Thứ sáu sau lễ Hiển Linh

Chúa chữa người phong cùi

(Lc 5,12-16)

 

          1.Chúa Giêsu đang ở trong thành thì có người phong cùi đến sấp mình van xin Người cứu chữa. Người liền giơ tay sờ anh ta, tức thì anh được lành sạch. Người dặn anh đừng cho ai biết, những hãy đi trình diện với tư tế để chứng minh anh đã khỏi bệnh. Nhưng đi tới đâu anh ta cũng thuật lại phép lạ Chúa đã làm cho anh, nên dân chúng khắp nơi kéo nhau theo nghe Chúa giảng và xin Người cứu chữa bệnh tật.

 

          2. Luật Do thái về bệnh phong cùi.

          Theo luật Do thái, những ai mắc bệnh cùi không được sống trà trộn  trong dân chúng vì bệnh này là bệnh nan y và hay lây. Vì vậy số phận của họ đã khổ vì bệnh hoạn lại còn khốn nạn hơn vì tình trạng cô đơn.

          Căn bệnh đáng sợ nhất đối với người Do thái là bệnh cùi. Nó như cơn đại dịch truyền nhiễm gieo rắc biết bao khiếp sợ cho những nạn nhân của nó vì hồi đó không có hy vọng cứu chữa, số phận của người bệnh cùi thực sự rất đáng thương. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, người bệnh bị cách ly khỏi mọi đời sống xã hội và buộc phải trốn tránh xa xã hội.

 

          3. Đau đớn thể xác của người cùi.

          Có những triệu chứng để xem biết ai đã mắc chứng bệnh này: nó có thể bắt đầu bằng những mụn nhỏ và lở loét, những chỗ ung lở thì có mùi tanh hôi. Ở trên mặt thì lông mày rụng hết, mặt lộ ra, thanh quản bị lở, giọng nói trở nên khàn đặc, hơi thở khò khè... Trung bình bệnh này phát triển trong 9 năm, cuối cùng điên loạn, hôn mê và chết.  Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân còn sống lâu năm nhưng ở trong tình trạng đau đớn và thất vọng.

 

          4. Đau khổ tinh thần của người cùi.

          Đau khổ tinh thần còn lớn hơn đau đớn về thể xác. Theo sách Lêvi, người phong cùi phải sống tách biệt khỏi gia đình và bạn hữu, bị coi như đã chết. Và sách còn cho biết thêm :”Người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên :”Ô uế, ô uế”. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế, ô uế : nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại. Ngoài ra người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì phong cùi bị coi là nhơ bẩn và bị coi như Chúa phạt”.

 

          5. Đức Giêsu đã chữa người phong cùi.

          Theo luật, không ai được phép chào hỏi một người phong cùi ở ngoài đường, không được đến gần 2 mét. Nếu người phung hủi đứng đầu gió thì người ở cuối gió phải cách xa 45 mét. Ngay cả một quả trứng, các rabbi Do thái cũng không ăn nếu bán ở đường phố có người phong cùi đi qua. Thế mà Chúa Giêsu bất chấp những cấm cách ấy, Ngài tỏ lòng thương xót bệnh nhân nên đã giơ tay ra sờ vào bệnh nhân và anh ta được khỏi. Đối với Chúa Giêsu, trong cuộc sống chỉ có một điều bó buộc duy nhất là luật yêu thương.

 

          6. Bệnh phong cùi thiêng liêng.

          Ngoài bệnh cùi thể xác ra, còn một loại bệnh cùi thiêng liêng nữa. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thể xác khiến người ta bị cô lập hóa về thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng khiến người ta bị cô lập hóa về đời sống thiêng liêng. Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác.

         

          7. Thái độ đối với người bệnh cùi.

          Đứng trước nạn nhân phong cùi đau khổ này, chúng ta phải có một quyết tâm không bao giờ tự làm cho mình thành người cùi và cũng đừng làm cho những người sống chung quanh mình thành những người cùi. Nghĩa là có những người cư xử như mình bị cùi, khi tự xây cho mình một pháo đài ích kỷ, lập dị... Có những người khác lại đối xử với anh em như những người cùi, khi làm cho anh em cô đơn hoàn toàn, do lời nói hay thái độ chia rẽ, phân biệt đối xử... chẳng hạn có những người, những tập thể mà chúng ta xa lánh theo kiểu người Do thái xa lánh người phong cùi.

 

          8. Truyện : Léon Tolstoi và người hành khất.

          Một hôm Tolstoi, một đại văn hào người Nga, đang ngồi nghỉ mát trên ghế đá trong một công viên gần nhà, thì bỗng có người đàn ông lớn tuổi, áo quần nhếch nhác, đến gần và giơ chiếc mũ cũ rách ra trước mặt nhà văn để xin giúp đỡ. Nhà văn liền thò tay vào túi áo định lấy tiền cho người ăn xin, nhưng tìm hết túi này sang túi khác mà không kiếm thấy đồng nào.

          Bấy giờ ông nhìn người ăn xin và nói với sự hối tiếc như sau :

          - Này người anh em, xin thứ lỗi cho tôi. Vì hôm nay tồi rất tiếc đã để quên ví tiền ở nhà rồi.

          Bấy giờ, người ăn xin thay vì buồn giận, thì đã mỉm cười và nói :

          - Tôi thật không biết phải cám ơn ông thế nào cho xứng. Vì hôm nay ông đã cho tôi một món quà quí báu hơn tiền bạc. Đó là ông đã không những không khinh dể tôi, mà còn tôn trọng tôi khi gọi tôi là “Người anh em”.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt