BÀI THỨ 299

ÔNG GIA-KÊU GIÀU CÓ

 

+ Tiền nguyện: Hình dung lại quang cảnh Jêricô một thành phố giàu có với những nóc nhà tráng lệ, với vườn tược rộng rãi đượm ngát hương hoa. Đặc biệt chú ý đến đường phố rộng lớn, hai bên có trồng cây vạn tuế và cây vả. Cành cây xanh tốt mọc vươn ra ngoài đường tạo nên bóng mát. Chúa Cứu Thế từ từ tiến vào thành giữa đám đông vô số người đang đi theo. Xin ơn hiểu biết và nhận thức lòng thương xót của Chúa Giêsu và sự đón tiếp nồng hậu của ông Gia Kêu giàu có.

Khi Ngài đi ngang qua thành phố, thì một người thu thuế giàu có tên là Gia Kêu muốn tìm cách nhìn thấy Chúa Giêsu để biết Ngài ra sao. Thế nhưng dân chúng thì quá đông mà ông lại thấp lùn nên ông liền chạy trước, trèo lên cây vả mọc bên đường. Vừa đến chỗ đó, Chúa Giêsu ngẩng đầu lên và nói: Này ông Gia Kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi muốn trú tại nhà ông. Ông Gia Kêu tiếp rước Ngài rất là nồng hậu.’

 

GIÁ TRỊ CỦA TÍNH CHÂN THÀNH

Ông Gia Kêu nao nức muốn tìm cách gặp mặt Chúa Giêsu. Để nhìn thấy Ngài, ông phải dùng đến một cách thế xem ra hơi lố bịch với người có địa vị như ông. Thế nhưng ông bất kể dư luận người đời. Để có thể coi thường dư luận, người ta phải có một lòng ham muốn mãnh liệt trong việc thực hiện công việc đang định làm.

Chúa Giêsu hiển nhiên tán thành cách sống đó. Nếp sống đơn sơ rất có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Các tâm hồn cao thượng quảng đại đều trổi vượt về điểm này. Một số người còn dính bén vẻ trần tục không để ý đến vẻ đẹp này, mà chỉ chú trọng tới những công thức cầu nguyện cầu kỳ, mới lạ, lo cho có những chiếc bàn quỳ xinh đẹp để quỳ. Đừng bảo họ quỳ gối mà lết lên những cầu thang sù sì hay trơn nhẵn để vào một thánh điện cung kính, hay khuyên họ hôn kính khoảng đất mà các lữ hành đi qua. Họ sẽ không nghe đâu, vì tất cả lòng sùng kính mộ đạo phát xuất từ tâm hồn thành tín bình dân đều làm cho họ chán ngán. Họ không thích nghe những bài giảng thánh thiện nhưng quá đơn sơ, ít đặc sắc. Họ không chấp nhận việc đọc dài dòng lời kinh mân côi. Họ cho việc nhắc đi nhắc lại hằng năm mươi, một trăm hay mấy trăm lần một lời kinh là nhàm chán. Trong các việc sùng kình đạo đức do Hội Thánh cho phép, mỗi người được tự do chọn việc hợp với sở thích cá nhân, tuy nhiên có điều nên nhớ là đừng khinh chê một việc nào cả. Và đôi khi phải biết lướt thắng tư tưởng chống đối ngăn chặn bản thân ta hay người khác thực hành một nếp sống tuy đơn sơ dịu hiền, nhưng chứa đựng sức mạnh vô song, như biến cố Ngôi Hai nằm nơi máng cỏ chẳng hạn.

Không có lòng đơn sơ chất phác này, ông Gia Kêu đâu dám mơ tưởng tới việc đón tiếp Đấng cao sang trọng vọng từ Trời xuống như thế. Đức đơn sơ là con đẻ của lòng khiêm nhường. Và lòng khiêm nhường là linh hồn của đức đơn sơ, là đức tính cần thiết giúp đem lại kết quả cho các hoạt động, vì như mọi người đều biết, càng khiêm nhường bao nhiêu càng kéo được chú ý của Thiên Chúa bấy nhiêu.

Khi biết Chúa Giêsu rồi, người ta mới cảm thấy vui mừng thỏa mãn vì thấy Ngài quá nhân lành và hay thương xót. Trái tim Chúa Giêsu xúc động khi thấy ông Gia Kêu ngồi trên cây vả bên đường. Trước mặt đám dân đi theo, Ngài ca ngợi con người có lòng ước ao muốn biết mặt Ngài với một cách hết sức khiêm tốn. Hình như Ngài nói với ông ta rằng, ông không chỉ nhìn tôi như khách qua đường đâu, vì lát nữa tại nhà ông, ông có thể chiêm ngưỡng tôi thật kỹ, ông tha hồ nghe tôi nói, bày tỏ tình thân với tôi bằng một mối tình mà tôi biết chắc là rất chân thành và thắm thiết.

Lạy Chúa Cứu Thế, con chúc mừng Chúa đã tìm được một chủ nhà đầy lòng tốt để trọ đêm, một môn đệ nhiệt thành, một người bạn trung hậu như ý muốn, và là người sắp dâng cúng dưới chân Chúa mọi của cải tài sản mình có.

 

TINH THẦN VỊ THA CỦA ÔNG GIA KÊU

Ông Gia Kêu liền chạy đến trước mặt Thầy Chí Thánh và thưa Ngài rằng: thưa Ngài, tôi muốn bố thí cho người nghèo nửa số tài sản tôi có, và chẳng may làm thiệt hại ai cách nào, tôi xin bồi thường gấp bốn. Chúa Giêsu đáp lại: Hôm nay gia đình này nhận được ơn cứu rỗi.’

Thật là dễ dàng nếu muốn biết xem ông Gia Kêu nghinh tiếp vị thượng khách tại nhà như thế nào. Ông dành tất cả mọi nghi thức danh dự nhất cho thần tượng mà bấy lâu nay ông mong ước được gặp. Ông đuổi gia nhân ra xa và chính ông thân hành rửa chân và xức dầu thơm hảo hạng cho Chúa. Khi ông còn rụt rè không dám hôn bình an vị thượng khách, thì chính khách lại ôm vào lòng mà hôn chúc bình an. Gia chủ cảm động rưng rưng nước mắt, môi miệng lắp bắp không nói nên lời. Chủ và khách cảm thông tỏ bày tình thân với tất cả lòng thành. Rồi bữa ăn đến, cả gia đình quây quần bên Chúa để nghe những lời nhắn nhủ quí giá, cao siêu và thân mật: Nước Trời hôm nay đã mở ra để đón nhận người thu thuế mà xưa nay vẫn bị khai trừ khỏi Nhà Hội.

Hãy nhìn ngắm ông Gia Kêu giữa nguồn cơn cảm xúc khi đứng trước Thầy Chí Thánh và nhắc lại lời đã thân thưa với Ngài ở ngoài đường: Vâng thưa Ngài, tôi đã nhất định như thế rồi, vì danh Ngài tôi sẽ bố thí một nửa gia sản cho người nghèo. Nếu chẳng may tôi đã làm thiệt hại ai điều gì tôi sẽ bồi thường gấp bốn. Ông biết và nhận ra rằng Chúa Giêsu thương mến người nghèo nên ông quyết định chia của cải cho họ. Ông đã gớm ghét sự bất công nên dự trù bồi thường rộng tay. Qua thái độ dự trù này, ‘Nếu chẳng may tôi làm thiệt hại ai điều gì’, chúng ta thấy ông quả là con người tế nhị và thực tế! Có lẽ cuộc sống của ông trước đây đã là lương thiện rồi, nhưng ông biết rằng con người dễ bị lôi cuốn trước của cải vật chất và dễ hành động trái lương tâm, nên ông muốn xét lại vấn đề cho cặn kẽ hơn. Ông tỏ ra là người vừa khiêm tốn, vừa khôn ngoan đáng nêu ra cho chúng ta bài học tu đức. Cảnh tượng cảm động này đem lại nhiều bài học thực hành trong đời sống.

a. Chúa Giêsu tại nhà ông Gia Kêu và Chúa Giêsu trong tâm hồn chúng ta khi rước lễ: Nơi bàn tiệc thánh, Chúa Giêsu cũng đoái thương trú ngụ nơi tâm hồn chúng ta như thế, có điều cuộc tiếp đón của chúng ta không được niềm nở ân cần như ông Gia Kêu. Nếp sống và giá trị cá nhân chúng ta hầu như kém xa. Thử hỏi khi đến thăm viếng tâm hồn chúng ta, những người vẫn được coi là bạn tâm phúc của Ngài, Ngài có được tiếp đón như tại nhà người thu thuế không? Chúng ta có cung kính nao nức và chăm chú tới Ngài mọi giây phút như ông ta chăng? Than ôi, biết bao lần chúng ta tiếp rước Ngài với tâm trí lơ đãng và lạnh nhạt!

b. Việc rước lễ có cải tiến cuộc sống chúng ta? Khi rước Chúa vào lòng, chúng ta có đi vào tâm tình và sở thích của Đấng đem sức sống vào tâm hồn chúng ta không? Đúng lý ra, lúc đó chúng ta phải tạm biệt của cải đời này và quên đi tư tưởng thế tục, để một mình sống với Chúa. Mối bận tâm khi sống bên Chúa là tìm cách làm đẹp lòng Ngài, thỏa mãn mọi sở thích của Ngài.

Hãy hình dung lại cuộc sống ông Gia Kêu từ lúc gặp Chúa cho tới lúc ông chết xem sao! Ông sống hoàn toàn kết hợp với Chúa Giêsu. Cả con người ông thấm nhuần tinh thần sống của Ngài. Ngày đêm lúc nào ông cũng chỉ nhớ lại ngày mà ông đã được vinh hạnh tiếp Chúa tại nhà, và mơ tới ngày hạnh phúc khác, hạnh phúc hơn ngày đó muôn ngàn lần, ngày mà ông được Ngài đón nhận vào quê hương vĩnh cửu. Phần chúng ta, sau khi tiếp đón Chúa tại tiệc thánh, cuộc sống chúng ta có cải hóa  chăng?

 

CHÚA LUÔN THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI

Lớp người thu thuế là những công chức Do Thái chuyên lo thu thuế mà lợi tức do mẫu quốc Rôma đòi hỏi. Chính sách thuế má này là một điều quốc nhục đối với dân Do Thái. Họ cảm thấy mình mất quyền tự trị. Thêm vào đó, giới quan thuế lại thường lạm dụng quyền hành, tự ý tăng giá thuế để kiếm lợi nên xuất thuế đã nặng lại càng nặng và bất công hơn. Ở một vài chỗ trong Tin Mừng, chúng ta thấy Thầy Chí Thánh sống hòa đồng với lớp người thu thuế, những người bị coi là vong bản, bợ đỡ ngoại bang. Chúa ngồi cùng bàn ăn uống với họ, như có ý muốn chia sẻ nỗi buồn bị người đồng bang ghét bỏ. Ngài công khai đáp lại những lời chỉ trích phê bình cách sống của Ngài rằng: ‘Ta đến để cứu rỗi mọi con cái Israel, nhất là người tội lỗi.’

Giáo lý của Ngài là như thế. Và Ngài đã sống hợp với giáo lý ấy từng giây phút. Chúng ta hãy ngưỡng mộ Ngài, vì Ngài luôn trung thành với lý tưởng đã đề ra, cả trong những lúc gay go nhất. Hôm nay trọ tại nhà ông Trưởng ty quan thuế, Ngài biết rằng đối phương sẽ dựa vào đó mà sách động quần chúng nổi lên chống lại Ngài. Nhưng đồng thời Ngài thấy rằng tâm hồn ông Gia Kêu gắn bó mật thiết với trái tim Ngài một cách vô vị lợi.

Vì mộ mến Ngài, ông ta muốn bỏ của cải, phân phát cho người nghèo, bồi thường người đã bị thiệt thòi. Nên tâm hồn Ngài phấn khởi mừng vui, không kể gì đến sợ hãi. Ngài thốt lên rằng: ‘Hôm nay, ơn thánh trọng đại được ban xuống cho gia đình này.’

Ở đây Thầy Chí Thánh nêu lên cho chúng ta một mẫu gương để noi theo. Khi phục vụ lo cho các linh hồn, người ta không được có những quan điểm ích kỷ, hay e dè sợ hãi, nhưng phải hành động trong nguồn sáng khôn ngoan. Tiên vàn hãy tôn vinh Thiên Chúa, và tôn vinh bằng cách đem mọi năng lực phục vụ tha nhân. Lạy Chúa Cứu Thế, hình như một sự khôn ngoan mơ  hồ  nào đó nói với Chúa rằng: Ngài hãy dè dặt ý tứ, đừng nổi giận thù oán kẻ thù địch. Ngài không nên để dân tộc Ngài mất tín nhiệm nơi Ngài, mà hãy duy trì mối hòa khí để còn làm điều ích lợi cho họ.

Ôi sự khôn ngoan nông nổi và thiển cận thế tục, ngươi đã làm giảm giá trị và vẻ cao trọng của Chúa Giêsu khi dám thốt lên lời nói như vậy. Ngươi đã xui Ngài bất trung với chính bản thân Ngài. Hơn nữa, ngươi còn muốn đánh lạc hướng cả con đường lên núi Sọ mà Thiên Chúa gởi Ngài đến để thực hiện sao?

Chúng ta hãy đem lòng ngưỡng mộ Chúa Cứu Thế. Hãy nhất quyết noi gương bắt chước Ngài mỗi khi có dịp! Cố gắng tự tạo một tinh thần siêu nhiên cao thượng để mến chuộng các lợi ích thiêng liêng hơn của cải thế gian, một tinh thần siêu nhiên mãnh liệt để đối phó với các hiểm nguy trên đường chu toàn bổn phận!

----------o0o----------