BÀI THỨ 121

PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN

I.  Tiệc Cưới Cana

 

Chú Dẫn: Tin Mừng diễn lại lời đối thoại giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu rất chân thật: ‘Thưa bà, có hệ gì tới bà và tôi đâu!’ Tiếng ‘Thưa bà’ thật là cứng cỏi và khó nghe nếu áp dụng vào môi miệng người con nói với người Mẹ. Lời xin ‘họ hết rượu rồi’ êm ái thân tình bao nhiêu, thì câu trả lời lại có vẻ khinh bỉ bấy nhiêu: ‘Thưa bà, có hệ gì tới bà và tôi đâu! ‘

Dù đọc đi đọc lại nhiều lần, ta vẫn thấy chói tai về bản dịch như vậy. Vì thế có thể kết luận rằng bản dịch lời đối thoại trên đây sai ý với nguyên bản. Nhờ những suy cứu tìm tòi và khảo sát văn chương các nguyên bản, chúng ta thấy nguyên ý mềm mỏng và sát thực hơn. Trước hết trong ngôn ngữ chúng ta, tiếng ‘thưa bà’ xem ra mất cảm tình, và có lẽ không phải là nghĩa người Do Thái thường dùng. Vì bản dịch đi sát từng tiếng, nên không lột được ý của nguyên bản. Do đó, đặt vào môi miệng Chúa Giêsu chắc chắn Ngài phải nói: ‘thưa Mẹ.’

Ngoài ra chúng ta thấy câu ‘có hệ gì tới bà và tôi đâu’ cũng rất chướng tai vì nó tạo nên một tương phản giữa lời xin mềm mại tế nhị và lời từ chối cứng cỏi. Chúng ta biết Chúa Giêsu luôn một mực kính trọng và tỏ ra hiền dịu với Mẹ Ngài. Thế nên dựa vào những tìm tòi khảo sát những văn bản cổ xưa, chúng ta có thể chấp nhận một ý nghĩa khác, vừa xác đáng vừa hợp với ý toàn diện văn bản: ‘Thưa Mẹ, Mẹ muốn con làm gì, giờ của con chưa tới.’ Thực đúng như vậy, giờ của Ngài chưa tới. Chương trình của Ngài chưa bắt đầu được nếu chưa thực hiện một vài phép lạ lớn lao. Các bài nguyện ngắm sau đây sẽ cho chúng ta biết những lý do đáng thán phục này.

Ôi thực là một mạc khải quan trọng về vai trò Mẹ Maria! Hiệu quả của lời cầu nguyện thật là lớn lao! Cầu nguyện có thế lực thay đổi chương trình của Thiên Chúa!

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Dựa vào lời cắt nghĩa căn bản trên đây chúng ta suy niệm về các tư tưởng truyền thống qua các thời đại để đào sâu bài học quí giá tiềm ẩn trong đó.

Trước hết chúng ta hãy để ý đến sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong tiệc cưới để có những tâm tình đúng đắn về đời sống lứa đôi và các nghi thức hôn nhân thế gian.

Sau đó đề cập tới khung cảnh nền tảng của bản văn trong Tin  Mừng. Nhờ đó chúng ta khám phá được vai trò tạm thời của Mẹ Maria tại Cana mở đầu cho sứ mạng viên mãn trong Hội  Thánh sau này. Chúng ta sẽ chiêm ngắm Mẹ Maria là người cầu  bầu thần  thế mà các thánh phụ hằng ca tụng.

Dựa vào đó chúng ta có thể xác tín được rằng: Mẹ Maria cũng đối xử như thế đối với từng người chúng ta, nghĩa là luôn để ý đến nhu cầu của từng người chúng ta và tìm cách giúp chúng ta thỏa mãn nhu cầu đó.

 

NGUYỆN NGĂÉM

+ Cấu  tạo nơi  chốn: Chúng ta hãy hình dung Mẹ Maria đã đến giúp đám cho gia chủ, có lẽ là bà con, vì nhà đám có biết bao nhiêu công việc phải làm để chuẩn bị cho tiệc cưới. Hãy thán phục lòng tốt của Mẹ. Mẹ hy sinh bầu khí tĩnh mịch thanh thản thích thú tại Nazareth. Mẹ đầy lòng quảng đại và trọng kính cuộc hôn nhân nên đã đến tham dự các lễ nghi và tiệc cưới.

Sau đó ta hãy hình dung ra Chúa Giêsu từ Galilê trở về với năm môn đệ. Từ Nazareth tới Cana chỉ mất một giờ đi bộ, nhưng cuộc hành trình của Chúa dừng lại ở nhiều nơi nên mất những ba ngày. Cana là một làng nhỏ bé nằm trong thung lũng phì nhiêu.

 

VINH DỰ CHO NHÀ ĐÁM

Tại sao Thầy Chí Thánh lại chọn cuộc cử hành hôn nhân làm bước đường đầu cho đời sống công khai của Ngài? Tại sao Ngài lại đánh dấu ngày ấy bằng một phép lạ đầu tiên như thế? Không bao giờ Chúa hành động vô lý, và hơn ai hết, Ngài hiểu biết tầm quan trọng mà sau này các tín hữu mọi thời đại sẽ nói đến bước đầu tầm thường đó. Do vậy, cách cư xử của Ngài nói lên rằng, Ngài tôn trọng bậc sống lứa đôi cao quí và cho ta thấy sự thánh thiện cần phải có: sự hiện diện của Chúa Giêsu tại Cana nói lên đặc tính siêu  nhiên và cao trọng của hôn nhân trong xã hội loài người.

Thái độ của Mẹ Maria và Chúa Giêsu là bài học tuyệt hảo cho mọi người và đặc biệt cho những người đạo đức. Các Ngài biết dung hòa sở thích cá nhân với đức trinh khiết rất tài tình và đáng ca ngợi. Trước khi thánh Phaolô giảng dạy về vấn đề này, thì Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã sống làm gương mẫu. Khinh bỉ và coi thường bậc sống lứa đôi là một quan niệm bất công và vô lý dù ở bất cứ thời đại nào. Quan niệm sai lầm này chỉ có thể phát xuất từ một tinh thần hẹp hòi và có lẽ do cả tính kiếu ngạo sâu xa.

Nếu các người sống đồng trinh được hạnh phúc khi sống hoàn toàn thuộc về Chúa, thì những người có đời sống lứa đôi cũng có thể hãnh diện vì được mời gọi cộng tác vào việc tạo dựng và sinh thêm những người con mới để ca tụng Ngài. Vai trò của họ thật sự quan trọng và cao cả, đòi hỏi phải có nhiều nhân đức vững vàng. Ít người để ý và suy niệm về các quan điểm này. Chúng ta hãy thán phục Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan đã ban cho mỗi bậc sống một vẻ đẹp riêng và khi mời gọi các tâm hồn sống theo ơn gọi khác nhau Ngài đã đặt họ trong nấc thang giá trị và thưởng công hoàn toàn bình đẳng. Phần thưởng không hệ tại cuộc sống này hay cuộc sống khác, nhưng là ở việc trung  thành với bổn phận và tùy mức độ yêu mến Chúa thúc đẩy.

 

LỜI XIN CỦA MẸ MARIA

Giờ đây chúng ta đi vào bối cảnh của Tin Mừng. Nhờ mối thâm tình tế nhị đối với gia chủ nên Mẹ Maria đã bao quát toàn diện tiệc cưới và nhận ngay ra thế kẹt bất ngờ: tiệc chưa xong thì rượu hết. Thực khách còn đông đảo, làm sao có rượu ngay để tiếp? Mẹ thấy cần phải nói cho con biết, và chỉ phép lạ mới giải quyết được, nhưng Ngài lại chưa muốn làm phép lạ. Ngài luôn sống ẩn dật. Không biết ngày hôm nay Ngài muốn xuất hiện chưa? Lòng Mẹ có một ý tưởng gợi lên mối thông cảm. Mẹ sẽ không cầu xin gì, mà chỉ đặt mối lo lắng của chủ nhà trước mắt Chúa Giêsu. Với ánh mắt khẩn khoản và kính cẩn, Mẹ nói với Chúa: ‘họ hết rượu rồi!

Chúng ta sẽ thấy lại cách cầu nguyện này nơi Marta và Maria khi nói đến Lazarô. Chúng ta hãy chiêm ngắm mọi vẻ đẹp hàm chứa trong đó. Lời nguyện đầy bác ái và tình thương đầy tin tưởng sâu xa và dè dặt đáng phục. Một lời nài xin như thế rất mãnh liệt và chính nhờ lời mời gọi âm thầm đó mà Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên của Ngài.

 

CÁCH CẦU NGUYỆN TUYỆT HẢO

Tại sao chúng ta không bắt chước Mẹ mà cầu nguyện như thế? Cách cầu nguyện này nói lên tất cả mà không đi đến thái quá. Nó ít qui về mình, mà qui về quyền Thiên Chúa, cũng chẳng làm phật lòng Ngài khiến Ngài phải từ chối vì lời xin không hề có tính cách bó buộc và đòi hỏi gì cả. Chúng ta cứ thành thật trình bày trước  người Cha quyền phép các nhu cầu vật chất của thể xác và nhu cầu thiêng liêng của tâm hồn chúng ta cũng như mọi người thân thích. Có thể thay lời nói bằng ánh mắt và cử chỉ của các kẻ nghèo ngồi xin trước cửa nhà chúng ta, cũng thường ăn xin như vậy!

Chúng ta hãy sống như thế đối với những người khác, chẳng hạn như cha mẹ, bề trên chúng ta. Thái độ sống này thật xứng hợp với với lòng kính trọng chúng ta phải có. Than ôi, thời nay ít ai nhận biết chân lý này và cũng ít có ai thực hiện được như thế. Thế là gương mẫu của Mẹ Maria ngày một bị quên lãng.

Đức ái giúp chúng ta biết sống hòa mình với những người khó tính. Cứ để cho họ khởi xướng công việc và một khi thỏa mãn phần nào đòi hỏi của họ rồi chúng ta phải làm sao để họ chấp nhận điều ta đề nghị với họ. Như thế có lợi đôi bề và mang lại niềm vui êm dịu cho trái tim Chúa.

Chúng ta hãy trở về với Mẹ Maria để chiêm ngưỡng thái độ mềm mỏng cùng với giọng nói dịu dàng của Mẹ. Trên gương mặt Mẹ, chúng ta có thể đọc thấy những nét gợi cảm của Mẹ nhất là những tâm tình hướng dẫn tâm hồn Mẹ trong đời sống.

Cám ơn Mẹ đã để lại cho chúng ta gương mẫu hợp với khả năng của ta. Cuối cùng, hãy cố gắng thực hiện gương mẫu đó vào cuộc sống với người và hoàn cảnh thuận tiện!

----------o0o---------