Thứ bảy tuần 2 Mùa Chay

Dụ ngôn đứa con hoang đàng

(Lc 15,1-3 – 3,11-32)

 

          1. Để nói về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với người tội lỗi, thánh Luca đưa ra cho chúng ta 3 dụ ngôn  : con chiên bị thất lạc, đồng tiền của bà góa bị mất và nhất là đứa con hoang đàng.  Hôm nay thánh Luca dưa ra dụ ngôn đứa con hoàng đàng để nói về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với người tội lỗi biết ăn năn sám hối. Thực ra, dụ ngôn hôm nay không nhằm đứa con hoang đàng, nhưng Lời Chúa nhấn mạnh đến lòng nhân từ thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với người tội lỗi.

 

          2. Người con hoang đàng này là người con thứ và cũng là con út trong gia đình khá giả, nên cậu được nhiều ưu đãi, cưng chiều. Vì được ưu đãi nuông chiều nên dễ hư hỏng, đúng với câu phương ngôn của Pháp :”Con cưng là con hư”. Vì muốn sống tự do, thoải mái, cậu đòi người cha chia gia tài, và người cha đã chia gia tài cho cậu. Số gia tài được đổi thành tiền để dễ dàng ra đi. Vừa trẻ, lại có tiền, lại được tự do không bị ai ràng buộc... nên chỉ có một con đường nhào tới là hư hỏng.

          Thực vậy, cậu đi phung phí tiền bạc, chơi bời trác táng. Thế là tiền mất tật mang. Địa vị của cậu suy sụp quá mau lẹ, rơi vào tình trạng khốn đốn phải đi chăn heo cho người ta để sống qua ngày.  Nhưng rất may, câu chuyện không  chấm dứt ở đây. Giữa cảnh túng đói cùng cực, chàng trai trẻ đã biết nghĩ lại và quyết tâm trở về với gia đình. Cậu can đảm trở về cũng như cậu đã can đảm ra đi, cậu quay gót 180 độ để về cùng cha.

 

          3. Một trong những cách đánh động lương tâm nhân loại mà Đức Giêsu mang đến, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa, được diễn tả qua nhiều câu nói, qua nhiều dụ ngôn, như dụ ngôn được đề tựa :”Người con hoang đàng” được Giáo hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay. Đúng hơn , dụ ngôn đó phải được đề tựa là :”Người cha nhân hậu”, bởi vì nhân vật chính trong câu chuyện là người cha với lòng thương xót vô bờ bến của ông. Người cha ở đây chính là Thiên Chúa. Thánh Luca đã nêu bật  khuôn mặt của một người cha nhân từ, thương xót và xem niềm vui tha thứ là niềm vui to lớn nhất đối với ông.

          Thiên Chúa nhân từ thương xót chúng ta như thế đó nhưng phần đông chúng ta lại ăn ở bội bạc với Thiên Chúa.  Vậy cả hai ngươi con đều phải quay trở về với  cha, cả hai đều phải bước vào nhà cha, cả hai đều phải rũ bỏ nếp sống cũ, nếp nghĩ xưa để về ẩn mình trong trái tim cha : nhân hậu, bao dung, tha thứ và tròn đầy yêu thương.

 

          4. Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng ra đi, người cha không dùng sức mạnh của uy quyền để giữ lại. Ông đã tôn trọng sự tự do, đó là mầu nhiệm lớn lao. Đối với Thiên Chúa, Ngài có thể ngăn cản tội lỗi và sự dữ, nhưng làm như thế, Ngài sẽ tước mất sự tự do của con người.  Không có tự do, con người không thể yêu mến Thiên Chúa như Ngài mong muốn. Mặt khác, con người sẽ không tìm thấy trong cuộc sống, một tình yêu trọn vẹn dẫu là có trách nhiệm.

 

          5. Đó là ý nghĩa dụ ngôn. Chúng ta có thể rút ra được nhiều điều hữu ích cho cuộc sống. Hôm nay chúng ta chỉ cần ghi nhớ một đều thôi: Những người Do thái xưa kia đã nhạo báng, xỉ nhục, đánh đòn và đóng đinh Chúa Giêsu. Chúng ta ngày nay có xử với Chúa như vậy không ? Chúng ta đừng tưởng rằng chúng ta không đối xử với Chúa như vậy. Thưa rằng : Có đấy, và rất nhiều lần, mỗi khi chúng ta phạm tội nhẹ là một lần chúng ta nhạo báng, xỉ nhục Chúa, và nhất là khi phạm tội trọng là chúng ta đã đánh đòn và đóng đinh Chúa mà giết Chúa ngay bên lòng chúng ta. Chúng ta hãy xin lỗi Chúa và quyết tâm sống đẹp hơn.

 

          6. Truyện : Chúa quên hết rồi.

          Một bà già thường đến gõ cửa phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo :”Lần sau, nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài “Cha xứ con có tội gì nặng nhất “, sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.

          - Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

          - Thế bà có hỏi Ngài không ?

          Cha xứ bắt đầu hồi hộp :

          - Bà hỏi thế nào ?

          - Thì con hỏi y như cha đã bảo :”Cha xứ con có tội gì nặng nhất” ?

          Cha xứ càng hồi hộp thêm :

          - Vậy Chúa có trả lời không ?

          - Có chứ.

          Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự :

          - Chúa nói sao ?

          - Chúa nói :”Ta đã quên hết rồi”

          Cha xứ thở phào nhẹ nhõm (Kể theo  ĐHY Nguyễn Văn Thuận).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường