Thứ hai tuần 11 thường niên

Đừng trả thù

(Mt 5,38-42)

 

          1. Luật xưa dạy rằng :”Mắt đền mắt, răng đền răng”. Phạm nhân phải đền bù tương xứng với thiệt hại  đã gây nên. Đó là luật công bằng. Còn Chúa Giêsu, Ngài dạy chúng ta phải quảng đại bao dung “ Lấy ân báo oán, lấy yêu thương đáp trả hận thù. Chúa muốn con cái mình phải biết yêu thương như Chúa đã yêu và trải rộng tình thương cho tất cả mọi người kể cả thù địch.

 

          2. Bộ luật cổ nhất của nhân loại là bộ luật của Hammurabi, vua cai trị Babylon khoảng gần 2.300 năm trước CN, qui định hễ ai gây thiệt hại  hoặc thương tích cho người khác thế nào  thì phải đền bù đúng như vậy. Luật ấy được lặp lại nhiều lần như nguyên tắc cơ bản cho luật Cựu Ước :”Mắt đền mắt, răng đền răng” (x.Xh 21,23-25; Lv 14,19-20; Đnl 19,21).

          Dù nó cổ nhất thật, luật đó vẫn còn thể hiện ưu điểm của chế độ pháp trị là ngăn ngừa sự báo thù quá khích và tùy tiện. Chúa Giêsu dạy một nền giáo lý mới : Chẳng những Ngài loại bỏ hẳn sự báo thú theo kiểu “ăn miếng trả miếng” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” mà Ngài còn dạy phải vượt qua sự công bằng theo luật bằng cách sống tinh thần quảng đại bao dung, không giận dữ, không báo thù

(5 phút Lời Chúa).

 

          3. “Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra...”

          Chúa Giêsu còn đi xa hơn các bậc tiền nhân Cựu Ước khi đòi hỏi rằng phải yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong con người. Ngài chủ trương một thái độ rất cá biệt, tương phản hoàn toàn  với thái độ bình thường :”Đừng chống cự với người ác”. Ngài đòi hỏi các môn đệ phải bẻ gẫy vòng xích bạo lực, dù hợp pháp và được báo thù.

          Nguyên tắc yêu thương của Chúa Giêsu làm đảo lộn cách xử sự theo qui ước của loài người. Sứ điệp Tin Mừng vượt quá giới hạn công bằng giao hoán kiểu xử sự dân ngoại. Đức ái Kitô giáo chấp nhận cả các giới hạn và khiếm khuyết của con người và lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.

 

          4. Khi dạy đừng báo thù, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại và tha thứ.  Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa  vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ những ai có tình thương rất mạnh, mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ xúc phạm đến mình.

          Ngày 04/04/1968, mục sư Luther King lãnh tụ da đen tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ da đen bị bắn chết. Hàng triệu người da đen và những người da trắng hiểu biết đã thương tiếc ông. Martin Luther King đã hy sinh cả cuộc đời mình để “ôn hòa” đấu tranh, chống cảnh kỳ thị chủng tộc màu da. Cũng chính vì đã dám lên tiếng  đòi cho mọi người được đối xứ bình đẳng như nhau trong một đại gia đình của Thiên Chúa mà ông đã bị bắn gục.

 

          5. Theo quan niệm dân gian thì người ta nghĩ thế nào ?

          Người đời chia con người thành hai loại xung khắc nhau : hiền nhân quân tử và tiểu nhân. Trong xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo thì con người hiền nhân quân tử được đề cao, coi là bậc thầy, mẫu mực của mọi người. Còn tiểu nhân là những con người tầm thường, bê bối, và nếu hiểu trong tinh thần Kitô giáo, thì ta hiểu tiểu nhân là những kẻ tội lỗi. Những kẻ tiểu nhân, những kẻ vũ phu có những hành động vụt chạc, thiếu suy nghĩ, không cầm được mình, khi bị xỉ nhục là tuốt gươm xông đánh kẻ thù, giống như trường hợp anh chàng Tân Ti Tụ ; còn người quân tử thì hiếu dũng không thèm chấp nhặt những sỉ nhục ấy, họ bình tĩnh đón nhận một cách vui vẻ như hiền triết Socrates. Vì thế, người đời coi tha thứ  là đặc tính của người trượng phu, anh dũng :

                                      Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,

                                      Đấng anh hùng đừng oán mới hay.

 

          6. Truyện :  Trả thù làm chi ?

          Văn hào Nga ông Leon Tolstoi có kể chuyện ngụ ngôn như sau : Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà người giầu có để xin bố thí một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giầu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu nổi những lời van xin, thay vì bố thí, người giầu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.

          Người hành khất lặng lẽ  nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng :”Ta mang hòn đá này cho đến ngày  nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.

          Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giầu có bị tước đoạt tất cả và bị tống giam vào ngục. Ngay hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh áp giải người giầu có vào tù. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay không rời khỏi hòn đá mà người giầu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm.

          Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù  để rửa sạch mối nhục  đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy khuôn mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ :”Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua ? Con người này, giờ đây,  cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường