BÀI THỨ 145

          NƯỚC  TRƯỜNG SINH

          V. Trong Tinh Thần Và Chân Lý

TRONG TINH THẦN  

Hãy nhìn xem thiếu phụ Samaria vừa chỉ ngọn núi Garizim vừa nói: ‘Cha ông chúng tôi đã phụng thờ trên núi này, còn các ông, những người Do Thái lại nói: Thiên Chúa muốn được phụng thờ ở Giêrusalem.’ Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu giang tay chỉ về chân Trời và phán: ‘Này Chị, đã đến lúc người ta không còn phụng thờ Thiên Chúa trên núi này hay ở Giêrusalem nữa. Thiên Chúa muốn người ta thành tâm sùng kính Ngài trong tinh thần và chân lý.’

Chúa Giêsu giơ tay chỉ vào cả vũ trụ, và lời Ngài nói có ý dẹp bỏ không những các đền miếu giả tạo khắp trên trần gian, mà cả những nghi thức bảo thủ hẹp hòi. Việc thờ kính Thiên Chúa phải tỏa rộng ra khắp nơi như ánh sáng. Thiên Chúa ngự trị mọi nơi, và bất cứ ở đâu Ngài cũng đều cao trọng, đáng thờ lạy. Ngài cũng hiện diện trong toàn cõi bao la của muôn triệu tinh tú. Ngài cũng hiện diện đầy đủ cả trong hạt bụi nhỏ bé nhất rơi vãi ngoài đường. Thật là trái ngược với những quan niệm thông thường.

Thiên  Chúa là Đấng thiêng liêng. Chúng ta thuộc thế giới vật chất có thân xác, nên không thể hiểu biết và nhìn thấy Ngài được. Đem kích thước không gian bao la gán ghép cho Ngài, chúng ta vẫn thu hẹp Ngài lại, vì Ngài là Đấng Vô Biên. Dù có giam Ngài vào kích thước nhỏ bé của hạt bụi, chúng ta cũng không thể làm giảm bớt đặc tính vô biên của Ngài. Thể chất không thể là không gian giam hãm Ngài lại được. Vạn vật đều ở trong Ngài, tiếp xúc với Ngài như bọt bể trong đại dương vậy. Ngài choán ngự mọi chân trời. Ngài hòa nhập trong không khí chúng ta thở.

Lạy Chúa, vậy con có thể tôn thờ Chúa ở khắp nơi, trong mọi vật và trong cả con nữa!  Như thế con người được trở về địa vị ban đầu đối với thiên nhiên: Adong được tạo dựng để làm tiếng nói của Chúa và ca tụng Ngài. Người thực tâm tôn thờ Ngài cũng nói lên tiếng nói này và còn tiếp tục kéo dài lời ca tụng cho tới vô tận. Do đó, việc phụng thờ của người Do Thái bị hủy bỏ vì đã lỗi thời và quá câu nệ vào hình thức. Nhân loại được giải phóng. Mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người đều được hạ xuống. Tất cả các tâm hồn đều có thể chạy đến với Thiên Chúa bất cứ lúc nào, nơi nào. Họ chạy đến với Ngài như đến với người Cha.

 

TRONG CHÂN LÝù

Thờ kính Thiên  Chúa trong tinh thần là như thế. Vậy còn tiếng ‘trong chân lý’ nghĩa là gì? Hình thức tôn kính nơi người Do Thái chỉ là hình bóng việc thờ kính mới của Tân Ước. Mọi hiến vật sát tế trong đạo cũ đều như sửa soạn cho hiến vật cao trọng độc nhất có hiệu năng chuộc hết tội lỗi nhân loại trước mặt Thiên Chúa, và ca tụng đầy đủ mọi vẻ siêu việt của Ngài. Qua giòng máu sát tế chảy trên các bàn thờ đạo cũ, Thiên Chúa nhìn thấy hình ảnh giòng máu một ngày kia sẽ chảy trên núi Sọ. Và trong hương trầm nghi ngút cuộn bay từ các bàn thờ tiến hương, Thiên  Chúa cũng đã nếm thử những tôn thờ Chúa Giêsu, những tôn thờ của riêng Ngài, và của vô số các phần tử trong nhiệm thể Ngài qua mọi thời đại.

Lúc đó trước mắt Ngài hiện lên hình ảnh tuyệt diệu của Bí tích Thánh Thể mà một tiên tri đã diễn tả như sau: ‘Từ rạng đông tới chiều hôm, danh ta vẫn oai hùng nơi các dân tộc. Khắp nơi đều có những bàn thờ hiến tế và hiến vật dâng lên Ta rất tinh truyền.

Đền thờ độc nhất của đạo cũ đã bị hủy bỏ, vì Mình và Máu Chúa nay cũng hiện diện đích thực trên muôn vàn đền thờ khác. Tất cả các đền thờ đều có Thiên Chúa ngự trị. Ngài vừa là người thờ lạy, vừa là Đấng được tôn thờ. Từ miền duyên hải tới vùng sơn cốc, từ miền đồng bằng tới miền cao nguyên, trong thành phố cũng như giữa sa mạc đều có một hiến tế như nhau.

Như thế xem ra Thiên  Chúa bị chia sẻ, nhưng thực ra Ngài chẳng bị suy giảm chút nào. Ngài hiện diện khắp nơi mà vẫn là một Hiện Hữu duy nhất: chiếc lều tồi tàn giữa rừng hoang để Ngài hiện diện cũng không giảm bớt vinh quang Ngài, cung điện nguy nga nhất cũng chẳng thêm phần tôn kính bề ngoài hơn, đối với Đấng mà cả bầu trời cũng không chứa nổi.

 

TRONG CẢ HOÀN CẦU

Hãy quan tâm tới cử chỉ Chúa Giêsu giơ tay hướng về chân Trời. Cử chỉ này rất bao quát: Chúa Giêsu ám chỉ cả toàn cầu. Cử chỉ ấy như muốn lật đổ tất cả các đền thờ giả tạo. Đó cũng là cử chỉ của người gieo giống: Chúa Giêsu tung ra muôn phương những hạt giống rồi đây sẽ biến thành đền thờ với tháp chuông cao vút để dâng lên Ngài muôn lời chúc tụng.

Thán phục cảnh tượng vĩ đại, đơn sơ lạ lùng và mầu nhiệm này. Thấm nhuần tư tưởng cao siêu của Chúa Giêsu. Chúc tụng và cảm tạ Ngài. Chắc chắn các tiên tri khi loan báo về Phép Thánh Thể cũng không am hiễu rõ ràng. Chắc chắn thiếu phụ Samaria cũng chẳng nhìn thấy trong cử điệu này những điều mà chúng ta vừa tìm thấy. Chúng ta hãy hãnh diện là những người bạn tâm phúc được Chúa dạy bảo nhiều hơn. Chớ gì tâm tình và đời sống đạo đức cũng như cuộc sống hằng ngày của chúng ta chứng minh rằng chúng ta thấu hiểu những điều cao trọng đó.