BÀI THỨ 211

TÌNH YÊU THA NHÂN

II.- Tính Cách Bắt Buộc

KHÍA CẠNH TIÊU CỰC CỦA LUẬT

Tình yêu tha nhân như Lời Chúa Giêsu công bố mà chúng ta vừa suy niệm hàm chứa một bổn phận. Không chu toàn bổn phận này là một lỗi phạm. Lỗi phạm nặng nhẹ tùy theo tính chất sự thiếu sót. Sau này, lần lần chúng ta sẽ suy đến các lời khuyên, riêng hôm nay thì chúng ta chỉ tập trung chú ý để suy gẫm về sự vi phạm các giới răn. Người ta thường lỗi phạm luật yêu thương nhiều hơn người ta tưởng. Tôi tự hỏi chẳng lẽ tôi không có điều gì đáng chê trách về vấn đề này sao? Phải chăng tôi đã không bị mù quáng vì những ảo tưởng do tập quán và môi trường chung quanh đem lại?

Lạy Chúa Giêsu, con sắp đào sâu tìm hiểu một lời của Chúa mà hôm qua con mới chỉ suy niệm cách đại cương, nhưng con sẽ không thể thấu hiểu được tất cả ý nghĩa, nếu Chúa không nói lại lần nữa vào trái tim con. Con xin lắng nghe Chúa đây.

Và Thày, Thày nói cho con biết, ai nổi giận với anh em mình, sẽ bị dẫn ra trước tòa Thiên Chúa.’ Mọi cơn giận dữ, mọi biểu lộ khinh bỉ, mọi lời đay nghiến, mọi lời xúc phạm, mọi cách nhục mạ, tất cả đếu là lỗi phạm! Hồn tôi hỡi, nếu ngươi ngạc nhiên cho đó là quá nghiêm khắc, thì ngươi hãy nghĩ xem địa vị cao quý của một con người, nhất là của một Kitôâ hữu đòi phải có những gì!

Hai lý do biện minh cho đòi hỏi khôn ngoan trên:

1.  Thiên Chúa thấy rõ tình cảm của chúng ta cũng như thấy các hành vi bên ngoài của chúng ta vậy; và những tình cảm đó cũng làm mất lòng Ngài như các hành vi. Tôi lưu ý tới cái nhìn của Thiên Chúa thấu suốt tâm tư tôi.

2.  Tình cảm là nguồn mạch phát sinh mọi hành động. Chúng luôn có ảnh hưởng âm thầm và luôn đè nặng trên chúng ta: đó chính là kẻ thù ở ngay trong chúng ta.

Hãy dẹp bỏ mọi hằn học, mọi ước muốn trả thù vì chúng như những liều thuốc độc hủy hoại đức ái thần linh. Đức ái siêu nhiên chỉ có một chứ không có hai: một dành để yêu Thiên Chúa, và một dành để yêu tha nhân. Tất cả những gì liên quan đến tinh yêu tha nhân thì đồng thời cũng liên hệ đến chính Thiên Chúa.

Nếu tôi nghĩ đến hậu quả đó, tôi sẽ tự trách mình tôi vì những lầm lỗi nhỏ nhặt nhất khi phạm đến tha nhân. Nhưng than ôi! Đã bao lần tôi quên lãng và đã lầm tưởng biết bao! Ít khi tôi trách mình về những thiếu sót đó; nếu tôi có xưng ra trong tòa cáo giải, thì cũng chì   thói quen, và tôi không bao giờ sửa chữa.

 

KHÍA CẠNH TÍCH CỰC CỦA LUẬT

Không xúc phạm đến tha nhân, không khinh bỉ họ, không ghét bỏ họ, đó là khía cạnh tiêu cực của luật. Khía cạnh tích cực dạy phải yêu thương họ.

Yêu thương một người đầy những khuyết điểm, yêu thương một người mà tôi không có chút thiện cảm, yêu thương kẻ luôn chỉ trích tôi, hoặc người muốn thống trị hay tìm cách tránh xa tôi như thế thực quá sức tôi! Chịu đựng họ, lại giúp đỡ họ nữa, mà vẫn không để lộ vẻ khó chịu, như thế đã chẳng đủ lắm sao! Chưa, ngàn lần chưa đủ, còn phải yêu thương họ nữa, luật mới cho đó là một bổn phận.  Không, đó là điều không thể làm được!

Phải, có lẽ là không thể được, nếu bạn giải thích tiếng ‘yêu’ này theo chiều hướng tình cảm nhân loại, luôn muốn tìm cảm giác dịu êm: vì chỉ có các thánh mới có thể đạt đến chỗ đó! Tình yêu Thiên Chúa của các Ngài bao bọc cả tha nhân yêu quý. Chỉ tình yêu mới đem đến thái độ dâng hiến; đó là tình yêu của ý chí, không lấy động lực ở phẩm tính con người. Phẩm tính của tình yêu đó là trở nên trung thực và luôn hoạt động. Tình yêu đó có thể đích thực, bất chấp những ấn tượng trái ngược mà tình yêu phải chiến đấu chống lại ngay ở bên trong, còn bên ngoài nó vẫn tỏ lộ lòng khoan nhân thành thật.

 

SỰ DỮ VÀ PHƯƠNG DƯỢC

Giới luật bác ái này có hiện diện nơi mọi môi trường Kitôâ giáo không? Nó có luôn ngự trị giữa những người đạo đức không? Tôi có cho đó là một giới luật và đem thực hành không?

Tiếc thay, sự thực lại không như vậy! Khắp nơi người ta sống theo bản tính tự nhiên. Sự dữ thì quá lớn lao, người ta không nhận thấy nhưng vẫn phải đau khổ vì nó: người ta tự mãn, người ta tìm kiếm bảo đảm và hài lòng với các mối liên lạc, với công việc thịnh đạt và tiếng tăm đạo đức.

Nhận thấy sự dữ to tát thôi thì chưa đủ, nhưng việc phải làm thì tìm cách chữa trị, và để chữa trị thì việc đầu tiên là phải nhận biết nguyên do. Đây là những nguyên do chính:

1. Những lối giải thích quá phàm tục dần dần đưa đến quan niệm sai lạc về luật mới: chúng ta hãy gạt bỏ những lối giải thích hàm ý xấu; đó là một thành phần phá hoại mạnh nhất.

2. Những tư tưởng của thế gian, ít thấm nhiễm tinh thần Kitôâ giáo đã âm thầm làm sai lệch tư tưởng của chúng ta.

3. Chúng ta càng bị lôi kéo thì tập quán càng đưa đến thái độ vô tâm, và ảo tưởng thường đĩng cánh cửa hối hận, trong khi chỉ có việc tự hối mới có thể đưa đến thực hành lời Chúa Giêsu.

Tôi cần xét lại tư tưởng và tâm tình của tôi về khía cạnh này. Tôi cũng cần sửa đổi các tư tưởng không đúng và những tâm tình trái nghịch với đòi hỏi của luật mới.

Để kiểm điểm, tôi tự nhủ: Thầy Chí Thánh đánh giá cách quan sát và hành động của tôi như thế nào?

Khi thấy không thể tự mình thay đổi tư tưởng hay tình cảm nào đó, tôi cần luôn nhớ đến chân lý này: ơn thánh có thể làm được tất cả, và đó là sức mạnh thần linh. Tôi có được ơn thánh do cầu nguyện và cố gắng? Nếu cho đến nay tôi chưa biết tự thắng mình, đó là vì tôi chưa cầu nguyện và chưa muốn đủ.

Hối tiếc - Ước ao - Dốc quyết.

----------o0o----------