Chúa, xin hãy tiến bước dấn thân đi tới khắp muôn dân của mọi thế hệ để giải thoát các linh hồn và dẫn họ hướng về của cải đời đời, vì chỉ có những của đời đời mới xứng đáng với họ. Thực ra, con người không được tạo dựng cho thế gian, vì thế gian, thế mà con người lại không hiểu điều đó. Hạnh phúc vĩnh cửu luôn chờ đón những người biết tìm kiếm và kiên tâm kiếm tìm. Nó không bỏ rơi họ bao giờ dù người ấy đã mệt mỏi, mình đầy vết thương. Của cải thế gian không phải là hạnh phúc vĩnh cửu. Người nghèo khó cảm thấy cơ cực, kẻ giàu sang cũng cảm thấy đau khổ. Cả hai hạng người chưa tìm thấy hạnh phúc. Họ đồng thanh kêu lên rằng: Hỡi những đối tượng ta quá ước mơ và theo đuổi từ lâu, các con chỉ là cái bóng bên ngoài, chỉ là ảo tưởng. Do đó, từ hai thái cực tiến lại, người giàu cũng như kẻ nghèo cùng gặp nhau trước cùng một vực thẳm.

Tại sao người ta lại luôn có những ao ước trần tục này? Bởi vì của cải thế gian là những đối tượng cụ thể có vẻ hấp dẫn thực. Và tại sao người ta lại luôn thất vọng không được thỏa nguyện? Vì hạnh phúc chân thực không phải là của cải thế gian này. Con người cảm nhận được như thế là nhờ ở việc ý thức về cõi vô biên. Ý thức này nổi dậy nơi các tâm hồn không ngừng, dày vò liên lỉ, cơ hồ như con mắt nhớn nhác sợ hãi và lạc lối trong màn đêm dày đặc. Lạy Thày Chí Thánh, xin đoái thương những kẻ lầm lạc khốn khổ đang chờ đợi một tia sáng dẫn đường! Xin cho họ thấy rõ Nước Trời, nơi mà con người được nếm hưởng sự thiện hảo tuyệt đối, và con tim tìm được hạnh phúc dư đầy, thỏa mãn được những đòi hỏi qua tầm mức khi còn sống nơi dương gian.

----------o0o---------

 

 

 

 



[1] Chúa Giêsu luôn luôn rao giảng bằng thí dụ và gương sáng. Khi trao ban sứ mệnh cho các Tông Đồ, Ngài căn dặn: ‘các ngươi đừng mang gậy, bị, hoặc giầy.’