Thứ ba tuần 29 thường niên

Hãy tỉnh thức và sẵn sàng

(Lc 12,35-38)

 

          1.”Tỉnh thức” là hệ luận rút ra  khi được Lời Chúa tuần trước dạy rằng mọi sự ở trần gian này đều là phù vân, tạm bợ, chỉ là những phương tiện để con người kiến tạo cho mình cuộc sống đời đời. Ai cũng phải công nhận, cuộc sống của con người thật bấp bênh. Nhiều thi sĩ Việt nam đã diễn tả tư tưởng ấy trong thơ văn, như “Ôi nhân sinh là thế ấy! Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”(Nguyễn Khuyến). Cho nên Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta đừng coi thường chân lý nền tảng này :”Hãy tỉnh thức ! Hãy sẵn sàng”.

 

          2. Hôm nay, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta phải luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này để bước vào sự sống đời sau. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ “Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà tỉnh thức”. Qua hình ảnh ẩn dụ đó Chúa Giêsu nói đến sự trở về bất ngờ của ông chủ là cái chết của mỗi người. Giờ chết luôn là một sự bất ngờ, không ai biết rõ. Nên phúc cho ai tỉnh thức trước giờ chết của mình. Muốn tỉnh thức chúng ta phải xa tránh tội lỗi, chăm lo làm những việc lành phúc đức. Cuộc sống luôn đầy dẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ru ngủ ta  làm ta lơ là không đề phòng nên dễ sa ngã. Hãy tỉnh thức bằng đời sống cầu nguyện, bác ái, yêu thương, siêng năng lắng nghe Lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết (5 phút Lời Chúa).

 

          3. Vậy tỉnh thức và sẵn sàng là gì ?

          Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết  : Ngài sẽ trở lại trong ngày Quang lâm. Hãy chờ đợi. Hãy tỉnh thức chờ đợi. Tỉnh thức là đang ở trong tư thế sẵn sàng và sẵn sàng cũng là lúc đang tỉnh thức, đó là lúc con người đang chuẩn bị trong mọi lúc. Được chuẩn bị không có nghĩa là hoàn thành hết mọi việc mà người ta muốn hoàn thành. Nó có nghĩa là phải sống trung thực với trách nhiệm của mình trong giây phút hiện tại.

          Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ mà là ngủ trong tỉnh thức. Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm như thường trong tư thế chờ đợi. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại ngủ mê trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối đời mình.

 

          4. Chúa phán:”Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”(Lc 12,35).

          Đây là lối ăn mặc của người đang làm việc theo phong tục của người Do thái.

          Theo nghĩa bóng là phải sẵn sàng, tức là loại bỏ tất cả  những gi làm cản trở  sức sống thiêng liêng của ta : như các đam mê theo dục vọng bất chính.  Và điều này thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta : phải tỉnh thức và tiết độ (1Pr 5,8).

          Thắp đèn cho sẵn” là thái độ  tỏ lòng mong đợi Đấng Cứu Thế (Xh 12,11), nghĩa bóng là  có một đời sống đức tin cậy mến sáng chói để chờ đợi Chúa đến trong giờ chết của mình. Về điểm này thánh Phaolô có nói :”Phải là một lính chiến, can đảm chống lại mọi mưu chước của ma quỷ, thế gian, xác thịt với khí giới của Thiên Chúa : lấy chân lý làm đai lưng, lấy công chính làm áo giáp, lấy nhiệt thành với Tin Mừng làm giầy trận, lấy đức tin làm thuẫn, lấy ơn cứu độ làm mũ và lấy lời Chúa làm gươm”(Ep 6,14-17) (Trần Hữu Thành).

 

          5. Đời sống là một chuỗi những ngày tháng mong đợi. Anh bảo vệ mong cho hết ca trực, chị công nhân mong cho đến giờ tan ca, em học sinh mong thi đậu, đứa bé mong mẹ đi chợ về. Trong câu chuyện dụ ngôn, người đầy tớ không phải là người thợ làm công ăn lương; trái lại, người đầy tớ ấy ở tại nhà của chủ như người trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ  để mở cửa khi chủ trở về. Đó là hạnh phúc của anh. Hạnh phúc cho ai biết phụng sự Chúa như người tôi tớ trung thành. Khi ấy, chính Chúa sẽ phục vụ và chăm sóc họ như ông chủ trong câu chuyện. Người sẽ đưa họ vào Nước Trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người.

 

          6. Truyện : Vườn hoa xinh đẹp.

          Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ mầu sắc. Nằm giữa vườn  là một vườn hoa tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn... ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn. Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp mầu sắc... câu chuyện đi đến chỗ thân tình.

          Du khách hỏi :

          - Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi ?

          - Khoảng 40 năm rồi.

          - Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà ?

          - Ông ta không có ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi.

          - Ông có thư từ gì với cụ không ?

          - Không, ông ta bận lắm.

          - Ông ta không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ ?

          - Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự  cho khu vườn này.

          - Thế tội gì cụ phải săn sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu?

          - Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy ch lúc nào ông chủ về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt