BÀI THỨ 104

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

II. Tôn Vinh Thiên Chúa

 

Khi Chúa Giêsu lên khỏi mặt nước và bắt đầu cầu nguyện, thì bỗng bầu Trời mở ra và Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu, trong khi đó tiếng từ Trời cao phán: Đây là con yêu dấu của Ta, Ngài rất đẹp lòng Ta, các con hãy nghe lời Ngài.’

1. Trong quang cảnh đáng ghi nhớ này, mầu nhiệm Ba Ngôi trước kia mới chỉ được nhìn thoáng qua, nay trở thành hiển nhiên: chính Chúa Cha phán dạy, chính Chúa Thánh Linh lấy hình bồ câu ngự xuống và cả hai Đấng đều hướng về Ngôi Lời. Ngôi  Lời! Đó là một hối nhân đang cúi mình trước một người phàm. Thực là một tương phản vô cùng cảm động!

Dĩ nhiên đây không phải là một dấu chỉ tượng trưng hoàn toàn, nhưng hợp với giác quan chúng ta. Giác quan là con đường tuy mờ tối nhưng qua đó chân lý thần linh đến với chúng ta. Ở đây Ba Ngôi tỏ ra đại lượng và khôn ngoan khi hạ mình xuống để thích hợp với trình độ chúng ta: một cụ già oai nghiêm, một chim bồ câu hiền hòa. Đàng khác, tình yêu thăng hóa mọi sự thấp hèn: người mẹ khi trò chuyện với đứa con nhỏ dại lại chẳng lựa những lời mà chỉ hai mẹ con mới hiểu đó sao? Sau này khi được lên Trời, chúng ta sẽ có thêm các cảm quan khác và lúc đó chúng ta mới hiểu biết được chân lý tinh tuyền và mới chiêm ngắm được chính Ba Ngôi Thiên Chúa rạng ngời.

2. Nếu đám đông không thấy được tầng Trời và chim bồ câu ngự xuống, thì ít ra tiếng nói đó cũng vang dội tới tai mọi người[1]. Trong các lần mạc khải, sự kiện đó không phải là hiếm hoi. Trẽn đường đi Damas, chỉ thánh Phaolô nhìn thấy bộ mặt chói ngời của Chúa Giêsu, còn các bạn đồng hành với ông chỉ nghe thấy tiếng nói: ‘Saolô, Saolô, sao con bách hại ta?’ Ở đây đám đông cũng không được chứng kiến cảnh tượng Ba Ngôi xuất hiện, thật là một điều lạ, tuy nhiên nếu suy ngắm chúng ta sẽ tìm thấy hàm chứa nhiều ý nghĩa trong đó.

Chúa Giêsu cố tránh những vinh dự. Đó là lối cư xử cố hữu của Ngài. Ngài đã theo đuổi đường lối đó suốt 30 năm, và chẳng bao giờ quên. Khi biết người ta đến tìm mình để tôn lên làm vua, thì giữa đêm tối Ngài trốn lên núi. Ở núi Tabor, Ngài chỉ cho ba chứng nhân thấy vinh quang của Ngài, nhưng lại cấm họ không được tiết lộ cho tới khi Ngài về Trời. Trong trường hợp chúng ta đang suy ngẫm đây, Ngài cũng cư xử như thế. Giờ Ngài tỏ mình ra chưa đến. Chúa Giêsu rút lui âm thầm để người ta khỏi hoan hô và theo Ngài. Đàng khác, Ngài muốn biến cố quan trọng này thức tỉnh dân chúng: tiếng nói vang lên trong không trung đã thức tỉnh được lòng người mà không thể tỏ ra mình là ai. Ngược lại, chim bồ câu đỗ xuống trên đầu Ngài một cách hữu hình đã làm Ngài được mọi người đặc biệt chú ý. Nếu không Ngài cũng được coi như các hối nhân khác.

Thêm vào bài học khiêm nhường cố hữu đó còn một bài học khác nữa: tất cả công trình của Thiên Chúa, không được xây dựng trên sự hiển nhiên trực tiếp, nhưng trên một số chứng cớ nào thôi. Đấy là điều thuộc phạm vi đức tin. Giờ đây chúng ta cũng tin Chúa Giêsu do chứng cớ của thánh Gioan, cũng như sau này khi Chúa phục sinh, chúng ta tin vào những bằng chứng của các Tông Đồ.

Đó là lý do tại sao thánh Gioan tẩy giả cũng được tham dự đầy đủ vào thị kiến này.

ĐIỀU DỐC QUYẾT

1. Cảm tạ Thiên Chúa về mạc khải đầu tiên và rõ ràng về Ba Ngôi. Thành thật tin kính hình thức Chúa đã dùng để mạc khải.

2. Làm quen với những giới hạn, những bóng tối thường gặp thấy nơi những cuộc tâm giao thần linh, nhất là trong buổi đầu.

----------o0o---------

 

 

 

 

 



[1] Ở đây chúng ta chấp nhận ý kiến cho rằng Chúa Giêsu đã âm thầm đi khỏi bờ sông Jordan. Nếu không, thì khi thấy chim bồ câu đỗ trên đầu Ngài, đồng thời nghe thấy tiếng công bố ‘Ngài là Con Thiên Chúa’, tránh sao được việc đám đông cuồng nhiệt kia tôn vinh Ngài và tuôn theo Ngài!