Thứ năm tuần 20 thường niên

Dụ ngôn tiệc cưới

(Mt 22,1-14)

 

          1. Hôm nay bài Tin Mừng nói về dụ ngôn Tiệc cưới.  Chúa ví Nước Trời như vua kia dọn tiệc cưới cho con trai. Vua sai đầy tớ đi nhắc khách đã được mời đến ăn tiệc, nhưng không ai tới. Vua sai đầy tớ khác đi nữa, và dặn nói với khách là tiệc đã dọn sẵn rồi, hãy tới dự : nhưng họ cũng chẳng tới, vì kẻ thì đi thăm ruộng, người thì lo buôn bán, có kẻ lại bắt đầy tớ vua mà hành hạ, giết chết nữa... Vua nổi giận sai quân lính đi sát phạt họ rồi bảo đầy tớ ra đường gặp ai thì kéo vào dự tiệc... Thế là phòng tiệc đầy khách. Bấy giờ vua vào phòng tiệc, thấy có người không mặc y phục lễ cưới thì quở trách và tống giam vào ngục.

 

          2. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ví Nước Trời giống như một bữa tiệc. Ban đầu Thiên Chúa  đã sai các tiên tri mời gọi dân Do thái vào hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô là đón nhận Tin Mừng để được sống đời đời, nhưng họ đã khước từ; rồi đến các Tông đồ cũng được sai  trước hết phải rao giảng cho dân Do thái, nhưng chính họ đã từ chối (họ đã không xứng đáng dự tiệc cưới).  Cuối cùng, Tin Mừng đã được loan giảng cho bất kỳ ai khắp năm châu bốn bể (khắp ngả đường không phân biệt giầu nghèo tàn tật) mời gọi vào Hội thánh của Chúa và hưởng Nước Trời.

 

          3. “Một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”.

          Đây không phải là lời mời tới dự một đám tiệc thông thường nào đó mà là đám tiệc cưới của một đức vua tổ chức cho con trai mình.

          Cựu ước đã từng hứa hẹn hôn lễ giữa Thiên Chúa và dân Người. Đồng thời Tin Mừng đã trình bầy Đức Giêsu là vị hôn phu của đám tiệc cưới được mong (Mt 9,15).

          Những chi tiết trên đây giúp chúng ta nhận ra : Thời đại Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế đến để cứu chuộc nhân loại là một bữa tiệc lớn,  Thiên Chúa Cha đã tổ chức để mời gọi chúng ta  vào dự tiệc cưới bằng cách gia nhập vào Hội thánh của Chúa. Được sống trong Hội thánh để được chăm sóc và chuẩn bị vào Tiệc cưới Nước Trời quả là một niềm vui và hạnh phúc lớn lao cho chúng ta (Trẫn Hữu Thành).

 

          4. “Thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới”.

          Chi tiết này làm chúng ta khó hiểu, bởi vì nhà vua  cho đầy tớ ra đường gặp bất cứ ai đều được mời vào dự tiệc cưới . Ở giữa ngà ba đường cái thì làm gì có áo cưới ? Trả lời cho thắc mắc đó, ta để ý : người đó không chữa tội gì cả, là dấu anh ta có lỗi, không cần biết nguyên do. Theo thói quen, thời xưa khách qua cửa đã có người trao áo cho, không biết người Do thái có thói quen nào ? Có áo mà không mặc là lỗi tại mình, vì thế nên không mở miệng chữa tội được câu nào.

          Theo ý kiến của một số giáo phụ xưa kia, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.

 

          5. Qua việc ám chỉ dân Do thái tự phụ là những người biết Thiên Chúa trước, nhưng rồi chính họ  lại tự đánh mất cơ hội nhận ra Tin Mừng nơi Người. Chúa Giêsu muốn chúng ta  đừng bao giở ỷ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại, có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê trễ, tội lỗi, xấu xa.

 

          6. Chúng ta đã nhận lời mời của Chúa vào dự tiệc Nước Trời. Đây là một vinh dự lớn lao Chúa dành cho ta. Nhưng vinh dự ấy đòi hỏi chúng ta  phải vươn lên  bằng một đời sống lành thánh, một đời sống kết hợp với Chúa, để có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Trách nhiệm của chúng ta là phải giữ mình không để cho vật dục hay của cải trần gian lôi kéo xuống như con vật, ngược lại phải vươn lên làm con cái ánh sáng để xứng đáng là công dân Nước Trời.

 

          7. Truyện : Đại bàng con

          Chuyện kể rằng : Có một con gà rừng đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ của nó một trứng đại bàng. Đúng ngày giờ, trứng nở thành con. Đại bàng con nô đùa  vui vẻ bên đàn gà rừng như anh chị em ruột.

          Một ngày kia,  đang bưới móc kiếm ăn cùng đàn gà rừng, đại bàng con bỗng thấy  một con đại bàng lớn bay lượn trên không trung thật oai phong và đẹp mắt. Cậu liền hỏi gà mẹ :

          - Mẹ ơi, sao mình không bay như chim kia trên trời ?

          - Chúng ta đâu phải đại bàng mà bay được !

          - Thế chúng ta là ai ?

          - Chúng ta là gà rừng.

          Bỗng một ngày, đang khi bươi chài kiếm ăn trên đống rác cậu lại thấy đại bàng mẹ bay lượn trên đầu gọi :

          - Bay lên con ơi, bay lên đại bàng con của mẹ. Thế giới của con là trời cao đất rộng, chứ không phải là đống rác này ! Bay lên đi con.

          Cậu cố bay lên, nhưng lại rơi xuống. Trong khi các chú gà rừng  cười cợt chế nhạo :

          - Chúng ta là gà rừng, làm sao mà bay được.

          Cậu suy nghĩ, nếu ta là gà rừng sao đại bàng kia  cứ bảo ta là đại bàng con. Và khi bay lên ta thấy cũng đâu có khó khăn gì, có lẽ chưa quen thôi. Nào hãy thử lần nữa xem.

          Thế là cậu đại bàng đủ lông đủ cánh bay lên, và bay lên mãi. Cậu bay theo mẹ  về một chân trời mới. Lần đầu tiên trong đời, cậu được nhìn thế giới từ trên cao, lòng cậu mênh mang, hạnh phúc ngập tràn.

 

          Kitô hữu là người được Thiên Chúa chọn, làm con cái của Ngài. Họ là những con đại bàng, luôn ngước mắt nhìn cao, mong bay lên cùng Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương. Họ luôn sống trong tâm tình của thánh Augustinô :”Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa. Tâm hồn con luôn thao thức cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa”.

                  

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt