BÀI THỨ 296

CÁC SỨ ĐỒ KHÔNG HIỂU GÌ

 

+ Tiền nguyện: Hình dung lại cảnh tượng hôm qua. Đặc biệt chú ý tới thái độ của các sứ đồ: gương mặt các ông hiện lên vẻ ngỡ ngàng và sợ sệt.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được hiểu biết điều mà các sứ đồ không hiểu lúc bấy giờ và mãi sau này các ông mới hiểu!

 

NGUYÊN DO CÁC SỨ ĐỒ KHÔNG HIỂU

Tâm tư, cảm nghĩ của các Sứ đồ lúc đó còn đầy tính chất loài người. Bản tính nhân loại luôn sợ phải đau khổ và nhục nhã. Và để không còn biết sợ hãi nữa thì bản tính đó phải được biến đổi. Để chuẩn bị cho tâm hồn có thể cải hóa thì phải có những tư tưởng siêu nhiên, và sau đó thói quen sẽ hoàn tất được công việc cải hóa này. Tuy nhiên những hành vi quảng đại cũng góp được một phần nào vào việc cải hóa bản tính con người trên đây.

Phải chăng các sứ đồ là những người đáng trách? Các ông đã từng nghe biết lời giảng dạy và nhìn thấy nếp sống của Thầy Chí Thánh. Những lời huấn dụ vàng ngọc, những phép lạ nhãn tiền đó đáng lẽ đã biến đổi tâm hồn các ông rồi mới phải. ‘Phúc cho người khóc lóc! Phúc cho người bị bách hại vì công chính! Hạt lúa mì phải rơi xuống đất, mục nát đi mới nẩy mọc thành cây xanh tốt sai hạt được.’ Tại sao các ông lại chưa hiểu gì? Nguyên do là vì các ông ít trung thành với ơn thánh, vẫn sống theo trào lưu, ảnh hưởng, quan niệm theo người đời. Và cũng như người đời, các ông mong đợi một Đấng Cứu Thế quyền uy thống trị hoàn cầu, để rồi cùng được cai trị với Ngài.

Trước nỗi khổ tâm dằn vặt của Thầy Chí Thánh, các ông sợ hãi: sợ cho Ngài và nhất là cho chính bản thân mình. Vì biết đâu các ông chẳng bị liên lụy, vì là môn đệ của Ngài, chung sống với Ngài. Ý nghĩ này làm các ông tối mắt lại và không nhìn thấy các lý lẽ cao sâu để rồi không hiểu ý nghĩa siêu nhiên.

Nhưng dầu sao chúng ta cũng đừng tỏ ra khinh thị thái độ sợ hãi tự nhiên nơi các vị Sứ đồ. Lỗi lầm chúng ta thật ra còn đáng trách hơn sự yếu đuối của các ông, mà sao chúng ta vẫn làm ngơ không đếm xỉa gì đến. Vả lại, chỉ mấy tháng nữa thôi, khi chịu lấy Chúa Thánh Linh, các ông sẽ xông pha lên đường truyền giáo, bất chấp mọi chông gai khó nhọc với tinh thần hăng say nhiệt thành theo gương Thầy Chí Thánh hôm nay đây.

 

CHÚNG TA CŨNG GIỐNG NHƯ SỨ ĐỒ

Chúng ta đã được nghe biết nhiều về giáo huấn của Hội Thánh qua các đấng các bậc có nhiệm vụ giảng dạy. Tin Mừng, các bài giảng thuyết, sách vở tu đức, hay lễ nghi phụng vụ hằng nhắc nhở cho chúng ta vai trò cao đẹp của khổ đau và nhục nhằn. Mọi người chúng ta đều hiểu biết và đều muốn thực hiện nếp sống Chúa dạy qua giáo huấn của Hội Thánh. Tuy nhiên, gặp hoàn cảnh khó khăn nào đó, mọi tư tưởng đẹp đẽ lĩnh hội được trong các giờ nguyện ngắm hay học hỏi kia đều chắp cánh xa bay, nhường chỗ cho những thành kiến thiển cận trở lại xâm chiếm tâm hồn. Chúng ta lại bị khuất phục trước bản tính tự nhiên của con người với thái độ hoàn toàn chủ bại: như lo âu, nhút nhát, muốn trốn tránh. Sao chúng ta lại giống thái độ các Sứ đồ thế! Có lẽ cũng như các ông, chúng ta đã đáp lại ơn thánh cách hời hợt. Chúng ta chưa cải hóa tư tưởng hoàn toàn. Bản tính tự nhiên vẫn còn nguyên vẹn, có chăng chỉ tạm thời lắng dịu để chờ cơ hội phát hiện về sau. Như chúng ta biết, việc cải hóa toàn diện con người là không thể có được, nếu thiếu vắng ơn thánh, một thứ ơn thánh đặc biệt, trung thành với ơn thánh đã nhận, cầu nguyện liên lỉ, và cố gắng hàng ngày, đó là chìa khóa giúp chúng ta thành công trong việc cải hóa tâm hồn.

Bạn thân mến, cứ hy vọng và can đảm lên, các Sứ đồ đã lâm vào tình trạng như vậy. Bạn hãy bắt chước và hành động như các ông đi! Nếu Chúa Giêsu vẫn luôn yêu mến các ông, dù các ông không mấy hoàn hảo, thì lẽ nào Đấng vô cùng nhân hậu ấy lại không thương mến bạn?

 

DẦU SAO CÁC SỨ ĐỒ VẪN THEO CHÚA GIÊSU

Dù chưa hiểu Chúa Giêsu, các Sứ đồ vẫn yêu mến và đi theo Ngài. Vậy thì các ông không phải là không có công, vì các ông cũng xông pha phần nào trong nguy hiểm: hoàn cảnh gay go mà Thầy Chí Thánh vẫn tiếp tục giảng và xuất hiện công khai.

Ước gì tôi cũng can đảm như thế! Tự nhiên có lẽ tôi chẳng ưa chuộng gì đau khổ: nhìn hay nghe tới thôi cũng đủ sợ rồi. Tuy nhiên, dù bổn phận không bắt buộc, tôi cũng đón nhận những đau khổ mỗi khi có dịp. Có thể tôi chịu đựng đau khổ cách hời hợt miễn cưỡng, không đạt tới lợi ích thiêng liêng là bao, nhưng thâm tâm tôi vẫn muốn chịu vì Chúa Giêsu, tôi không lỡ lắc đầu chối từ tiếng Ngài mời gọi. Tôi cảm thấy tủi thẹn nếu để Ngài lủi thủi ra đi chịu khổ một thân một mình cho tôi, còn tôi là người lẽ ra phải chịu khổ thì lại thờ ơ như người vô tâm vô trí.

Thầy Chí Thánh hiểu rõ tâm hồn các Sứ đồ nên Ngài đã không nói: ‘Này đây Thầy lên Giêrusalem’, nhưng nói rằng: ‘Này đây chúng ta lên Giêrusalem.’ Cách nói này hàm chứa ý tưởng liên kết, cùng nhau vui buồn sướng khổ, không bao giờ tách lìa nhau. Đó là một ân huệ lớn lao cho các Sứ đồ.

Hình như Ngài muốn bảo rằng: Thầy tin tưởng nơi các con, nên không hỏi ý kiến các con thế nào rồi mới nói ‘Này đây chúng ta lên Giêrusalem’, vì lúc này thầy trò mình đang sống với nhau, thì dĩ nhiên sẽ cùng đi, cùng sống với nhau ở Giêrusalem, có lý nào lại chia phôi xa cách.

Lạy Chúa Cứu Thế, mỗi khi con gặp đau khổ hay nhục nhã, xin Chúa nhắc lại cho con nghe lời Chúa đã nói với các Sứ đồ xưa: ‘Này đây chúng ta lên Giêrusalem.’ Chúa chẳng khi nào để con đến đó một mình. Con thấy Chúa đã lên đường trước con để làm gương và khích lệ con can đảm bước tới. Con cảm thấy được an ủi và vinh dự biết bao khi nhắc lại lời nói ngọt ngào êm dịu đầy phấn khởi: Chúng ta cùng nhau đến đó, cùng nhau tiến bước, và cùng bước mãi mãi bên nhau!

Chúng ta phải xác tín rằng điều quan trọng hơn cả là phải kết hiệp với Chúa Giêsu! Hãy tỏ lòng biết ơn, cảm tạ, vì Ngài đã đoái thương chỉ đường vẽ lối cho chúng ta.

Xin Ngài giúp chúng ta thâm tín một điều là Ngài luôn đồng hành trong cuộc sống. Luôn luôn tự nhủ với mình rằng: lên Giêrusalem cùng Ngài để chịu đau khổ nhục nhã với Ngài!

----------o0o----------