Thứ bảy tuần 29 thường niên

Hãy mau mắn hối cải

(Lc 13,1-9)

 

          1. Đoạn Tin Mừng hôm nay có ý kêu gọi mọi người hãy ăn năn hối cải. Lời giảng và dụ ngôn của Đức Giêsu chứng tỏ Thiên Chúa khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi con người sám hối và hoán cải. Trước hai tai nạn đột ngột  làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Đức Giêsu khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác, nhưng mỗi người hãy coi  các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm của mình để lo sám hối.

          Sám hối là điều kiện cần  thiết để chúng ta được Thiên Chúa tha thứ. Và cũng qua dụ ngôn cây vả, chúng ta phải biết nhận ra giới hạn của mình và tích cực sửa đổi để được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương.

         

          2. Người Do thái thường quan niệm rằng, mọi tai họa là hậu quả của tội lỗi. Những người được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay  bị chết như thế là do tội lỗi của họ. Nhưng Đức Giêsu không nghĩ như vậy. Ngài giải thích kiểu khác : những tai họa, thảm nạn không phải là hình phạt của Thiên Chúa mà là dấu chỉ  cho một lời mời gọi để kêu gọi mọi người hoán cải. Như vậy, việc những người bị giết chết do bàn tay của Philatô hay bị tháp Siloe đổ xuống đè chết không được coi là cớ để ta xét đoán và kết án người khác, mà phải được coi là dịp để “duyệt xét lại đời sống” của chính mình bằng tâm tình sám hối, để trở về với đường ngay nẻo chính. Chỉ có cách đó con người mới xứng đáng với diễm phúc làm con cái Chúa.

 

          3. “Chúa phạt”, đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa cho người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa  một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.

          Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu mến người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác (Mỗi ngày một tin vui).

 

          4. Nhân hai sự kiện thời sự - những người nổi loạn bị tống trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Siloe đè chết – Đức Giêsu cảnh báo người đương thời phải sám hối. Điều lạ lùng là một đàng, Chúa dạy phài mau mau sám hối; đàng khác, Chúa lại kiên trì chờ đợi con người sám hối qua dụ ngôn “người làm vườn và cây vả”. Hoãn binh chi kế thông thường là thủ thuật của kẻ dưới nhằm có thời giờ đối phó với người trên. Còn Thiên Chúa, luôn luôn là người trên, đồng thời là Đấng “chậm giận và giầu tình thương”, lại chấp nhận “phương án” hoãn binh, không phải như cơ hội cho con người mưu tính, song là để chúng ta nhận ra lòng thương xót của Ngài. Thay vì trừng phạt ta “ở đây và ngay lúc này”, Ngài lại kiên nhẫn đợi chờ. Ngài dành cho chúng ta thời gian sửa đổi, nhận ra lỗi lầm của mình, cũng như cảm nghiệm được ý muốn nhân từ của Ngài. Một khi nhận thức được thâm ý của Chúa, sự hoán cải đổi đời của ta sẽ có giá trị bền vững (5 phút Lời Chúa).

 

          5. Qua hai sự kiện - quan Philatô ra lệnh giết và tháp Siloe đè chết người - dù muốn hay không, chúng ta phải công nhận cái chết là một thực tại mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày. Cái chết là một biến cố không ngừng tra vấn con người. Khi nói đến cái chết và kêu gọi sám hối, Đức Giêsu không chỉ kêu gọi con người chuẩn bị để đón cái chết  vốn đến một cách bất ngờ, Ngài còn muốn nhắc nhở con người về một điều cơ bản hơn, đó là thân phận mỏng manh bất toàn của con người. Chấp nhận thực tại của cái chết là chấp nhận cái thân phận bất toàn ấy, có nghĩa là  chấp nhận sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa (R.Veritas).

 

          6. Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giêsu, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngon đồng bạc đánh mất, hay dụ ngôn người Cha nhân hậu, hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.

 

          7. Truyện :  Hãy kịp thời thống hối.

          Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ :”Ai chịu đầu hàng  và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt  thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.

          Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy. Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng : không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt