Thứ sáu tuần 2 Mùa Chay.

Dụ ngôn những tá điền sát nhân

(Mt 21,33-43.45-46)

 

          1. Qua dụ ngôn này ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương tuyển chọn  và chăm sóc dân Người. Nhưng những con người bất tín, điển hình là các nhà lãnh đạo Do thái đã đưa dân vào con đường bất nghĩa. Người đã sai các tiên tri đến với họ, và đã bị đối xử tàn tệ. Cuối cùng Thiên Chúa đã sai chính Con Một của Người đến. Ngài đã bị họ sỉ nhục, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Nhưng chính nhờ Ngài, ơn cứu độ đã được thực hiện cho muôn người. Qua cái chết của Đức Giêsu, một dân tộc mới được hình thành. Giáo hội được khai sinh.

 

          2. Ý nghĩa của dụ ngôn :  Chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn nho là dân Do thái, những tá điền làm vườn nho là các tư tế, biệt phái và luật sĩ, các đầy tớ được sai đến bị bắt, bị đánh đập và bị giết chết là các tiên tri, hoa lợi là kết quả của những việc lành, con trai duy nhất của ông chủ là Đức Giêsu, bị lôi ra khỏi vườn tức là bị đem ra khỏi thành Giêrusalem mà giết. Cuối cùng, ông chủ sẽ tru diệt bọn hung ác đó, tức là Thiên Chúa sẽ trừng phạt dân Do thái.

 

          3. Dụ ngôn này có tính cách lịch sử : Nghĩa là một đàng diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do thái, và thái độ của dân Do thái đối  với những tiên tri Chúa sai đến với họ, thái độ của họ đối với chính Chúa.

          Dụ ngôn cũng mang tính cách tiên tri : Nơi con người thời đại đang và sẽ đến đối xử với Thiên Chúa,  và những tá điền vườn nho là hình ảnh các giới lãnh đạo Do thái nhưng cũng chỉ trực diện mỗi chúng ta ngày hôm nay, những người trong giao ước mới, được mời gọi đi làm vườn nho. Chúng ta là những tá điền được Chúa trao phó trách nhiệm  trông coi vườn nho và làm phát sinh hoa lợi. Những gì ta đang có là hoa lợi từ vườn nho.

 

          4. Mình muốn tước lấy hoa trái của Thiên Chúa, muốn mình định đoạt tất cả, loại Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chính là hình ảnh của những tá điền bất lương của ngày hôm nay, con người vẫn đang đi vào vết xe đổ của lịch sử : Khi chúng ta chọn lựa cho mình một cách sống tự mình là chủ định đoạt “vườn nho” mà không cần biết  Đấng làm chủ vườn nho, chúng ta muốn tước đoạt của “thừa tự” của Đấng làm Con Thiên Chúa. Chúng ta đang phác họa lại hình ảnh Nguyên tổ trong Vườn Địa đàng xưa :  Muốn lấy cái “biết” của Thiên Chúa qua hành động hái và ăn trái “hiểu biết” theo ý đồ của Satan, để có vinh quang bằng Đấng Tạo Hóa.  Nhưng, sự “biết” không thấy, lại bị tước đoạt vườn Địa đàng được trao phó. Những tá điền vườn nho cũng vậy, khi giết con thừa tự, vườn nho không những không được hưởng, mà lại còn bị chủ vườn nho lấy lại giao cho tá điền khác (Vinh Sơn, Suối nguồn tình yêu, I, tr 198).

 

          5. Ngày nay, chúng ta cũng được coi là vườn nho của Thiên Chúa. Tất cả những gì  Chúa ân cần săn sóc ban cho đều là hồng ân của Chúa. Chúng ta được tự do hành động, sắp xếp công việc theo ý ta, nhưng ta phải chịu trách nhiệm về những việc làm ấy. Bổn phận của chúng ta là phải cố gắng làm việc cho tốt đẹp để đáp lại tình thương của Chúa đối với chúng ta.

          Sách có chữ rằng :”Tiền xa ký phúc, hậu xa khả  giới” : xe trước đổ, xe sau phải coi chừng. Dân Do thái ngày xưa đã bất trung nên đã bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Ngày nay chúng ta là dân Do thái mới được Thiên Chúa săn sóc giữ gìn, chúng ta phải tránh xa vết xe cũ kẻo phải hư đi, nhưng phải trung thành với hồng ân Chúa ban, bằng cách làm cho ơn Chúa được sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống; đồng thời cũng phải biết chia sẻ cho người khác nữa.

 

          6. Truyện : Không biết chia sẻ của Chúa ban.

          Một người nghèo nọ được thần tài gõ cửa, nên không mấy chốc căn nhà của anh bỗng rộn lên tiếng cười của vợ con, họ hàng và láng giềng. Một cuộc sống xứng với nhân phẩm hơn đó là điều mà con người may mắn này đã cảm nhận được.

          Tuy nhiên, may mắn nào cũng kéo theo những đòi hỏi, mà đòi hỏi thách thức nhất của người nghèo  bỗng trở thành giầu có là : hãy chia sẻ với người khác. Không mấy chốc, bà con họ hàng từ các nơi đổ xô về căn nhà nghèo nàn của anh để xin giúp đỡ,  trước là nhận họ sau là nhận hàng, đó là thói thường của người đời.

          Kẻ trúng số hiểu được các tâm lý thông thường ấy, lúc đầu được thúc đẩy bởi lòng quảng đại, ông không ngần ngại chia sớt cho mọi người. Nhưng dần dà con số người đến xin giúp đỡ ngày càng gia tăng, cho đến một lúc cuộc sống riêng tư và êm ấm của gia đình hầu như bị xáo trộn triền miên. Người đàn ông không còn đủ kiên nhẫn nữa.

          Một hôm, ông đề nghị với vợ :

          - Hay là ta dọn đi một nơi khác.

          Người vợ lắc đầu bảo :

          - Mình có đi đâu thì thiên hạ cũng tìm tới.

          Nhưng người chồng giải thích :

          Mình sẽ đi đến một chỗ không ai biết, mình sẽ đổi tên đổi họ, cũng không cho ai biết mình đi đâu, và sẽ cố gắng sống một cách đơn giản để không ai để ý đến mình nữa, ngay cả mấy đứa nhỏ cũng không cho biết mình đã trúng số.

          Người vợ thắc mắc :

          - Còn tiền bạc thì mình để đâu ?

          Chồng trả lời dứt khoát :

          Mình sẽ đem chôn giấu, mình sẽ sống như thể không hề trung số,  chỉ đem ra dùng khi nào cần thiết mà thôi.

          Thế là cả gia đình dọn đến một nơi khác như dự kiến : họ lén lút ra đi không ai biết, tiền bạc đem chôn cất, con cái còn quá nhỏ nên không biết việc gì đã xẩy ra, họ sống nghèo nàn trong một khu ổ chuột. Ngày qua ngày, chính họ cũng quên rằng mình đã có lần trúng số, và khi họ chết thì tất cả mọi tài sản đều mất hết. Họ quên cả việc viết chúc thư cho con cái để trao lại tài sản cho chúng.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường