Thứ sáu tuần 23 thường niên

Cái rác và cái xà

(Lc 6,39-45)

 

          1. Hôm nay Đức Giêsu kêu gọi mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, những bậc làm cha mẹ phải sáng suốt và khôn ngoan khi sửa lỗi cho anh chị em mình. Chúng ta thường chỉ nhìn thấy  lỗi lầm của tha nhân, mà không nhìn ra những lỗi lầm của chính mình. Nhiều khi chính những khuyết điểm ấy lại đang làm cản trở, gây gương mù, gương xấu cho anh chị em, con cái mình . Theo gương mẫu tuyệt vời là Đức Giêsu và lời dạy của Ngài, chúng ta hãy thường xuyên tự kiểm điểm để biết mình và biết cách hướng dẫn người khác.

 

          2. Những lời trong bài Tin Mừng hôm nay dường như Chúa muốn nhắm tới các thầy dạy trong đạo Do thái thời Ngài, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta.

          Chúa Giêsu muốn nói rằng muốn hướng dẫn, muốn dạy dỗ người khác, thì trước hết phải “biết” điều mình hướng dẫn, mình dạy trước. Vì “mù dắt mù cả hai sẽ rơi xuống hố”(Lc 6,39). Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình. Bởi thế, điều kiện để trở thành người hướng dẫn kẻ khác là phải biết mình. Và cách để giúp mình biết mình trước, tốt nhất là phải học và biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những người không ưa mình nói về mình.

 

          3. Tin Mừng hôm nay không chỉ là bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa : Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người.  Nhìn nhận quyền xét x củaThiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra  thân phận tội lỗi yếu hèn của mình :”Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.

 

          4. Trong một ngụ ngôn hài hước của thi sĩ La Fontaine kể rằng : thần Jupiter khi dựng nên con người thì ngài đeo cho họ hai cái túi : một cái trước ngực đựng những lỗi lầm của người khác, một cái sau lưng đựng những lỗi lầm của mình. Như vậy, người ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của người khác mà không nhìn thấy  những lỗi lầm của mình. Bài học dạy đời của ngụ ngôn này đúng như câu tục ngữ của chúng ta :

          “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng  do câu “Bàng quan giả  tỉnh, đương cục giả mê”.

          Hoặc :

                                      Chân mình thì lấm lê mê,

                               Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

 

          Và đây cũng là bài học Chúa Giêsu dạy chúng ta

:”Cái xà trong mắt mình mà lại đòi gảy cái rác nơi mắt anh em”.

 

          5. Chúng ta rất tích cực sửa lỗi người khác vì nghĩ rằng nếu mọi người khác trong cộng đoàn của mình mà biết được lỗi lầm và sửa chữa thì đời sống cộng đoàn sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Nhưng ngược lại chúng ta rất khó chịu khi bị người khác vạch lỗi chúng ta. Phải chăng đó là biểu hiện của tính ích kỷ của con người.

          Vậy để tâm hồn, để con mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào đôi mắt kẻ khác để thấy cái rác trong đó, hay bới lông tìm vết để xét đoán chỉ trích họ vì một vài lỗi lầm nào đó, nhưng hãy nhìn vào chính đôi mắt tâm hồn mình, để thấy cái đà của ích kỷ, của kiêu căng tự mãn, của phô trương giả hình, để thanh lọc  cho nên trong sáng hơn.

          Vì con người xưa có câu :”Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, nên việc nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo luôn là điều cần thiết của mỗi Kitô hữu, nhất là những vị lãnh đạo, hướng dẫn các tâm hồn. Như triết  gia Chilon và cũng là của nhà hiền triết Socarate :”Hãy tự biết mình”. Chúng ta cũng nên học gương thánh Augustinô mà thưa cùng Chúa :”Noverim Te, noverim me” : Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.

 

          6. Truyện : Lắng nghe lời phê bình.

          Một ông vua kia được viên quan cận thần cho biết một tin khẩn như sau :

          - Thưa ngài, kẻ đã luôn luôn phê bình chính sách của ngài nay bị bệnh nặng, sắp qua đời, từ nay chúng ta sẽ được yên thân hơn.

          Nghe tin báo, thay vì vui mừng thì nhà vua lại ra lệnh cho viên quan đại thần như sau :

          - Hãy mau đi tìm vị lương y giỏi nhất nước đến chữa trị cho người bệnh đó. Ta không muốn kẻ đó phải chết, hãy làm mọi cách  để cứu sống kẻ đó.

          Quan đại thần ngạc nhiên hỏi lại :

          - Thưa ngài, người này là người luôn luôn phê bình đường lối cai trị của ngài. Nếu ông ta mà chết đi, thì có lợi cho ngài hơn, cớ sao ngài lại muốn như vậy, và ra lệnh phải tìm đủ mọi cách  chữa trị cho người đó sống.

          Nhà vua trả lời :

          - Chính vì người đó dám lên tiếng phê bình ta, nên ta lại càng phải cứu sống người đó. Ta cần một con người can đảm như vậy hơn là những người  lúc nào cũng chỉ biết có tung hô vạn tuế.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt