Thứ bảy tuần 20 thường niên

Các luật sĩ và biệt phái giả hình

(Mt 23,1-12)

 

          1. Chúa Giêsu bảo cho dân chúng hãy nghe những lời luật sĩ và biệt phái dạy dỗ, nhưng đừng bắt chước những việc họ làm. Họ chất lên vai người ta những bó nặng mà chính họ không muốn động ngón tay vào. Họ là những người giả hình. Họ giảng đạo lý, nhưng đời sống của họ đầy ích kỷ, tự cao và thiếu công bình bác ái. Đạo lý của Chúa là đạo yêu thương, quảng đại và phục vụ anh em trong sự khiêm tốn, không dành phần vinh quang cho mình nhưng luôn biết qui hướng về Chúa.

 

          2. Các luật sĩ là những người không chỉ hiểu biết mà còn chú giải luật Maisen cho dân chúng áp dụng vào đời sống hằng ngày. Còn người biệt phái là những con người trí thức đạo đức, họ sống nghiêm nhặt, nhất là trong việc tuân giữ lề luật.  Có thể nói, nhìn bề ngoài các luật sĩ và người biệt phái là những người đạo đức, thế nhưng Chúa Giêsu lại lên án họ là những con người giả hình. Bởi vì họ chỉ thích được khoe khoang việc giữ luật và việc đạo đức của mình để cho người ta khen ngợi. Hay nói đúng hơn, họ chỉ thích những hình thức bên ngoài, còn tâm hồn thì trống rỗng.

          Do đó, Chúa cảnh cáo chúng ta hãy đề phòng những con người như thế, và mời gọi chúng ta hãy sống trung thực, nhất là trong cách giữ luật Chúa. Chúng ta giữ luật Chúa không chỉ vì luật nhưng điều quan trọng hơn  đó là vì yêu mến Chúa. Được như thế, chúng ta mới có thể đến với anh chị em bằng lòng bác ái chân thật.

 

          3. Họ bị Chúa Giêsu chỉ trích và lên án vì họ giả hình và tự tôn : các người biệt phái với áo vàng mũ miện đai nịt mầu mè, nhưng tâm hồn đầy những đam  mê và suy nghĩ xấu xa.  Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người chung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người biệt phái thích chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực.

 

          4. Chúa còn chỉ trích họ sống theo kiểu “Mồm miệng đỡ chân tay”, nói mà không làm. Lời nhận xét dành cho người thông luật là :”Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ.  Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

 

          5. Chẳng ai mang nơi mình một chức vụ nào khi sinh ra. Trái lại, mọi quyền bính là do Thiên Chúa. Mà đối với Đức Kitô, quyền bính được trao ban không phải là để được ăn trên ngồi trốc, không phải để được “ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường...”, mà là để phục vụ. Ngay cả Chúa Giêsu, mặc dù là Thiên Chúa, khi nhập thể làm người đã không đòi cho mình quyền ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã trút bỏ vinh quang để trở nên người phục vụ (x.Pl 2,1-11). Càng phục vụ, Đức Giêsu càng chứng tỏ Ngài đích thực là Con Thiên Chúa. Quyền làm Con Thiên Chúa đó, Ngài chia sẻ với chúng ta :”Thầy đã được trao toàn quyền ở trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28,18-19) (5 phút Lời Chúa).

 

          6. Chúa Giêsu lên án thứ tôn giáo vụ hình thức, giả hình, tính toán của những người biệt phái. Tương quan của họ với Chúa chỉ là một mớ tính toán so đo : họ gia tăng các việc lành phúc đức cốt để được Thiên Chúa thưởng công và người đời khen tặng. Đối lại với tâm thức đó, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài sống phó thác, khiêm tốn, phục vụ.  Ở đây, chúng ta gặp lại cái nghịch lý của Kitô giáo : Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Càng nhỏ bé lại trong tín thác, con người càng lớn lên.  Càng tiêu hao trong phục vụ và quên mình, con người càng gặp lại chính bản thân mình (Mỗi ngày một tin vui).

 

          7. Truyện : Bé cái lầm.

          Có một thi sĩ kia sáng tác được một số bài thơ, bắt đầu nổi tiếng. Một buổi chiều ra công viên thành phố đi dạo, rồi ngồi nghỉ trên ghế đá kê sát vào tường. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông đã ngả mũ cúi chào. Trong khi còn nghĩ ngợi, thắc mắc thì có một bà già cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông nghe không rõ. Thế rồi bà cũng đi. Lúc ấy ông mới quay lại và nhìn lên theo  hướng bà già kia đã nhìn. Ông nhận ra rằng ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.

 

          Chúng ta cũng thường lầm lẫn như thế. Lời Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian. Bởi vì, thật là dại dột và lố bịch khi con người không biết rõ giá trị của mình, lại thích chiếm được địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những ham ước ấy  chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Có khi còn gây nhiều tai họa cho người khác nữa (báo CG và dân tộc, Giáng sinh 1995, tr 281).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt