Thứ năm tuần 16 thường niên

Lý do giảng bằng dụ ngôn

(Mt 13,10-17)

 

          1. Sấm ngôn của tiên tri Isaia làm chúng ta khó hiểu. Tại sao lắng nghe mà không hiểu ? Trố mắt nhìn mà chẳng thấy ? Phải chăng Thiên Chúa không muốn cho chúng ta hiểu ? Nếu tách lời sấm riêng ra, thì chúng ta có thể đặt vấn đề như vậy. Nhưng lời sấm này  đặt trong mạch văn và trong toàn bộ Thánh Kinh thì không thể cắt nghĩa như vậy.

          Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn cứu thoát con người. Chúa Giêsu được sai xuống trần gian chỉ vì mục đích đó. Thế nên, nếu con người không được ơn cứu độ, không phải vì tại Thiên Chúa, nhưng vì tại con người bưng tai chẳng thèm nghe, bịt mắt không thèm nhìn mà thôi.

 

          2. Lưu ý quan trọng :

          Đoạn Tin Mừng gây không ít thắc mắc cho người đọc vì nó khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu cố ý dùng dụ ngôn khó hiểu  để người ta không hiểu được và không được cứu rỗi.

          Thực ra, ở đây Chúa Giêsu trích một câu của tiên tri Isaia. Mà Isaia nói đến một thực tế (chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa) là sự cứng lòng của dân, đến nỗi dù họ có tai có mắt mà cũng như điếc như mù, cho họ nghe và xem cái gì cũng vô ích. Một số người thời Chúa Giêsu cũng thế.

          Bởi vậy, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta :”Ai có tai thì nghe”, nghĩa là ai cũng có khả năng hiểu dụ ngôn (ai cũng có tai), nhưng điều quan trọng là dùng khả năng đó để thực hiện những điều mình đã nghe. Càng thực hiện thì càng hiểu Nước Trời hơn, càng sống Lời Chúa thì càng hiểu Lời Chúa hơn (Giải thích của Carôlô).

 

          3. Hôm nay Chúa Giêsu giải thích cho các Tông đồ về việc Ngài dùng dụ ngôn để giảng dạy về mầu nhiệm Nước Trời. Lý do rất dễ hiểu vì đạo của Chúa là đạo từ trời.

          Bởi vậy trong lời giảng, Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giúp cho dân chúng dễ hiểu hơn. Thực ra khi nói về Nước Trời, một thực tại không dễ diễn tả  bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có cố gắng, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác. Hoặc như thánh Phaolô nói : “Đây là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm”. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiêu sâu xa hơn.

 

          4. Câu trả lời của Chúa Giêsu, mới nghe thì hình như có vẻ mâu tuẫn. Chúa giảng dạy dân chúng hẳn là có mục đích để cho họ hiểu, và việc Chúa thay đổi cách giảng, dùng hình thức dụ ngôn, cũng không ngoài mục đích đó, vì dụ ngôn là sự so sánh cụ thể làm cho dễ hiểu một giáo huấn trừu tượng, nghĩa là dùng hình ảnh cụ thể trong đời sống để so sánh  làm cho người ta dễ hiểu một giáo thuyết trừu tượng. Thế mà Chúa lại nói : Chúa giảng dạy dụ ngôn để cho dân chúng không hiểu được mầu nhiệm Nước Trời, mà chỉ dành riêng cho các môn đệ được hiểu thôi. Như thế là tại sao ? Sau khi giảng dạy dụ ngôn người gieo giống, Chúa đã tuyên bố :”Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Chúa đã dùng dụ ngôn mà nói, có ý gợi lên nơi thính giả sự tò mò tìm hiểu, và nếu ai không hiểu mà hỏi Chúa sẽ được Chúa giải thích cho.

 

          5. Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Để hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở  và ước muốn tìm hiểu.

          Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ:”Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”. Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ các mầu nhiệm. Còn những kẻ ở ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các luật sĩ và biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được  ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc :”Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe” (Mt 13, 16) (Mỗi ngày một tin vui).

 

          6. Truyện : Lời tỏ tình của Thiên Chúa.

          Một nhà bác học nọ muốn làm một cuộc nghiên cứu tại một vùng sa mạc. Ông nhờ một người Ả rập làm hướng đạo. Lên đường từ rạng đông, người bác học thấy người Ả rập làm một cử chỉ khó hiểu là trải tấm thảm  lên cát và hướng về mặt trời phủ phục cầu nguyện. Nhà bác học hỏi :

          - Ông bạn làm gì vậy ?

          Người Ả rập trả lơi :

          - Tôi cầu nguyện với Chúa.

          Nhà bác học lại hỏi :

          - Nhưng ông bạn có thấy, có nghe, có sờ được Chúa không ?

          Thấy người Ả rập thinh lặng vì bị tấn công quá bất ngờ, nhà bác học nói thêm :

          - Ông bn quả là một tên khùng, ông bạn tin ở một người mà ông bạn không bao giờ thấy được, sờ được.

          Ngày hôm sau, khi mặt trời vừa lên, nhà bác học bước ra khỏi lều nhìn chung quanh và đưa ra nhận xét :

          - Hẳn tối qua phải có một con lạc đà đi ngang qua đây.

          Một chút ánh sáng lóe lên trong ánh mắt người Ả rập, anh hỏi nhà bác học :

          - Ông có thấy tận mắt con lạc đà không ?

          Dĩ nhiên nhà bác học  chỉ có thể trả lời là không.

          Sau câu trả lời không ấy, người Ả rập kết luận :

          - Ông quả là một người ngu : ông không thấy, không nghe, không sờ được con lạc đà mà lại bảo rằng đêm qua nó đi qua đây.

          Nhà bác học liền lý luận như một nhà khoa học chân chính :

          - Tôi không thấy, không nghe, không sờ được nó, nhưng tôi thấy dấu chân nó trên cát, đó là dấu chỉ biểu hiện con lạc đà.

          Người Ả rập đưa tay về hướng mặt trời và nói :

          - Ông hãy nhìn những dấu vết của Đấng Tạo hóa. Hãy biết rằng Ngài hiện hữu và yêu thương chúng ta.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt