Thứ ba tuần 7 Phục sinh

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu

(Ga 17,1-11a)

 

          1. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vình Người để Chúa Cha được tôn vinh, và những lời Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ.

          Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đã về trời và từ đây Ngài không còn hiện diện hữu hình bên chúng ta, nhưng Ngài không bỏ mặc ta cô đơn giữa thế gian. Ngài xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta vì Chúa Cha đã trao chúng ta cho Ngài. Chúng ta thuộc về Ngài cũng như Ngài thuộc Chúa Cha. Ngài cũng cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất trong tình yêu của Ngài và Thiên Chúa Cha. Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được đi vào trong mầu nhiệm  tình yêu Ba Ngôi.

 

          2. Bài Tin Mừng dài và khó hiểu. Chúng ta chỉ cần biết đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi Ngài về trời. Đối với Ngài lúc này Ngài thấy mình thanh thản vì đã chu toàn công việc Cha đã trao phó, lúc này Ngài về trời. Đối với Ngài thì thanh thản , nhưng còn các môn đệ còn phải ở lại thế gian, họ sẽ gặp muôn vàn khó khăn, xin Cha hãy gìn giữ họ trong bình an.

          Chúa Giêsu vạch ra 4 khó khăn họ sẽ gặp phải :

          - Thế gian đầy tội lỗi, đầy cám dỗ, sợ họ không đứng vững.

          - Thế gian sẽ bắt bớ họ, sợ họ nản chí.

          - Họ sẽ chia rẽ vì bất đồng ý kiến với nhau, Giáo hội sẽ chia năm sẻ bảy.

          - Ngài cầu cho họ biết hiệp nhất với nhau để xây dựng Hội thánh.

 

          3. “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ vẫn còn ở trong thế gian”.

          Khi nói câu này, hình như Chúa Giêsu tội nghiệp cho chúng ta. Có thể quảng diễn ý Chúa Giêsu một cách đơn sơ : Lạy Cha, phần con thì đã khỏe rồi vì đã thoát khỏi thế gian, nhưng những môn đệ của con thì thật tội nghiệp vì còn phải ở lại thế gian, cái thế gian đó méo mó chứ không còn tốt đẹp như hổi Cha mới dựng nên, cái thế gian đầy dẫy sự xấu sự ác sự khổ, cái thế gian có muôn vàn cạm bẫy, cái thế gian chẳng có giá trị nào vĩnh viễn... Thật là tội nghiệp cho chúng. Vậy xin Cha hãy gìn giữ chúng.

          Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào nên Ngài mới cầu nguyện như vậy.  Còn chúng ta, chúng ta chỉ biết có thế gian này cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghe đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi âu lo (Carôlô).

 

          4. Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha”.

 Theo Chúa Giêsu, giờ đây là đến lúc Ngài đi vào cuộc tử nạn và Phúc sinh.  Vì thế, Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha,  vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trân thập giá. Vì thế,  Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, Thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha, mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu, vì Thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc, bởi vì đã có sự phục sinh liền sau, cái chết chỉ là mở lối cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và cái chết trên Tập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời (Mỗi ngày một tin vui).

 

5. “Xin cho chúng hiệp nhất nên một”.

Sau khi trình bầy với Chúa Cha về hoàn cảnh tội nghiệp của chúng ta còn ở lại thế gian, Chúa Giêsu thưa tiếp :”Xin cho chúng hiệp nhất nên một”. Khi người ta ở trong một tình thế nguy hiểm thì người ta phải đoàn kết lại với nhau. Chúa Giêsu biết chúng ta phải gặp nhiều nguy hiểm ở thế gian nên Ngài xin Chúa Cha giúp chúng ta đoàn kết hiệp nhất.  Chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm lắm : nguy hiểm do ma quỉ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo hội, nguy hiểm do những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất với nhau  thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hòa, chia rẽ, thiếu bác ái  đã làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh.

 

6. Truyện : Hãy cư xử như pho tượng.

Trong những giai thoại về các thánh ẩn tu vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, có câu chuyện như sau : có bảy vị ẩn tu nọ kéo nhau đến sống trong một ngôi đền bỏ hoang của người Ai Cập. Phía trước ngôi đền có một pho tượng. Đây là ngôi đền duy nhất còn sót lại  sau khi đã bị tàn phá. Người cao niên nhất trong bảy anh em được bầu làm Bề trên của cộng đoàn. Để dạy anh em qui luật cơ bản của đời sống cộng đoàn, mỗi sáng ông ra trước pho tượng, nhặt một hòn đá ném vào đó. Chiều đến, ông lại ra trước pho tượng và xin lỗi vì hành động ném đá của ông. Cử chỉ khác thường của Bề trên này kéo dài một thời gian khá lâu.

Ngày nọ, không còn nén nổi tính tò mò, một người anh em trong cộng đoàn đã hỏi lý do của hành động khó hiểu ấy. Vị Bề trên trả lời bằng cách hỏi lại  người đó như sau :

- Khi ta ném đá vào pho tượng, pho tượng có lung lay không ?

Người kia trả lời :

- Không.

Vị Bề trên tiếp tục hỏi :

- Buổi chiều khi ta đến xin lỗi, pho tượng có để lộ xúc động nào không ?

Người kia cũng trả lời :

          - Không.

Vị Bề trên mới giải thích :

- Anh thân mến, chúng ta có tất cả bảy người trong cộng đoàn, nếu chúng ta muốn sống hiệp nhất yêu  thương nhau, chúng ta hãy sống như pho tượng này, đừng ai trong chúng ta tỏ ra giận dữ khi có người anh em xúc phạm đến ta, và cũng đừng có ai trong chúng ta  tỏ ra hãnh diện khi có người đến xin lỗi mình.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường