BÀI THỨ 205

GIỚI RĂN VÀ LỜI HUẤN DỤ

ĐIỂM KHÁC BIỆT NHAU

Chúng ta đã sẵn sàng đón nhận những lời giáo huấn trong ‘Tám Mối Phúc Thật.’ Giờ đây chúng ta đề cập tới bản tính và giới hạn của những đòi buộc trong đó. Chúng ta bắt đầu bằng cách phân biệt chúng với các giới răn.

Một chàng thanh niên đến gần Chúa Giêsu thưa Ngài rằng: thưa Thầy tôi phải làm gì để được sống đời đời. Ngài đáp: nếu bạn muốn sống đời đời, hãy tuân giữ các giới răn. Người thanh niên thưa: tôi đã giữ các giới răn từ khi có trí khôn. Bấy giờ Chúa Giêsu cảm thấy mến chàng và bảo: nếu bạn muốn nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho người nghèo, đến theo Ta!

Dựa theo đây, thì các giới răn đều có tính chất bắt buộc. Buộc nặng hay nhẹ là tùy vào tầm quan trọng của đối  tượng. Còn các lời khuyên nhủ mang đặc tính  tự do: ‘Nếu bạn muốn’, có nghĩa là bạn được tự do lựa chọn. Chàng thanh niên dùng quyền tự do đó, nên đã buồn bã ra đi, và Chúa Giêsu buồn rầu không ít.

Ai học kinh bổn đều biết các giới răn dạy gì rồi. Các tâm hồn đạo đức không những luôn tránh phạm các lỗi nặng, mà còn để tâm giữ mình trong các điều nhỏ mọn hay không đáng kể trước mặt người đời. Họ cố gắng kìm hãm tính nhẹ dạ vì nó có thể đi đến tội nhẹ. Và không phải là võ đoán nếu bảo rằng, tâm hồn chuyên chăm nguyện ngắm hằng ngày thường biết sống tự chủ và sẽ không nuông theo tự do quá chớn. Nên họ chỉ cần đề phòng các tội bất ngờ hay do tính yếu đuối thôi. Lương tâm người tế nhị luôn cho là có tội hay ít là tội nhẹ mọi thái độ bất trung với một vài lời khuyên nhủ trong Tin Mừng, nhiều khi còn coi các bê trễ có suy xét hợp lý là bất trung nữa. Ta hãy đặc biệt chú ý đến điểm này!

 

NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG LỜI HUẤN DUï 

Đức khôn ngoan có tầm mức quan trọng hơn các đức khác không phải quan trọng về địa vị, nhưng quan trọng vì nó cần thiết trong thực hành. Nó là kim chỉ nam đóng vai trò hướng dẫn; người hướng dẫn thì luôn đi trước để đưa đường chỉ lối.

1- Trước hết đức khôn ngoan xác nhận rằng: các lời huấn dụ trong ‘Tám Mối Phúc Thật’ dù có hoàn hảo đến mấy đi nữa, nhưng cũng không thể áp dụng trong một vài trường hợp nào đó. Chẳng hạn một người cha trong gia đình đâu có quyền bán hết của cải rồi phân phát cho người nghèo mà không giữ lại để nuôi con cái. Mọi lời huấn dụ đều phải nhường bước trước các bổn phận chính đáng. Đó là quy tắc khôn ngoan thứ nhất.

2- Đức khôn ngoan đòi mỗi người phải lượng sức mình: sức lực thể xác cũng như tinh thần. Không ai có thể bị bắt buộc phải đảm nhận công cuộc quá tầm sức của mình cả. Thái quá thường hay bất cập. Chúng ta đừng lẫn lộn đức khôn ngoan với tính nhát đảm, muốn thế phải nhờ ơn thánh soi sáng.

3- Làm sao để biết và lượng được sức mình? Đức khôn ngoan đưa ra một vài cách thức như sau: suy nghĩ, cầu nguyện, chờ đợi, bàn hỏi. Ngoài ra còn thêm một quy tắc đừng do dự quá lâu, hãy bắt tay vào việc nhanh chóng, vì họa lắm mới có một quyết định thật rõ ràng. Hãy bằng lòng với những điều đã suy nghĩ hẳn hoi và có phần nào chắc chắn.

Hành động như thế, bạn có thể lầm, nhưng bạn sẽ không phàn nàn điều gì, vả lại hãy tin tưởng một điều là Thiên Chúa sẽ bù đắp những gì sai lầm và thiếu sót, Ngài sẽ biến thành điều tốt.

4- Khi nói đến việc chu toàn những lời huấn dụ mà Tin Mừng không đòi buộc, bạn đừng vì thế mà kết luận rằng, bạn không có chút bổn phận nào phải giữ. Bạn hãy cố gắng sống tinh thần lời huấn dụ ấy. Như vậy, tinh thần sẽ làm cho sống động. Một người giàu sang phú quý vẫn có thể sống tinh thần khó nghèo hơn cả mọi người nghèo khó khác. Cũng thế người ta có thể sống hiền dịu trong thái độ nghiêm khắc, sống khổ hạnh trong những tiện nghi cần thiết. Điều này có thể áp dụng cho mọi nhân đức.

 

SUY NIỆM VÀ DỐC QUYẾT

Sống theo các lời huấn dụ của Tin Mừng bằng cách thực hành bên ngoài hay giữ trong tinh thần là tránh được mọi quyến rũ thế gian, là tạo cho tâm hồn một sự tự do, và có được đà thăng tiến với vẻ đẹp khôn sánh là chiếm hữu trước được một chỗ ngồi xứng đáng trong Nước Trời là bắt chước Chúa Giêsu và làm cho Ngài đem lòng thương mến ta.

Sống được như thế là đã thực thi nghiêm chỉnh vai trò của người Kitôâ hữu dưới trần gian: đó là ‘Tôn vinh Thiên Chúa.’ Chớ gì ai cũng hiểu được từ ngữ ‘Tôn vinh Thiên Chúa’ đối với các thánh hàm chứa những gì!

Lạy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế hiền hậu, con đoan chắc Chúa đã xuống thế là vì chúng con. Nhưng, mục đích của việc Chúa bỏ Trời cao để chạy theo khổ giá, và động lực tạo nên tình yêu đối với chúng con, trước hết là lòng hăng say tôn vinh Chúa Cha.

Hãy thấm nhuần từ từ những tia sáng mạc khải này, rồi hướng mọi tư tưởng lên cao với ước muốn lành thánh và lới cầu nguyện thiết tha!

----------o0o----------