BÀI THỨ 265

NGƯỜI CHA ĐÓN ĐỨA CON THỐNG HỐI

 

Chúng ta chỉ nhìn qua các suy tư luân lý trong đoạn văn kể lại câu chuyện đứa con phung phá thôi, để khỏi quên mất mục đích ở đây là tìm hiểu và đề cao tình phụ tử. Chúng ta hãy đào sâu chủ đề này để thấu hiểu tư tưởng của Chúa Giêsu nói về Chúa Cha trên Trời.

 

ĐỨA CON PHUNG PHÁ KHỔ CỰC

Chàng ta là một người sa đoạ ai cũng khinh miệt. Chàng ăn mặc rách rưới bẩn thỉu thật xấu xa đê tiện. Tất cả đều do chính lỗi chàng mà ra cả. Nền giáo dục căn bản của gia đình đã giữ chàng khỏi sa xuống vực thẳm nhưng dù sao cũng không thể chữa lỗi cho chàng được, tất cả đều như vô ích.

Lý do nào khiến chàng trở lại? Người ta không thể thấy một lý do nào tầm thường và vụ lợi hơn. Chàng đói bụng và nhìn đồ ăn của heo khiến chàng nghĩ tới cảnh sung sướng no ấm những người đầy tớ hèn hạ đang được hưởng ở nhà cha mình. Chàng tự nhủ: nếu được như họ ta cũng ăn no mặc đẹp rồi. Đó là ý nghĩ quá tầm thường ám ảnh, đồng thời cũng là động lực khiến chàng chẳng nghĩ gì tới cảnh xấu hổ nhuốc nha hoặc đau khổ ê chề mình đã gây ra cho người cha; chỉ cần các nhu cầu của mình được thỏa mãn, thế là đủ rồi. Đây là vẻ xấu xa tột độ của lòng ích kỷ loài người.

Ai sẽ đem lòng xót thương kẻ khốn nạn đó? Ai sẽ giơ tay đón nhận hắn? Ai cũng chỉ biết nói: thật đáng kiếp! Nếu chàng có tỏ ra cao thượng biết điều hơn một chút thì cũng chưa chắc đã khiến người thương yêu quý mến, có chăng may ra họ chỉ bố thí cho một mẩu bánh. Chàng cảm thấy xót xa thấm thía và tìm cách xin người ta giúp đỡ.

Chỉ có một hình ảnh rõ rệt chàng không bao giờ quên được và luôn giúp chàng hy vọng: ‘Cha tôi, phải, tôi phải về với cha tôi.’ Đói lả, chàng chỉ nghĩ tới mâm cỗ, nhưng rồi sau đó liên tưởng tới nhà Cha thân yêu. Và kìa, sau cùng chàng trỗi dậy đi về nhà.

Hỡi linh hồn đáng thương, con cũng trải qua những giai đoạn hối hận như thế chứ? Tư lợi, sở thích riêng của con, đó là động lực của bản năng xuất hiện trước tiên trong con khi gặp khó khăn. Nếu có người dần dần thăng hóa được động lực bản năng đó, thì cũng có rất nhều người dừng lại giữa đường: xấu hổ, sợ sệt, nhu cầu khẩn cấp thường là những hối tiếc rõ rệt do tính ích kỷ đem lại.

 

LÊN ĐƯỜNG TRỞ VỀ THÚ TỘI

Nếu người Cha nào là người duy nhất không xua đuổi đứa con trở về vì tư lợi của nó, vì thiếu thốn đủ điều, chẳng còn ai giơ tay đón tiếp nó, thì phải công nhận rằng người cha ấy tốt lành vô cùng! Khi nghĩ tới đó, tâm hồn đen tối và lạnh nhạt kia bỗng thấy sáng chói và tràn trề hy vọng: Tôi sẽ đi về nhà cha tôi và tôi sẽ thưa ngài: Lạy cha, con đắc tội với Trời và với cha. Con chẳng đáng được gọi là con cha nữa, xin cha coi con như người làm công trong nhà.

Phải, giờ đây, tất cả đều sáng tỏ: chàng thấy mình là người tội lỗi, một kẻ vô ơn bất xứng bằng lòng chọn địa vị hèn hạ chót cùng. Chàng không dám kêu than nữa. Chàng cam chịu đau khổ.

Chúng ta hãy theo chàng đi về nhà cha chàng. Chàng không dám bước sâu vào cuộc sống trác táng nữa. Sau khi chơi bời sa đoạ, sao chàng dám trở về trình diện với bộ đồ quá rách rưới? Xấu hổ làm chàng chùn chân vì biết đâu cha chàng sẽ từ khước, nguyền rủa và xua đuổi chàng. Chàng có bị thế cũng đáng lắm, vì đã làm mất thanh danh gia đình, để cha mình bao đêm phải trằn trọc theo thức đến nỗi đầu tóc bạc phơ. Xưa kia cha chàng yêu mến chàng bao nhiêu, rồi từ ngày đó  chàng chồng chất lên người cha bao nỗi đắng cay cơ cực biến đổi lòng người từ yêu sang ghét!

Không, không gì thay đổi được lòng người cha chân thực. Chúng ta hãy xem cụ già vội vã ra cổng đón con. Ông hăng hái đứng thẳng người lên, như quên năm tháng già nua. Dáng đi ông mạnh mẽ, nét mặt ông rạng ngời. Ông đã thấy từ xa xa và đã hiểu tất cả. Ông chẳng còn chần chừ chi nữa. Đúng con ta đó rồi! Và kìa chàng đang quỳ dưới chân ông nức nở than van: ‘con đã phạm tội với Trời và với cha. Con chẳng đáng được gọi là con cha nữa, xin cha coi con như người làm công.’ Chàng khóc nức nở, đôi mắt đẫm lệ, nước mắt chảy xuống gò má gầy yếu. Rồi chàng ngước mắt nhìn lên để xin tha thứ. Nhưng người cha già đã đỡ chàng dậy, ôm chặt chàng vào ngực mặc cho lòng thổn thức!

Nhìn về bản thân và tìm ra những nét chính của đứa con phung phá, và phần hồn cũng rách rưới, tiều tụy tương tự như thế. Rồi ngước mắt nhìn lên người Cha nhân từ trên Trời.

----------o0o----------